Houthi là một tổ chức Hồi giáo được biết do Iran hậu thuẫn. Thời gian qua, Houthi trở thành tâm điểm của dư luận quốc tế khi tấn công tàu hàng ở Biển Đỏ. Trung Quốc được cho đã có động thái, dù Houthi tuyên bố tàu Nga và Trung Quốc sẽ an toàn.
Việc tấn công Biển Đỏ được Houthi xem như một cách thể hiện sự phản đối chuyện Israel tấn công Dải Gaza do tổ chức Hồi giáo Hamas của người Palestine kiểm soát.
Điều này khiến cộng đồng quốc tế khó xử. Một mặt, không ít ý kiến cũng cho rằng tính mạng của người Palestine cần được bảo vệ, và rằng nên phân biệt giữa tổ chức Hamas và "người Palestine". Nói cách khác, không ít người ủng hộ Houthi khi tổ chức này nhân danh người Hồi giáo Palestine.
Một mặt, chuyện Houthi tấn công tàu ở Biển Đỏ là hành động nguy hiểm, trước mắt làm gián đoạn thương mại quốc tế.
Một trong những chi tiết được chú ý nhất là liệu Trung Quốc phản ứng ra sao với tình cảnh ở Biển Đỏ.
Theo đó, các quan chức Trung Quốc gần đây đã liên lạc với Iran để tham gia xử lý. Họ đặt ra sự lựa chọn rằng, hoặc Iran giúp kiềm chế việc Houthi tấn công tàu ở Biển Đỏ, hoặc sẽ đứng trước rủi ro tổn hại quan hệ kinh tế với Bắc Kinh.
Thông tin này được Reuters đưa ngày 26-1, dẫn lời bốn nguồn tin từ Iran và một nguồn ngoại giao thông thạo vấn đề này.
Hiện nay, các thảo luận về Houthi và thương mại giữa Trung Quốc và Iran đã diễn ra trong những cuộc họp gần đây giữa Bắc Kinh và Tehran.
"Cơ bản, phía Trung Quốc nói rằng: Nếu lợi ích của chúng tôi bị xâm phạm theo bất kỳ hình thức nào, điều này cũng ảnh hưởng tới quan hệ kinh tế với Tehran. Vì vậy hãy bảo Houthi thể hiện sự kiềm chế", một quan chức Iran được thông báo về các thảo luận trên nói với Reuters.
Bốn nguồn tin Iran khác dù vậy cho hay quan chức Trung Quốc không bình luận cụ thể, không đưa ra "lời đe dọa" nào về quan hệ thương mại giữa nước này và Iran.
Trong 10 năm qua, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Iran. Trong mối quan hệ này, Trung Quốc có vẻ là đối tác quan trọng đối với Iran hơn so với vai trò của Iran với kinh tế Trung Quốc.
Lấy ví dụ về dầu mỏ, theo công ty phân tích thuơng mại Kpler, Trung Quốc mua trên 90% lượng dầu thô xuất khẩu của Iran năm ngoái. Trong bối cảnh bị Mỹ trừng phạt kinh tế, Iran không có nhiều bạn hàng, còn Trung Quốc lại có thể tranh thủ dầu giảm giá của Tehran.
Tuy nhiên, lượng dầu của Iran cũng chỉ chiếm 10% tổng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới.
Các nguồn tin Iran trong bản tin của Reuters cho biết Bắc Kinh nói rất rõ rằng họ "sẽ rất thất vọng với Iran" nếu bất kỳ tàu nào của Trung Quốc bị Houthi tấn công.
Khi được hỏi về các cuộc gặp với Iran nhằm thảo luận về những vụ tấn công ở Biển Đỏ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: "Trung Quốc là người bạn chân thành của các nước Trung Đông, và cam kết thúc đẩy sự ổn định và an ninh khu vực, đồng thời hướng tới sự phát triển và thịnh vượng chung. Chúng tôi ủng hộ các nước Trung Đông trong việc tăng cường độc lập chiến lược và đoàn kết, hợp tác giải quyết các vấn đề an ninh khu vực".
Chính phủ Mỹ đã cảnh báo Iran về mối đe dọa khủng bố từ tổ chức IS, một nỗ lực mà theo giới quan sát nhằm xây dựng niềm tin dù hai nước đang đối đầu gay gắt.