Theo báo Financial Times, các thành viên nam - nữ của một thế hệ thường chia sẻ những trải nghiệm hình thành thế giới quan, nhân sinh quan ngang bằng nhau, do họ đạt được những cột mốc quan trọng trong cuộc sống cùng một lúc và hòa nhập trong cùng một không gian.
Thế nhưng báo cáo mới đây của Viện Gallup cho rằng Gen Z (sinh từ năm 1995 đến năm 2012) cực kỳ tiến bộ trong một số vấn đề nhất định, nhưng lại bảo thủ một cách đáng ngạc nhiên trong những vấn đề khác.
Hệ tư tưởng giữa nam - nữ trẻ tuổi ngày càng xa cách
Theo tiến sĩ Alice Evans - giảng viên Đại học Stanford và là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu, những người dưới 30 tuổi ngày nay đang trải qua sự khác nhau về nhân sinh quan lớn giữa hai giới tính nam và nữ. Nên họ sẽ đưa ra những hệ tư tưởng khác nhau.
Ở các quốc gia trên mọi châu lục, khoảng cách về thế giới quan và nhân sinh quan đã giãn rộng ra giữa thanh niên nam - nữ.
Tại Mỹ, dữ liệu của Viện nghiên cứu Gallup cho thấy sau nhiều thập kỷ, các quan điểm thế giới tự do và bảo thủ được phân bổ gần như bằng nhau giữa nam và nữ.
Tuy nhiên, hiện nay phụ nữ từ 18 - 30 tuổi có quan điểm tự do hơn 30% so với nam giới cùng thời.
Đức hiện cũng cho thấy khoảng cách 30% giữa nam thanh niên ngày càng bảo thủ và phụ nữ tiến bộ. Ở Anh khoảng cách này là 25%. Ở Ba Lan năm 2023, gần một nửa nam giới trong độ tuổi 18 - 21 ủng hộ Đảng Liên minh cực hữu, so với chỉ 1/6 phụ nữ trẻ cùng độ tuổi.
Ở Hàn Quốc hiện đang có một khoảng cách lớn về nhân sinh quan giữa nam và nữ thanh niên, và tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Trung Quốc. Ở châu Phi, Tunisia cũng ghi nhận tương tự.
Đáng chú ý, ở mọi quốc gia, sự chia rẽ hệ tư tưởng giữa nam - nữ ngày một sâu sắc và chủ yếu ở thế hệ trẻ.
Phụ nữ xu hướng ngả sang cực tả, nam giới ngả sang cực hữu
Phong trào #MeToo là tác nhân chính, làm nảy sinh các giá trị nữ quyền mạnh mẽ ở những phụ nữ trẻ - những người cảm thấy được trao quyền để lên tiếng chống lại những bất công kéo dài. Phong trào này đặc biệt mạnh mẽ ở Hàn Quốc, nơi tình trạng bất bình đẳng giới vẫn còn nghiêm trọng và phụ nữ bị coi thường.
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022 của Hàn Quốc, đàn ông và phụ nữ lớn tuổi bỏ phiếu ngang nhau về quan điểm chọn ứng cử viên. Tuy nhiên, đàn ông trẻ tuổi lại ủng hộ mạnh mẽ Đảng Quyền lực nhân dân cánh hữu, còn phụ nữ trẻ ủng hộ Đảng Dân chủ tự do, với số lượng gần như bằng nhau và trái ngược nhau.
Hàn Quốc là một tình huống cực đoan, nhưng nó là lời cảnh báo cho các quốc gia khác về những gì có thể xảy ra khi nam nữ thanh niên đối nghịch nhau trong hệ tư tưởng.
Dữ liệu khảo sát cho thấy ở nhiều quốc gia, sự khác biệt về hệ tư tưởng giữa nam - nữ hiện đã vượt ngoài dự báo.
Ở Mỹ, Anh và Đức, phụ nữ trẻ hiện có quan điểm tự do hơn nhiều về vấn đề nhập cư và công bằng chủng tộc so với nam giới trẻ, trong khi các nhóm tuổi lớn hơn vẫn có quan điểm đồng đều.
Xu hướng ở hầu hết các quốc gia cho thấy phụ nữ chuyển sang cực tả, trong khi nam giới đứng yên. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy nam thanh niên cũng đang tích cực chuyển sang cực hữu, rõ nét nhất ở Đức.
Những khoảng cách về hệ tư tưởng chỉ ngày càng gia tăng và dữ liệu cho thấy rằng kinh nghiệm chính trị hình thành của người dân khó có thể xóa bỏ.
Tất cả những điều này càng trở nên trầm trọng hơn, bởi thực tế là sự phổ biến của điện thoại thông minh và phương tiện truyền thông xã hội, có nghĩa là nam nữ thanh niên ngày càng sống trong những không gian riêng biệt và trải nghiệm những nền văn hóa riêng biệt.
Quan điểm của người trẻ thường bị bỏ qua do tỉ lệ tham gia chính trị thấp, nhưng sự thay đổi này có thể để lại những ảnh hưởng cho các thế hệ sau.
'Hãy trang điểm khi đi làm từ tháng 12 để tạo động lực cho anh em. Chúng tôi sẽ góp tiền mời các chị em bữa trà chiều', vị CEO gửi tin nhắn.