Ngày 25/1, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử và tuyên bị cáo Néang Sóc Rane (37 tuổi, quê An Giang) 20 năm tù, Phạm Hùng Tuấn (34 tuổi, ngụ TPHCM) 17 năm tù, Đỗ Văn Trung (47 tuổi, quê Nam Định) 14 năm tù và Nguyễn Bảo Duy (28 tuổi, quê Đắk Lắk) 10 năm tù về tội Tàng trữ, lưu hành tiền giả.
Theo hồ sơ vụ án, chiều ngày 25/8/2021, Tổ tuần tra phòng chống Covid-19 Công an quận Tân Bình phát hiện, Phạm Hùng Tuấn chạy xe chở bạn đi trên đường Nguyễn Minh Hoàng, quận Tân Bình, có biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu dừng xe kiểm tra. Lực lượng chức năng phát hiện trong ba lô của Tuấn có 280.000 USD.
Tuấn khai là tiền trên là giả nên tổ tuần tra lập biên bản, thu giữ vật chứng. Làm việc với cơ quan điều tra, Tuấn nói nhận số tiền giả này từ Neáng Sóc Rane.
Mở rộng điều tra, tối cùng ngày, cảnh sát khám xét nơi ở của Néang Sóc Rane tại quận 7, thu giữ xấp tiền gồm 88 tờ có mệnh giá 100 USD (tương đương 8.800 USD), giấy cam kết giao nhận số tiền 260.000 USD giả ghi ngày 9/8/2021; một máy đếm tiền và 420 triệu đồng.
Khai với cơ quan điều tra, Rane cho biết, khoảng tháng 7/2021, trong lần qua Việt Nam khám bệnh, chị ta quen người đồng hương tên Thy (không rõ lai lịch). Người này đặt vấn đề sẽ cung cấp USD giả để Rane tiêu thụ tại Việt Nam. Đồng thời, người tên Thy giới thiệu cho Rane gặp Đỗ Văn Trung để xử lý tiền USD giả.
Khi gặp Trung, Rane nói có nguồn tiền USD phát hành năm 2006 (tiền cũ) nếu ai đổi được thì giới thiệu và sẽ chia hoa hồng. Trung sau đó giới thiệu cho Rane liên lạc với Phạm Hùng Tuấn giao dịch đổi tiền.
Theo đó, ngày 9/8/2021, Rane bán cho Tuấn 258.000 USD; ngày 24/8/2021 bán 280.000 USD thu lợi bất chính với số tiền 515 triệu đồng.
8.800 USD giả Rane chưa kịp tiêu thụ đã bị công an bắt giữ, tịch thu. Sau khi nhận 258.000 USD từ Rane, Tuấn nhờ Nguyễn Bảo Duy mang đi đổi.
Ngày 9/8/2021, Tuấn và Duy cùng mang số tiền này đến một ngân hàng có chi nhánh tại quận Tân Bình để bán nhưng không được do tiền cũ. Tuấn sau đó đưa Duy toàn bộ số tiền USD giả và thỏa thuận nếu bán được thì sẽ được hưởng 65%, Tuấn sẽ nhận 35% còn lại.
Tiếp đó, Duy sau đó nhờ chú ruột là nhân viên ngân hàng mang đến một ngân hàng đổi thành công được hơn 5,7 tỷ đồng (tương đương 250.000 USD). Số còn lại do ngân hàng không đủ tiền nên người quen của Duy mang về trả lại.
Sau khi đổi được tiền, Duy chuyển cho Tuấn gần 2 tỷ đồng còn giữ lại 3,7 tỷ đồng. Hai hôm sau, ngân hàng phát hiện số USD này là tiền giả, nên yêu cầu hoàn trả lại.
Sau khi nhận được tiền bán USD giả từ Duy, Tuấn chuyển cho Rane 1,6 tỷ đồng, trả công cho Trung 90 triệu đồng còn lại chiếm hưởng.
Đến ngày 24/8/2021, thông qua Trung, Tuấn tiếp tục nhận thêm của Rane 280.000 USD giả.
Ngày hôm sau, Tuấn cùng bạn mang số tiền trên đến một ngân hàng khác ở quận Tân Bình để đổi nhưng không được. Lúc quay ra anh ta bị tổ tuần tra phòng chống Covid -19 kiểm tra phát hiện.
Nhà chức trách xác định, Trung là người môi giới cho Rane và Tuấn thực hiện giao dịch mua bán tiền giả nói trên. Mặc dù Trung khai không biết tiền USD mà Rane cần đổi là giả nhưng anh ta biết tiền này phát hành năm 2006, chưa được phép lưu hành ra thị trường nhưng vẫn đồng ý tham gia các giao dịch mua bán. Trung đã hưởng lợi tổng cộng 185 triệu đồng nên phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm giúp sức cho Rane và Tuấn.
Nguyễn Bảo Duy có hành vi giúp Tuấn đổi thành công số tiền 250.000 USD giả. Duy không thừa nhận biết tiền giả nhưng việc bị cáo giữ lại 3,7 tỷ đồng là bất thường buộc bị cáo phải biết.
Đối với một số người liên quan, do không biết số ngoại tệ được các bị cáo nhờ đi bán là giả nên không có căn cứ xử lý.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra có kiến nghị đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị chấn chỉnh việc tiếp nhận, kiểm tra trong quá trình thu đổi ngoại tệ và trách nhiệm thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện ngoại tệ giả, nghi giả.
Còn người tên Thy và một số nghi can có liên quan, hiện không sống tại địa phương nên không có căn cứ để xác minh làm rõ.