Từ đêm 25 - sáng 26.1, Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM thực hiện kiểm tra, giám sát ATTP dịp cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại chợ đầu mối Bình Điền và chợ đầu mối Hóc Môn, cũng như chợ Bình Tây và siêu thị Aeon Mall Bình Tân. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng đã đi kiểm tra tại các chợ đầu mối.
KHÓ KIỂM SOÁT CHỢ TỰ PHÁT
Tiếp đoàn kiểm tra, đại diện Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (chợ đầu mối Hóc Môn) trình bày thực trạng buôn bán thực phẩm tại khu vực quanh chợ. Theo đó, các điểm bán thịt heo tự phát chủ yếu lấy thịt từ các lò giết mổ thủ công, lò giết mổ lậu không rõ nguồn gốc. Việc sơ chế và bày bán chủ yếu để trên sàn nhà hay trên lề đường. Nước thải sau khi sơ chế thịt và các loại phụ phẩm được đổ trực tiếp ra cống rãnh khu dân cư gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Một số điểm kinh doanh không có giấy phép kinh doanh và không đóng thuế.
Bên cạnh đó, các sạp bán rau, củ tự phát cũng buôn bán hàng hóa không có nguồn gốc rõ ràng, không có sổ ghi chép xuất xứ. Mặt khác, hàng hóa trưng bày lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, gây ùn tắc giao thông, cản trở các xe chở hàng hóa ra vào chợ và xe cộ qua lại của người dân. Các sạp hàng buôn bán tự phát không thuê đơn vị thu gom rác thải, do đó rác tại các sạp này bị vứt bừa bãi dọc các tuyến đường xung quanh chợ. Thậm chí, một số hộ kinh doanh bên ngoài còn lén lút đem rác đổ vào phía trong hàng rào chợ đầu mối, lâu ngày bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường.
Còn theo báo cáo của Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền (chợ đầu mối Bình Điền), tình hình mua bán chậm hiện nay ảnh hưởng một phần từ việc mua bán trái phép hàng hóa nông sản thực phẩm trên các tuyến đường xung quanh chợ. Nhiều tiểu thương trong chợ đầu mối Bình Điền đã có khiếu kiện vì ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. "Các chợ tự phát này hoạt động trên các tuyến đường như Nguyễn Văn Linh, Quản Trọng Linh ở cả 2 địa bàn P.7 (Q.8) và xã An Phú Tây (H.Bình Chánh). Mặc dù, hai quận, huyện và chợ đầu mối Bình Điền đã phối hợp kiểm tra thường xuyên, nhưng hiệu quả chưa cao vì khi chúng tôi vừa dẹp xong, vừa quay đi thì họ lại bày ra bán tiếp", đại diện UBND P.7 (Q.8) cho biết. Còn đại diện công ty quản lý 2 chợ đầu mối nói trên đã có đề xuất, kiến nghị lãnh đạo các cấp chỉ đạo để thực hiện giải tỏa dứt điểm chợ tự phát xung quanh chợ đầu mối.
Tại buổi kiểm tra, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở ATTP TP.HCM, cho rằng việc dẹp các điểm kinh doanh tự phát với các hàng hóa thực phẩm không rõ nguồn gốc khó có thể làm rốt ráo trong thời gian ngắn, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở ban ngành và quản lý địa phương. Trước tiên, Sở ATTP TP.HCM sẽ phối hợp trật tự đô thị và công an khu vực kiểm tra thực phẩm từ các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố. Nếu họ không xuất được hóa đơn, chứng từ, nơi mua thực phẩm thì chứng tỏ họ nhập thực phẩm chưa qua kiểm duyệt và sẽ bị xử phạt.
"Chúng ta phải tuyên truyền cho người dân về thông tin các thực phẩm chưa qua kiểm duyệt. Còn khách hàng thì chợ tự phát vẫn còn tồn tại. Người dân phải mua những sản phẩm chất lượng có nguồn gốc rõ ràng, nếu như cứ ham rẻ hơn một chút là ta đang tiếp tay cho những sản phẩm bất hợp pháp, hàng hóa kém chất lượng", Giám đốc Sở ATTP TP.HCM nêu giải pháp.
PHẢI LUÔN CẢNH GIÁC
Theo đại diện chợ đầu mối Hóc Môn, để đảm bảo ATTP, chợ sẽ phối hợp Đội quản lý ATTP số 9 (Đội 9) tham gia quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, bảo đảm thịt heo nhập phải là thịt heo tươi, được đeo vòng nhận diện, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hàng rau củ nhập chợ phải có chứng từ hóa đơn. Về dự trữ hàng hóa tết, chợ đầu mối Hóc Môn sẽ theo dõi sát việc cung, cầu hàng hóa của tất cả các mặt hàng. Nếu có biến động bất thường sẽ báo cáo nhanh đến các cơ quan chức năng để có biện pháp kịp thời ổn định thị trường. Đồng thời, sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra giá cả, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa chống đầu cơ găm hàng.
Tương tự, đại diện chợ đầu mối Bình Điền cho biết sẽ phối hợp với Đội quản lý ATTP số 10 (Đội 10) tăng cường công tác kiểm tra ATTP trước, trong và sau tết. Đặc biệt, đối với hàng hóa có xuất xứ nước ngoài sẽ thường xuyên kiểm tra nguồn gốc xuất xứ lô hàng, điều kiện bảo quản, bao bì, nhãn mác…
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan thông tin ngoài việc theo dõi lượng hàng cung ứng cho dịp tết năm nay, Sở ATTP TP.HCM cũng đi thực tế một số nơi như các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị để đẩy mạnh việc kiểm soát chất lượng ATTP. Theo bà, việc kiểm tra cũng không phải tết đến mới làm mà là cả một quá trình dài. Quá trình từ Ban Quản lý ATTP đến khi trở thành Sở ATTP đều có những chương trình hành động hướng tới "xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn". Điều quan trọng cốt lõi là cần sự hưởng ứng từ các đơn vị tổ chức cá nhân đến các doanh nghiệp.
"Chúng tôi rất mong muốn cộng đồng hãy ủng hộ những doanh nghiệp hợp pháp, lưu tâm đến vấn đề quản lý chất lượng những sản phẩm thực phẩm mình ăn uống mỗi ngày. Mỗi người phải tự có trách nhiệm với bếp ăn của gia đình mình, lựa chọn thực phẩm sạch. Thực phẩm mình ăn vào, cái đầu tiên nguyên liệu mình mua ở đâu. Nếu nguyên liệu từ đầu đã mất an toàn thì toàn bộ các khâu từ bảo quản, phân phối, chế biến không còn ý nghĩa gì nữa", bà Lan nói.
Chia sẻ với PV Thanh Niên sau buổi kiểm tra, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan nhận định thị trường thực phẩm đủ cung ứng cho dịp tết, hàng hóa ổn định và có đầu tư cho chất lượng. Chẳng hạn bao bì các loại bánh mứt được bao gói riêng đến đơn vị nhỏ nhất nên đảm bảo vệ sinh hơn. Tuy nhiên, sức mua còn trầm lắng và hiện vẫn còn tồn tại tình trạng buôn bán tự phát xung quanh chợ đầu mối tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong đó có nguy cơ sản phẩm không an toàn. Do đó, đối với vấn đề ATTP chưa thể an tâm và phải luôn cảnh giác.
Tổng kiểm tra ATTP tết
Để đảm bảo ATTP dịp tết, Sở ATTP thành lập 11 đoàn và kết hợp với chính quyền địa phương để kiểm tra. Đối tượng kiểm tra gồm cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm là đầu mối lớn, chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại; mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều như thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm; cơ sở dịch vụ ăn uống. Số lượng kiểm tra dự kiến là 4.697 cơ sở.
Theo báo cáo của các chợ đầu mối, trong những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lượng thực phẩm đảm bảo cung ứng cho thị trường thành phố và giữ mức giá ổn định.
Tại chợ đầu mối Bình Điền, dự kiến trong tuần cận tết sản lượng hàng hóa nhập chợ có thể tăng bình quân với mức 20 - 35% so với ngày thường. Đặc biệt, trong đêm cao điểm nhất (dự kiến từ 26 - 27 tháng chạp), sản lượng có thể tăng từ 40 - 60%, đạt khoảng 3.200 - 4.000 tấn/đêm. Từ đêm 27 tháng chạp, lượng hàng hóa nhập chợ bắt đầu giảm dần; đến đêm 28 tháng chạp, sản lượng giảm xuống rất thấp chỉ bằng 50 - 60% so với lúc bình thường.
Tại chợ đầu mối Hóc Môn, nguồn hàng nhập chợ tính từ ngày 1 - 30 tháng chạp năm nay, dự kiến khoảng 75.600 tấn tương đương 2.520 tấn/ngày. Đặc biệt, từ ngày 25 - 30 tháng chạp (từ ngày 4 - 9.2), lượng hàng tăng khoảng 10% so với ngày bình thường. Trong đó, dự báo ngày 26 tháng chạp tăng cao nhất và đạt khoảng 3.500 tấn/ngày. Riêng ngành hàng thịt heo, ngày 29 tháng chạp dự kiến đạt 760 tấn/ngày, tăng 100% so với ngày bình thường.