Ngày 13-1-2024, báo chí đã công bố hình ảnh vệ tinh của Công ty công nghệ không gian và quốc phòng Maxar Technologies ở Colorado (Mỹ) cho thấy một số cơ sở và vị trí quân sự của Houthi bị thiệt hại sau đợt không kích của Mỹ tấn công vào Yemen hôm trước đó.
Dễ dàng tiếp cận hình ảnh tình báo, giám sát và trinh sát
Ngày 23-2-2022, tức một ngày trước khi xe tăng Nga tiến vào thủ đô Kiev (Ukraine), một người lấy nickname @ArmsControlWonk đã viết một tin nhắn trên Tweeter: "Ai đó đang di chuyển". Tin nhắn kèm hình ảnh từ vệ tinh radar khẩu độ tổng hợp (SAR) chụp một đơn vị xe tăng Nga vừa đến thành phố Belgorod sát biên giới Ukraine.
Người đăng tin nhắn đó là TS Jeffrey Lewis, giáo sư nghiên cứu về không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Monterey (bang California, Mỹ). Ông là người đi tiên phong sử dụng thông tin tình báo nguồn mở để đưa tin về các chủ đề như vũ khí hạt nhân CHDCND Triều Tiên hoặc hậu quả thảm họa thiên nhiên.
Trên tạp chí SpaceNews (Mỹ), TS Lewis cho biết ông đã sử dụng ảnh vệ tinh của Công ty Capella Space (chuyên phát triển vệ tinh quan sát Trái đất bằng radar không gian), sau đó đối chiếu với video ghi hình đơn vị xe tăng Nga của một người có mặt tại hiện trường đăng trên TikTok.
Bằng chứng cuối cùng đến từ Google Maps cho thấy giao thông trở nên đông đúc bất thường tại địa điểm đơn vị xe tăng Nga có mặt gần Belgorod.
Ông nhận xét trong các xung đột trước đây, các nhà phân tích độc lập và báo chí muốn có ảnh vệ tinh đều phải lấy từ các nguồn nhà nước. Còn những năm gần đây, ông rất ngạc nhiên khi thông tin tình báo lại dễ dàng tiếp cận và được phổ biến công khai đến mức như vậy.
Thông thường hình ảnh tình báo từ vệ tinh do thám được xem là tài liệu mật. Song nhiều tuần trước khi Nga đưa quân sang Ukraine, thế giới hầu như nhận được thông tin cập nhật hằng ngày về sự kiện Nga tăng cường quân giáp giới Ukraine.
Đó là nhờ các công ty dịch vụ vệ tinh thương mại ở Mỹ như BlackSky, Planet, Capella Space, Umbra, Iceye. Công ty Maxar Technologies thông qua Văn phòng Tin tức Maxar đã cung cấp ảnh vệ tinh cho rất nhiều hãng tin trên thế giới.
Thiếu tướng không quân Paul Godfrey chỉ huy Bộ Tư lệnh không gian Anh đã công nhận điều này trong bài phát biểu khai mạc hội nghị về vệ tinh quân sự Global MilSatCom vào tháng 11-2022 tại London:
"Hình ảnh tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) thương mại trong không gian đã gia tăng đáng kể". Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) ở Washington cũng sử dụng ảnh vệ tinh và thông tin tình báo từ các nguồn mở để theo dõi chiến sự Ukraine.
Nhà phân tích tình báo không gian địa lý George Barros tại ISW khẳng định: "Ảnh vệ tinh thương mại là công cụ quan trọng trong công việc của chúng tôi. Công nghệ mới này đang được khai thác để đưa ra đánh giá trung thực, kịp thời, chính xác nhằm cung cấp thông tin cho công chúng".
Sau khi chiến sự bùng nổ ở Ukraine, máy bay NATO buộc phải lùi xa Ukraine để hoạt động ở khu vực phía tây Ukraine và trên Biển Đen.
Trong bối cảnh đó, vệ tinh thương mại cực kỳ quan trọng với vai trò hỗ trợ hoạt động quân sự, đặc biệt tại các khu vực địa lý thiếu cơ sở hạ tầng hoặc kết nối Internet.
Máy bay không người lái Bayraktar TB2S của Thổ Nhĩ Kỳ phải dựa vào thông tin liên lạc từ không gian tới mặt đất mới có thể hoạt động ở phạm vi rộng hơn tại Ukraine. Ngoài ra, vệ tinh thương mại còn có thể cung cấp hình ảnh về hậu quả chiến tranh để lại tại Ukraine.
Vệ tinh thương mại hỗ trợ hoạt động quân sự
Theo tạp chí Atlantic Council, từ cuối tháng 2-2022 Chính phủ Mỹ và các đồng minh đã tăng cường mua gấp đôi hình ảnh thương mại từ các vệ tinh có chức năng lưỡng dụng của các công ty tư nhân như hệ thống vệ tinh Starlink (cung cấp dịch vụ Internet) của Công ty SpaceX.
Trong lĩnh vực không gian, các công ty tư nhân có khả năng phát triển và vận hành các hệ thống vệ tinh nhanh hơn quân đội đồng thời có thể cung cấp cho nhà nước nhiều dịch vụ thích hợp.
Vệ tinh thương mại có khả năng ghi lại hình ảnh rõ ràng đến từng chi tiết nhỏ như vạch kẻ đường giao thông hoặc chất lượng địa hình bùn lầy (có thể ảnh hưởng đến kế hoạch tác chiến). Hình ảnh từ vệ tinh quang điện của các công ty tư nhân thực sự hấp dẫn, nhưng TS Lewis đánh giá vệ tinh radar khẩu độ tổng hợp vẫn là "khả năng công nghệ đột phá".
Vệ tinh thương mại phục vụ nhu cầu quân sự có nguy cơ cao trở thành mục tiêu tấn công. Do đó vào tháng 7-2023, Cục Trinh sát quốc gia (NRO), Cơ quan Tình báo không gian đia lý quốc gia (NGA) và Bộ Tư lệnh không gian của Mỹ đã ký thỏa thuận khung về chia sẻ thông tin tình báo về các mối đe dọa đối với các nhà cung cấp vệ tinh thương mại.
Khuôn khổ này được thiết kế để bảo đảm các công ty cung cấp hình ảnh thương mại có hợp đồng với NRO sẽ nhận được thông báo về các mối đe dọa đối với tài sản không gian của họ. Các công ty có nghĩa vụ thông báo cho chính phủ nếu nhận thấy có dấu hiệu bất thường như gây nhiễu điện tử, sau đó thông tin sẽ được chuyển cho Bộ Tư lệnh không gian để điều tra.
Theo trang SpaceNews (Mỹ), cộng đồng tình báo Mỹ và Bộ Quốc phòng Mỹ ngày càng phụ thuộc vào vệ tinh thương mại để có được hình ảnh và các dữ liệu quan trọng khác. NRO chịu trách nhiệm phát triển, phóng và khai thác vệ tinh do thám đồng thời mua lại hình ảnh thương mại cho chính phủ liên bang.
NGA phụ trách phân tích hình ảnh và phân phối thông tin tình báo cho các cơ quan an ninh quốc gia. Bộ Tư lệnh không gian Mỹ chịu trách nhiệm về các hoạt động quân sự trong lĩnh vực không gian.
Tháng 9-2021, báo The New York Times đưa tin Công ty điều hành vệ tinh HawkEye 360 (Mỹ) đã phát hiện sóng radar và vô tuyến liên quan đến một đội tàu đánh cá Trung Quốc ngoài khơi Oman.
Khi công ty đối chiếu dữ liệu với thông tin từ vệ tinh NASA theo dõi các nguồn sáng trên bề mặt Trái đất, họ phát hiện các tàu trên sử dụng ánh sáng mạnh, dấu hiệu nhận biết các tàu đang đánh bắt mực trái phép trong vùng biển Oman.
Ngoài ứng dụng dân sự như trên, các vệ tinh của HawkEye 360 còn được sử dụng để phát hiện hoạt động quân sự ở biên giới như giữa Trung Quốc và Ấn Độ hoặc cung cấp dữ liệu không gian địa lý cho tàu bè quân sự. HawkEye 360 đã phóng ba vệ tinh Cluster-6 lên quỹ đạo vào tháng 1-2023.
*********************
Trong các quốc gia đã phóng vệ tinh quân sự lên quỹ đạo, hiện có ba quốc gia đang sử dụng hàng trăm vệ tinh trinh sát hoặc vệ tinh lưỡng dụng.
>> Kỳ tới: Ai sở hữu vệ tinh trinh sát nhiều nhất
Cuối năm 2023, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc vừa gia nhập nhóm số ít các quốc gia sở hữu vệ tinh do thám. Cuộc chiến thầm lặng trên quỹ đạo có nguy cơ gay cấn hơn. Vệ tinh trinh sát đã trở thành vũ khí tình báo tiên tiến.