vĐồng tin tức tài chính 365

Vì sao NATO quyết kết nạp Thụy Điển?

2024-01-25 09:39
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson (trái) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo ngày 24-10-2023 tại Stockholm (Thụy Điển) - Ảnh: AFP

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson (trái) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo ngày 24-10-2023 tại Stockholm (Thụy Điển) - Ảnh: AFP

Viễn cảnh gia nhập của Thụy Điển trên thực tế là một sự kiện mang tính cột mốc đối với quá trình mở rộng ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực Bắc Âu, vốn có truyền thống trung lập và nắm giữ nhiều dự án kinh tế - thương mại đầy tiềm năng hướng đến Bắc Cực.

"NATO hóa" Bắc Âu

Ở cấp độ khu vực, mặc dù Thụy Điển sắp kỷ niệm 30 năm tham gia hợp tác với NATO nhưng khuôn khổ Sáng kiến Đối tác tương tác tăng cường (PII) giữa Thụy Điển - NATO ký kết từ năm 2014 chỉ cho phép lực lượng NATO tham gia các hoạt động tập trận có tần suất thấp trên lãnh thổ Thụy Điển.

Điển hình là cuộc tập Aurora lớn nhất vào tháng 4-2023 ở các khu vực xung quanh đảo Gotland chiến lược và các cuộc tập trận trước đó chỉ diễn ra một lần mỗi năm kể từ 2021.

Do đó, tư cách thành viên của Thụy Điển sẽ cho phép NATO chính thức được triển khai lực lượng thường xuyên hơn đến đảo Gotland nằm ở trung tâm Biển Baltic. Từ đó hoàn thành "chuỗi đảo thứ nhất" kết nối từ đảo Aland (Phần Lan) đến đảo Bornholm (Đan Mạch) đi qua Gotland nhằm củng cố hạ tầng quân sự chiến lược đối trọng hiệu quả với căn cứ của Hạm đội Biển Baltic mà Nga đặt tại lãnh thổ Kaliningrad.

Kết hợp với "chuỗi đảo GIUK" giữa Greenland (Đan Mạch) - Iceland - Vương quốc Anh ở phía tây Bắc Băng Dương, mạng lưới chuỗi đảo phòng vệ của NATO sẽ được củng cố đáng kể.

Sự kiện này cũng đánh dấu xu hướng "NATO hóa" toàn bộ Tổ chức Hợp tác quốc phòng Bắc Âu (NORDEFCO), khi toàn bộ thành viên của cấu trúc quốc phòng này đều tham gia khối NATO.

Ở cấp độ liên khu vực, kịch bản Thụy Điển gia nhập khối này sẽ lập tức đánh dấu xu hướng "NATO hóa" toàn diện trong Hội đồng Bắc Cực (AC) khi chỉ còn Nga là thành viên duy nhất của AC không phải thành viên NATO.

Tuy thực trạng này vẫn ít có khả năng thúc đẩy Nga tiếp tục rút khỏi AC như đã từng tuyên bố đối với Hội đồng khu vực Biển Barents và châu Âu - Bắc Cực (BEAC) vào tháng 9-2023 (do Nga vừa hoàn thành nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên ở AC), nhưng sẽ giúp thúc đẩy việc đảm bảo an ninh hàng hải đối với các hành lang hướng Bắc của châu Âu (đặc biệt là hành lang Bothnian mà Bắc Âu đang xây dựng được EU tài trợ).

Việc kiện toàn hiện diện của NATO ở Bắc Âu giúp giảm thiểu sự bất lợi về năng lực quân sự của các nước Bắc Âu trong cuộc đua giành ảnh hưởng ở Bắc Cực với quốc gia có lãnh thổ giáp đến 53% diện tích Bắc Băng Dương như Nga.

Điều này thực sự quan trọng trong bối cảnh Bắc Âu đang có xu hướng mở rộng các cơ chế hợp tác tiểu khu vực đến khu vực Biển Baltic thông qua cơ chế hợp tác Bắc Âu - Baltic (NB8) và đến cả nhóm quốc gia giáp biển Adriatic, Biển Đen với Sáng kiến Ba biển (3SI) vốn cũng thuộc vành đai phòng thủ phía Đông mà NATO đang tăng cường lực lượng.

Nga không quyết ngăn cản

Có thể thấy mặc dù Bộ Ngoại giao Nga từng cảnh báo các hậu quả chính trị và quân sự nghiêm trọng nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO từ cuối năm 2021, nhưng những biện pháp gây áp lực hiện tại của Nga đều không có bất kỳ hiệu quả nào.

Sự tham gia chính thức của Phần Lan vào tháng 4-2023 và xu hướng sắp tới của Thụy Điển cho thấy khả năng rất cao phía Nga đã không thực sự muốn ngăn cản cả hai lộ trình này.

Trong đó, điều quan trọng nhất chính là sự đảm bảo nguyên tắc mở rộng của NATO đã được phía Phần Lan khẳng định trong báo cáo chính thức về Môi trường an ninh khu vực của chính phủ ngay trước khi gia nhập NATO.

Nguyên tắc này đảm bảo việc NATO không được phép triển khai thường trực quân đội, khí tài và vũ khí hạt nhân tại lãnh thổ các quốc gia thành viên mới, đồng thời Phần Lan đảm bảo giữ quyền quyết định vị trí triển khai tên lửa và vũ khí NATO trên lãnh thổ của họ theo mô hình gia nhập của Đan Mạch và Na Uy trước đó.

Ngay cả khối NATO cũng yêu cầu các quốc gia mới gia nhập "cam kết giải quyết hòa bình các xung đột" trong các nguyên tắc mở rộng từ năm 1995. Do đó, đề nghị của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đến Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson, về việc đàm phán chuyên sâu ở thủ đô Budapest có xu hướng chỉ nhằm có được sự đảm bảo cụ thể với các nguyên tắc trên.

Hungary từ lâu đã có quan hệ truyền thống tốt đẹp với Nga và hiện là "chốt chặn" cuối cùng trên lộ trình gia nhập NATO của Thụy Điển và ngay từ đầu Hungary đã không nêu bất kỳ điều kiện nào làm điều kiện đánh đổi với Thụy Điển như phía Thổ Nhĩ Kỹ.

Các phản ứng có phần giảm nhẹ từ phía Nga, khi chỉ đề cập đến "ảnh hưởng xấu" đối với tình hình an ninh ở Bắc Âu, vốn "là một trong những khu vực ổn định nhất thế giới" càng củng cố thêm cho xu hướng đảm bảo không vi phạm các "giới hạn đỏ" ở Biển Baltic (điển hình là không phong tỏa quân sự lãnh thổ Kaliningrad).

Tư cách thành viên của Thụy Điển có thể chỉ mang tính biểu tượng khi nước này giúp NATO hoàn thành "chuỗi đảo Baltic" nhân kỷ niệm 30 năm tham gia cộng tác với NATO. Sự song hành giữa xu hướng đảm bảo "vành đai phía Đông" với các sáng kiến kết nối Ba biển và Hành lang kinh tế hướng Bắc của khu vực Bắc Âu mà Thụy Điển tham gia chính là mục tiêu tương hỗ chiến lược mà cả hai bên đều được lợi lần này.

Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý Thụy Điển vào NATO, Hungary bật đèn xanhThổ Nhĩ Kỳ đồng ý Thụy Điển vào NATO, Hungary bật đèn xanh

Thụy Điển rộng đường vào NATO sau khi đề nghị kết nạp của nước này được Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận và thủ tướng Hungary bật đèn xanh.

Xem thêm: mth.31480057052104202-neid-yuht-pan-tek-teyuq-otan-oas-iv/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vì sao NATO quyết kết nạp Thụy Điển?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools