Không thể lý giải mục đích của việc chống đỡ này có tác dụng gì, một số người dân ở các khu dân cư tranh luận nảy lửa việc cây xanh đỡ cọc gỗ khỏi nghiêng đổ, hay giá gỗ dựa vào chống đỡ cây xanh khỏi gió bão.
Rọ gỗ dựng dày đặc quanh gốc cây xanh vỉa hè
Ít ngày qua, một số tuyến đường ở quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng được công ty chăm sóc cây xanh vỉa hè đường cử công nhân chở cọc gỗ đến cắm bao quanh bồn cây.
Trên trục Nguyễn Khắc Nhu, những rọ gỗ bằng cây bạc hà tươi được dựng lên dày đặc dưới các cây xanh lớn, vững gốc. Những cây xanh này đã sống, tỏa bóng qua hàng chục mùa mưa bão.
Việc chăm sóc, cắt tỉa cây xanh được làm thường xuyên. Đa phần là trước mùa mưa bão để giữ cây không bật gốc. Tuy nhiên đơn vị cây xanh dựng rọ gỗ đồng loạt ở các gốc cây to lớn, khi mùa mưa bão đã hết, khiến không ít người băn khoăn.
Một số người cho rằng việc dựng rọ gỗ với cây cao lớn, đã sống ổn định như vậy chỉ là làm cho đầy đủ quy trình thủ tục để "giải ngân", làm cho có để đối phó với cơ quan chức năng khi kiểm tra quy trình chăm sóc cây từ doanh nghiệp được giao.
Phản cảm quá thì sẽ dỡ bỏ cọc gỗ quanh cây
Chăm sóc, quản lý cây xanh là công việc tốn kém lượng tiền bạc rất lớn tại Đà Nẵng. Lâu nay công việc này được phân cấp cho doanh nghiệp, các phòng quản lý đô thị cấp quận.
Mỗi khi trồng cây xanh mới trên vỉa hè, đơn vị chăm sóc cảnh quan thường dùng bốn cây gỗ chống bốn hướng, định vị chắc chắn để giữ thân cây ở giữa không nghiêng ngả.
Đặc biệt, trước mỗi mùa mưa bão thì cây xanh ở các tuyến đường phố được gia cố chắc chắn bằng cọc gỗ lớn.
Nhiều nơi đơn vị quản lý cây xanh còn hàn cùm thép ôm trọn thân cây, rồi chống bốn hướng bằng 4 trụ sắt vững chãi như dọc tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành, đường Trường Sa, Hoàng Sa…
Tuy nhiên việc một số tuyến đường có cây xanh to lớn ở Liên Chiểu gần đây bỗng được rọ, rào quanh bằng những que gỗ mỏng manh, sơ sài thì không khỏi làm người dân thắc mắc.
"Cái cây nó sống cả chục năm, thân to như cột nhà, bão cấp 12, 13 giật chẳng ăn thua gì mà nay tự dưng lại lấy 4 cọc gỗ đóng 4 hướng bọc quanh gốc. Chúng tôi ngó nhìn mà ngao ngán, không hiểu đơn vị quản lý cây xanh làm ăn kiểu gì.
Nếu nói chống cho đỡ gió bão thì sao không chống từ giữa năm mà giờ mới làm?
Cây xanh cả chục mét, gốc to như cột nhà mà dùng mấy cái que như chiếc đũa, đóng vài cái đinh cho dính vào nhau rồi dựng lên quanh gốc thì cái cành cây rớt xuống cũng nát, chứ nói gì cả cái cây. Thật bôi bác, thà không làm còn hơn!" - ông Nguyễn Văn Hồng, một người dân trên đường Nguyễn Khắc Nhu, quận Liên Chiểu, nói.
Nói với Tuổi Trẻ Online, đại diện doanh nghiệp thực hiện gói thầu chăm sóc quản lý cây xanh trên các tuyến đường tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu cho biết dự án chăm sóc cây xanh được doanh nghiệp đấu thầu và thực hiện lâu nay.
"Việc làm rọ, rào quanh gốc cây mục đích để giữ cây khỏi gió bão. Công việc cũng kết thúc trước ngày cuối cùng của năm 2023 để đóng khép hồ sơ.
Tuy nhiên tùy theo tình trạng của cây, hằng ngày công nhân đi kiểm tra nếu thấy cây già, yếu thì sẽ làm rọ chống đỡ" - đại diện doanh nghiệp chăm sóc gói cây xanh ở đường Nguyễn Khắc Nhu nói.
Về việc người dân cho rằng giá đỡ các cây xanh được làm theo kiểu cho có, quá sơ sài và hoàn toàn không có tác dụng..., đại diện đơn vị chăm sóc cây xanh nói sẽ xuống kiểm tra ngay.
"Không biết gần đây anh em có đi làm cái rọ đó không. Nếu có mà làm rọ mong manh, phản cảm, máy móc quá thì sẽ tháo dỡ ngay, chứ để vậy khó coi" - đại diện đơn vị chăm sóc cây xanh nói.
TTO - Việc quản lý công viên, cây xanh được phân cấp về cho các quận, huyện; công tác duy tu chăm sóc công viên cây xanh sẽ được đấu thầu, xã hội hóa đầu tư cải tạo công viên...