Sáng 25-1, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã họp, xem xét các phương án đề xuất của Ban cán sự đảng UBND tỉnh, liên quan đến hợp phần 2 dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - tiểu dự án TP Nha Trang (dự án CCSEP).
Theo thông tin do Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa vừa cung cấp, tại cuộc họp ngày 25-1, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có ý kiến "thống nhất về việc sử dụng ngân sách tỉnh thay thế vốn vay ODA để tiếp tục triển khai thực hiện các hạng mục còn lại của hợp phần 2 dự án; đồng thời dự án cũng sẽ tiếp tục áp dụng khung chính sách đền bù tái định cư theo quy định của Ngân hàng Thế giới".
"Nếu thuận lợi, các hạng mục thuộc hợp phần 2 dự kiến sẽ triển khai thi công lại vào quý 3-2024 và hoàn thành vào cuối tháng 12-2025", theo Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa.
Dự án CCSEP Nha Trang (gồm 4 hợp phần) có tổng vốn đầu tư hơn 1.380 tỉ đồng (tương đương hơn 60 triệu USD). Trong đó, vốn đối ứng của tỉnh là 11,4 triệu USD, còn lại là nguồn vốn do Ngân hàng Thế giới (Wolrd Bank) tài trợ vay vốn ODA (48,614 triệu USD theo các chính sách ưu đãi, ân hạn của World Bank).
Hợp phần 2 dự án CCSEP Nha Trang gồm 2 gói thầu xây dựng, với các hợp đồng đã ký kết tổng trị giá 281 tỉ đồng (tương đương 12,2 triệu USD).
Trong đó, gồm các hạng mục xây dựng kè, đường bờ nam sông Cái Nha Trang (hơn 2km, từ cầu đường sắt xuống đến cầu Hà Ra), kè phía bờ bắc (từ cầu Xóm Bóng đến đường Chử Đồng Tử, 423m) và đường Chử Đồng Tử (khu vực Tháp Bà Ponagar và chợ Bàu).
Tuy nhiên, do việc bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng để thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng các hạng mục trên không đảm bảo tiến độ, dẫn đến việc không có khả năng thi công hoàn thành trước ngày kết thúc dự án CCSEP Nha Trang (30-6-2024). Vì vậy, World Bank đã hủy toàn bộ phần vốn tài trợ vay ODA cho hợp phần 2 đã nêu.
Do "Hội đồng bồi thường quan ngại... "
Dự án CCSEP Nha Trang đã được triển khai từ năm 2016, nhưng đến nay các hợp đồng xây dựng các hạng mục công trình hai bên sông Cái Nha Trang thuộc hợp phần 2 chỉ mới đạt được khoảng 5% khối lượng.
Về nguyên nhân chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng tại hợp phần 2 dự án CCSEP Nha Trang, theo Ban cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa, là do "Hội đồng bồi thường quan ngại trong việc áp dụng khung chính sách bồi thường của World Bank, do đó mất nhiều thời gian họp xử lý, thông qua phương án".
Còn các quyết định thu hồi đất "chưa đáp ứng theo quy định khung chính sách đền bù của World Bank, vì vậy nhà tài trợ yêu cầu cung cấp để rà soát".
Sau khi rà soát, đến ngày 17-3-2023 World Bank đã yêu cầu dừng toàn bộ các hoạt động thu hồi đất cho đến nay tại hợp phần 2.
Việc Khánh Hòa bị hủy tài trợ hơn 10 triệu USD xây dựng kè, đường hai bên sông Cái Nha Trang có liên quan đến việc bồi thường cho dân bị ảnh hưởng từ dự án không đúng chính sách của World Bank.