Nhiều tiểu thương cho biết không dám tăng giá vào cận Tết như "thông lệ" các năm, hy vọng bán được hàng nhanh nhất có thể.
Người bán không dám tăng lượng nhập
Đang đon đả mời khách, chị Nguyễn Bích Tuyền, tiểu thương tại chợ Bến Thành (quận 1, TP.HCM), cho biết thời điểm này các năm sức mua đối với các loại hạt như hạt điều, mắc ca... tăng gấp đôi ngày thường, nhưng năm nay chỉ tăng 10 - 20% và giảm mạnh so với các năm trước.
Theo chị Tuyền, mọi năm giá thường tăng thêm 20.000-50.000 đồng/kg so với ngày thường, nhưng với sức mua chậm, năm nay chỉ dám tăng nhẹ khoảng 5.000-10.000 đồng/kg và đang giữ ổn định 300.000-550.000 đồng/kg tùy loại, nhưng vẫn ngóng khách.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 26-1, đại diện ban quản lý chợ Bến Thành (quận 1) cho biết khách vào chợ hiện đạt 9.000-10.000 lượt/ngày, tăng nhiều so với bình thường nhưng sức mua lại giảm khoảng 30% so với thời điểm trước dịch COVID-19. "Khách đi đông nhưng chủ yếu chụp hình, trong khi các mối lái, khách quen, khách đặt mua chuyển đi nước ngoài cho người thân ăn Tết không mua nhiều như các năm trước", vị này lý giải.
Chiều 26-1, tại khu vực nhà lồng tầng trệt chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), gian hàng bánh kẹo, đồ khô thường sôi động dịp cuối năm nhưng năm nay vắng vẻ hơn hẳn. Đang ngồi ngáp ngủ, bà Nguyễn Bích Vân, tiểu thương tại đây, cho biết đã bày tất cả các món khô ngon nhất, giá bán bình ổn như ngày thường và giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn ế khách.
"Chợ chậm từ nhiều tháng nay, nhưng người bán vẫn cầm cự vì kỳ vọng vào mùa Tết. Nhưng nay thì coi như thất bại, chỉ còn hơn 10 ngày nữa đến Tết rồi", bà Vân tặc lưỡi.
Tại chợ Bình Tây (quận 6), địa điểm chuyên bán sỉ bánh kẹo, mứt Tết có tiếng cũng đang rơi vào tình trạng vắng khách. Theo bà Nguyễn Ngọc Hoàng - gian hàng bánh kẹo Ngọc Điềm, thời điểm này các năm sức mua đối với kẹo bí, kẹo dừa, kẹo đậu phộng, mứt... đã tăng gấp 2 - 2,5 lần ngày thường, nhưng nay chỉ tăng 50 - 60%.
"Dù giá bán ổn định nhưng đơn hàng sỉ đi các tỉnh năm nay giảm hẳn, còn khách lẻ cũng chỉ lác đác. Tình trạng này khiến nhiều người bán gần như không dám nhập thêm hàng về trữ bán Tết như các năm", bà Hoàng nói.
Chợ đầu mối lo sức mua
Tại các chợ đầu mối, dù giá bán khá tốt so với chợ lẻ và giảm hơn các năm, tuy nhiên nhiều tiểu thương đều than ế ẩm.
Khuya 25-1, đang ngồi ngóng khách, chị Nguyễn Thị Hạnh, tiểu thương chợ đầu mối Bình Điền, cho biết mọi năm thời điểm này mỗi ngày có thể bán được hàng tấn rau, nhưng năm nay do mối lái ít, bán lẻ gần như không được nên chỉ được tầm 600 - 700kg, coi như giảm gần phân nửa.
"Giá nhiều loại rau củ đang rẻ hơn 20 - 25% so với năm ngoái: cà rốt, khoai tây Đà Lạt bán sỉ tầm 15.000 - 25.000 đồng/kg tùy loại, bắp cải 10.000 đồng/kg, khổ qua 14.000 đồng/kg... Dù chưa vào đợt cao điểm Tết nhưng với tình hình hiện nay, giá phần lớn sẽ khó tăng", chị Hạnh rầu rĩ.
Ở vựa kế bên, bà Hồ Thị Mỹ Linh cho biết với chủng loại chính là rau ăn lá các loại, trung bình thời điểm này mọi năm có thể bán được 2 - 2,5 tấn/ngày thì nay giảm đi 30 - 40%.
Theo bà Linh, những năm trước khách hàng muốn có lượng rau dồi dào để bán dịp cao điểm 26 đến 29 âm lịch thì thường phải đặt trước với thương nhân nhiều tuần để cân đối, còn năm nay gần như không ai dám đặt, nên thương nhân cũng không dám ôm nhiều về để trữ bán Tết như mọi năm.
"Bán tại chợ hơn 15 năm, chưa thấy năm nào chợ cuối năm ế như năm nay, thậm chí thời điểm dịch và sau dịch COVID-19 còn bán được hơn lúc này. Các năm trước, cao điểm giáp Tết có thể bán ra đến 4 - 5 tấn/ngày, nhưng năm nay thì cầu sao khoảng 2,5 tấn là mừng rồi", bà Linh kỳ vọng.
Với tình trạng hiện nay, nhiều thương nhân tại chợ đầu mối cho biết đã chủ động thương lượng với thương lái giảm lượng rau đưa về chợ, bởi bán không hết thì có nguy cơ phải đổ bỏ.
Theo ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn, sáu ngày cận Tết lượng hàng nhập chợ sẽ tăng mạnh, trong đó ngày 26 âm lịch đạt cao nhất với khoảng 3.500 tấn/ngày đêm, tăng 50% so với ngày thường. Riêng ngành hàng thịt heo, nhu cầu trong ngày 29 âm lịch tăng cao nhất, dự kiến đạt khoảng 760 tấn/ngày đêm, tăng gấp đôi so với ngày thường.
Ông Lê Văn Tiển, giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết nguồn cung dồi dào nhưng sức mua yếu hơn mọi năm nên giá bán một số mặt hàng đang thấp hơn hoặc ổn định. "Với tình trạng cung - cầu hiện nay, giá bán cận Tết khả năng duy trì ổn định, trừ một số mặt hàng như hoa, trái cây chưng Tết có thể tăng cục bộ vào hai ngày cuối do nhu cầu tăng mạnh", ông Tiển nhận định.
Ghi nhận tại các khu chợ truyền thống lâu năm ở Hà Nội, dù đã cận Tết nhưng vẫn vắng vẻ. Ế ẩm khiến nhiều tiểu thương livestream bán hàng, người ngồi buôn chuyện, người tranh thủ nghỉ ngơi.