Những ngày tháng cuối năm, tôi thấy mẹ ngồi lặng lẽ một mình bên bàn thờ của ba, lặng lẽ sên ít mứt dừa hoặc làm gói chút bánh kẹo vụn vặt để dành cho Tết, lòng tôi lại nao nao bao nỗi niềm.
Mẹ thường cười buồn, bảo với tôi rằng: "Từ khi ba con không còn, mẹ cũng chẳng hào hứng với Tết nữa". Mấy lời giản đơn của mẹ khiến tôi chợt nghĩ có lẽ Tết này hai mẹ con nên có một trải nghiệm khác. Chuyến chu du đến Vân Nam (Trung Quốc) có lẽ bắt nguồn từ duyên cớ ấy.
Khi xem phim truyền hình Đi đến nơi có gió, tôi đặc biệt yêu thích một câu nói của nhân vật Hứa Hồng Đậu nói với Tạ Chi Dao: "Tôi đến đây với mục đích là tìm một nơi không ai quen biết mình, tự do làm một phế vật vô dụng".
Một câu nói giản đơn của nhân vật nhưng khiến tôi xúc động sâu sắc. Và sau những thước phim đẹp như thế, khán giả ngay lập tức muốn xách ba lô đến vùng quê bình yên, đầy gió của tỉnh Vân Nam, Đại Lý (Trung Quốc).
Tôi mong muốn được theo chân Hứa Hồng Đậu bỏ lại sau lưng những ồn ào của cuộc sống náo nhiệt, nghiêm túc làm một người nhàn rỗi, không cầu tiến cũng chẳng mong chờ điều gì, sống cho trọn vẹn cuộc đời mình mong muốn. Đó cũng là cách để chữa lành tâm hồn và trân trọng cuộc sống trọn vẹn của chính mình.
Hai mẹ con tôi đến Đại Lý. Là một thành phố nhỏ nằm ven hồ Nhĩ Hải, Đại Lý.
Mùa xuân ở Trung Quốc, cảnh vật bình yên ở một nơi xa lạ dường như đã khiến tâm trạng của mẹ tôi trở nên tốt hơn.
Mẹ thường chăm chú nhìn phong cảnh mùa xuân với lồng đèn đỏ treo cao, từng dòng người hối hả du ngoạn, khẽ khàng mỉm cười.
Mẹ bảo mẹ vẫn nhớ Tết ở Việt Nam, nhưng lần đầu được ăn Tết ở một nơi khác với quê nhà, đôi lần nói chuyện với vài cô chú lớn tuổi trong đoàn, mẹ bảo: "Con gái biết tôi buồn nên rủ tôi đi chơi. Tôi đi cho con bé vui, nhưng không ngờ sang đây lại cảm thấy dễ chịu hơn.
Trước giờ tôi không bao giờ rời khỏi Việt Nam. Nhưng kể từ sau khi ông xã tôi qua đời trong dịch bệnh năm 2021, hai mẹ con tôi ăn Tết trong cô đơn mãi, nên tôi quyết định thay đổi cho con tôi phấn chấn hơn.
Mà thật ra thì Tết ở đâu cũng là Tết. Mùa xuân ở trong tim thì đi đến nơi đâu cũng là phong cảnh xinh đẹp".
Các cô chú trong đoàn cùng đi nghe xong thì mỉm cười, động viên khiến mẹ tôi vui vẻ hẳn lên. Nhìn sự khởi sắc từng ngày trong tâm trạng mẹ, tôi biết bản thân mình đã quyết định đúng khi chọn chuyến đi này.
Ngày thứ hai, lịch trình khá căng thẳng khi chúng tôi phải thức giấc thật sớm, để chuẩn bị leo núi Ngọc Long.
Đoạn đường lên núi cũng gian nan, khi phải trang bị thêm cả thuốc bổ và bình oxy đề phòng thiếu dưỡng khí, nhưng bù lại ngọn núi bảng lảng sương mờ, ẩn hiện dưới tuyết, khiến lòng tôi chậm lại trong vài phút giây.
Càng say mê hơn, khi mẹ con tôi được theo chân mọi người vượt một khoảng rừng thông nhỏ, xuống Lam Tuyền Cốc, thong thả ngắm nhìn dòng sông trong xanh như ngọc.
Dòng nước an tĩnh chảy quanh thung lũng, len lỏi qua những khúc quanh nhỏ, thi thoảng gặp đá mòn, tạo thành thác nước trắng xóa. Phong cảnh hữu tình trước mắt khiến người lữ khách phương xa mải mê với đời sống tất bật, trong vài khoảnh khắc hiếm hoi, đã dừng chân đứng ngắm nhìn đầy say mê.
Ngày thứ ba trong hành trình dài, khi bình mình vừa hửng nắng, xe đưa chúng tôi đến Shangri-la hay còn gọi với tên tiếng Hán là Hương Cách Lý Lạp. Đây là tên thành phố tôi yêu thích nhất, vì Hương Cách Lý Lạp hiểu theo tiếng Tây Tạng vốn có nghĩa là "mặt trời và mặt trăng trong trái tim".
Ấn tượng lớn nhất của tôi về Shangri-la là những hình dung mơ hồ, có phần kỳ ảo về một thung lũng bất tử qua tiểu thuyết Lost Horizon của nhà văn James Hilton. Chắc vì những dòng miêu tả thú vị về một vùng đất được xem là thiên đường chốn trần gian mà Shangri-la thu hút vô số khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến viếng thăm.
Những ngày nhạt nắng, đi đi về về giữa gió và cái lạnh se sắt ở thành phố này luôn khiến tôi mơ hồ trong vài khoảnh khắc. Có cảm tưởng Shangri-la không chỉ là một địa danh, mà là một đại từ đồng nghĩa với giấc mơ.
Khi ngồi dưới song cửa buông hờ rèm trúc, tôi khẽ nghiêng đầu nhìn những con đại bàng núi mỏ đỏ bay lượn trên bầu trời của tu viện Tùng Tán Lâm, thấy dòng người sùng đạo đi đi lại lại bên dưới, nhấp môi uống một chén trà mới, cõi lòng chợt tĩnh tại vô ưu trong khoảnh khắc Tết của tôi.
Mẹ tôi vào thời điểm này đã theo chân mọi người cùng xoay vòng tháp Kinh Luân để nguyện cầu cho một năm mới bình an và hạnh phúc. Tôi mở điện thoại, quay một đoạn phim ngắn hình ảnh mẹ khẽ khàng đi vòng quanh tháp, thành tâm cầu nguyện với mọi người.
Khi hai mẹ con tản bộ chầm chập xuống dốc, đi ngang qua vườn hoa hồng trong sân tu viện, để rời khỏi tu viện trong tiết trời se se lạnh, tôi thấy mẹ mỉm cười, gương mặt phảng phất sự an lành.
Mẹ bảo: "Mong cho ước nguyện một năm mới hạnh phúc, bình yên từ tu viện xa xôi này sẽ thành sự thật với mọi người ở Việt Nam, con nhỉ?".
Tôi gật đầu, nhớ đến biết bao khó khăn hai mẹ con đã từng trải qua trong suốt ba năm trở lại đây. Những lúc tuyệt vọng nhất khi ba tôi lặng lẽ qua đời, bỏ lại hai mẹ con tôi bơ vơ giữa dòng đời, cứ lần lượt trôi qua trong ký ức tôi như một đoạn phim với nhiều cung bậc.
Ngày về, khi ngồi giữa sân bay Côn Minh, ngắm nhìn thành phố này qua khung cửa kính lãng đãng mây mờ, hồi tưởng những nơi mình đã đi qua, những gương mặt hai mẹ con có duyên gặp gỡ trong suốt hành trình mùa xuân vừa qua, mới hay bản thân đã có khoảng thời gian vui vẻ tận hưởng cuộc đời ra sao.
Cuộc đời vốn dĩ là ngắn ngủi nên thay vì chần chừ, do dự trước mỗi hành trình, hãy cho phép bản thân được đi, dẫu chỉ là bước chân ra ngoài, tận hưởng một ngày nắng ấm.
"Lang thang chút thôi, chứ lê la hết mấy cái đường ở đất Sài Gòn này là khỏi muốn về", chú xe ôm gần đường Nguyễn Thị Minh Khai nói khi tôi vô đây vài năm trước.