Tại cuộc họp báo gần cuối năm 2023 ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, tướng James Dickinson - chỉ huy Bộ tư lệnh Tác chiến không gian Mỹ - tiết lộ Trung Quốc đã thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh bằng cách dùng cánh tay robot di chuyển vệ tinh khỏi quỹ đạo.
Ông nhận xét: "Họ đã thành công chuyển vệ tinh đó ra ngoài quỹ đạo địa tĩnh, thả nó ra rồi lại đưa vào quỹ đạo và thực hiện điều đó trong khoảng thời gian rất ngắn, chỉ vài ngày".
Mỹ, Nga, Trung, Ấn thử vũ khí chống vệ tinh
Vũ khí chống vệ tinh đã từng được ông Konstantin Vorontsov - phó giám đốc Cục Kiểm soát và không phổ biến vũ khí của Bộ Ngoại giao Nga - nhắc đến trước Ủy ban thứ nhất của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ - phụ trách giải trừ quân bị và an ninh quốc tế) vào hôm 3-10-2022.
Ông nói: "Chúng tôi muốn nhấn mạnh một xu hướng cực kỳ nguy hiểm, thể hiện rõ nét qua các diễn biến đang diễn ra ở Ukraine. Đó là Mỹ và các đồng minh đã sử dụng các yếu tố cơ sở hạ tầng dân sự trong không gian, bao gồm cả cơ sở thương mại, trong xung đột vũ trang… Các cơ sở hạ tầng này có thể sẽ là mục tiêu hợp pháp bị tấn công trả đũa". Ông tiếp tục nhắc lại quan điểm này trước Hội đồng Liên bang Nga vào ngày 16-2-2023.
TS Anne Maurin nhận xét trên tạp chí Quốc Phòng (Pháp) rằng đây là lần đầu một quốc gia chính thức dự kiến tấn công vệ tinh trong không gian. Sau khi phóng vệ tinh do thám đầu tiên hôm 21-11-2023, CHDCND Triều Tiên cũng hăm dọa sẽ tấn công vệ tinh Mỹ nếu Mỹ dám đụng đến vệ tinh do thám nước này.
Lịch sử phát triển vũ khí chống vệ tinh bắt đầu từ rất sớm sau khi Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên Sputnik 1. Ngày 19-10-1959, Mỹ đã thử nghiệm phóng tên lửa đạn đạo Bold Orion (WS-199B) từ máy bay ném bom B-47 Stratojet ở độ cao 10.600m bay cách vệ tinh Explorer 6 của Mỹ khoảng 6km. Tính khả thi của vũ khí chống vệ tinh đã được chứng minh.
Ngày 13-9-1985, thiếu tá Wilbert Pearson đã trở thành phi công duy nhất trên thế giới lái máy bay F-15 phóng tên lửa phá hủy thành công vệ tinh Solwind P78-1 của Mỹ.
Vụ thử nghiệm đã tạo ra 285 mảnh vụn trên không gian. Đến 19 năm sau, mảnh vụn cuối cùng mới bị phá hủy. Năm 2008, Mỹ tiếp tục sử dụng tên lửa phá hủy một vệ tinh trinh sát bị hỏng (chiến dịch Burnt Frost).
Từ nửa sau thế kỷ 20, Liên Xô và Trung Quốc đã phát triển vũ khí chống vệ tinh riêng. Vũ khí chống vệ tinh của Liên Xô được thiết kế sẽ bay cạnh vệ tinh Mỹ rồi tự nổ để hủy diệt vệ tinh đối phương.
Năm 2007, Trung Quốc đã thử nghiệm dùng tên lửa phá hủy một vệ tinh thời tiết cũ tạo ra đám mây mảnh vụn không gian lớn nhất lịch sử. Phần lớn trong số 150.000 mảnh vụn ban đầu đến nay vẫn còn trên quỹ đạo.
Ấn Độ cũng đã thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh trong chiến dịch Shakti vào tháng 3-2019. Đến tháng 11-2021, sự kiện Nga thử nghiệm phá hủy vệ tinh cũ Cosmos 1408 có lẽ là sự kiện nổi đình nổi đám nhất vì đám mây mảnh vỡ đe dọa Trạm không gian quốc tế (ISS) với bảy nhà du hành bên trong. Trạm ISS phải thực hiện nhiều thao tác để né tránh các mảnh vỡ.
Theo tạp chí SpaceNews (Mỹ), nói chung vũ khí chống vệ tinh gồm hai loại. Một là vũ khí sử dụng động năng (tên lửa, máy bay không người lái, vệ tinh…) bay thẳng trực tiếp tiêu diệt mục tiêu hoặc được phóng lên cùng quỹ đạo với mục tiêu, sau đó áp sát và tấn công bằng cách va chạm, phát nổ hoặc sử dụng cánh tay robot.
Hai là vũ khí không sử dụng động năng được sử dụng để tấn công mạng, gây nhiễu, bắn tia laser làm mù vệ tinh đối phương.
Nhiều cách bảo vệ vệ tinh
Có nhiều cách để bảo đảm an toàn cho vệ tinh quân sự trong không gian.
● Đừng để bị phát hiện: Vệ tinh sẽ giảm phát tín hiệu từ radar, ảnh và hồng ngoại để tránh bị radar dò ra. Vệ tinh thử nghiệm Lincoln (LES-8) là "vệ tinh tàng hình" đầu tiên được Mỹ phóng vào năm 1976, sử dụng động cơ hạt nhân và không mang tấm pin mặt trời nên rất khó lộ diện. Vệ tinh do thám trong chương trình tuyệt mật MISTY của Mỹ được cho là có trang bị lớp phủ chống radar.
● Tránh bị theo dõi bằng cách sử dụng ăng ten gây nhiễu radar hướng đến các cảm biến theo dõi vệ tinh trên Trái đất. Muốn vậy phải sử dụng máy thu để biết chính xác vị trí máy phát.
Máy bay F-35 của Mỹ sử dụng hệ thống AN/ASQ-239 có chức năng phát hiện sóng vô tuyến từ mặt đất, từ đó định vị trạm radar và gây nhiễu. Vệ tinh tình báo tín hiệu (SIGINT) cũng có thể được sử dụng để thu thập và phân tích tín hiệu điện tử trên quỹ đạo nhằm định vị trạm tác chiến điện tử dưới mặt đất.
Một khi bị phát hiện, vệ tinh quân sự có thể thay đổi quỹ đạo để ẩn náu.
Ngay cả khi biết chính xác quỹ đạo của vệ tinh do thám, tên lửa đạn đạo vẫn cần có cảm biến nhắm mục tiêu mới có thể bắn trúng. Vệ tinh có thể áp dụng nhiều cách chống nhắm mục tiêu, chủ yếu kích hoạt sớm hệ thống phát hiện phóng tên lửa (MILDS) sử dụng tần số hồng ngoại để làm chệch hướng tên lửa.
Nếu tên lửa sử dụng hệ thống dẫn đường điện tử, có thể dùng các biện pháp tác chiến điện tử để áp chế.
● Tạo "màn khói" giấu tín hiệu hồng ngoại và vô tuyến từ vệ tinh: Đầu những năm 1970, Liên Xô đã phát triển vệ tinh phóng đám mây hạt nano carbon chặn sóng vô tuyến nhắm vào vệ tinh. Hệ thống bảo vệ mang tên Dymka.
Chưa rõ hệ thống này chống tín hiệu vô tuyến của tên lửa Mỹ hiệu quả đến đâu.
● Cam kết không thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh phóng thẳng.
Hiện nay không có bất kỳ hiệp ước quốc tế nào điều chỉnh vấn đề sử dụng vũ khí chống vệ tinh và các loại vũ khí thông thường khác trong không gian.
Hiệp ước Ngoài không gian được Đại hội đồng LHQ thông qua vào ngày 19-12-1966 (có hiệu lực ngày 10-10-1967) chỉ hạn chế triển khai vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt trong không gian.
Ngày 7-12-2022, Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết do Mỹ cùng một số quốc gia đưa ra kêu gọi tạm dừng thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh bay thẳng trực tiếp mang tính hủy diệt để tránh tạo số lượng lớn mảnh vỡ đe dọa các vệ tinh khác.
155 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết, 9 phiếu chống (Belarus, Bolivia, Trung Quốc, Cuba, Iran, Nicaragua, Nga, Syria, Cộng hòa Trung Phi) và 9 phiếu trắng.
Đến nay đã có 37 quốc gia ký cam kết do Mỹ đề xuất về cấm thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh mang tính hủy diệt trên không gian.
Song do tình hình địa chính trị bất ổn nên hiện có hai thủ tục riêng biệt được tiến hành song song tại LHQ, một do Anh dẫn đầu với sự hỗ trợ từ Mỹ và các đồng minh, bên còn lại do Nga và Trung Quốc đứng đầu.
Theo tổ chức World Population Review (Mỹ), ba quốc gia sở hữu vệ tinh quân sự hoặc lưỡng dụng nhiều nhất lần lượt là Mỹ, Trung Quốc và Nga. Đầu năm 2023, TS Christopher Scolese - giám đốc Cục Trinh sát quốc gia Mỹ (NRO - trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ) - tiết lộ NRO đặt mục tiêu thập niên tới sẽ tăng gấp bốn lần số lượng vệ tinh do thám vận hành (khoảng 1.200 vệ tinh) và chuyển sang cấu trúc sử dụng các vệ tinh có nhiều kích thước khác nhau hoạt động trên nhiều quỹ đạo hơn.
Mục đích nhằm cung cấp số tín hiệu và hình ảnh nhiều gấp 10 lần hiện nay, đồng thời khiến đối phương khó gây tổn hại đến cơ sở hạ tầng tình báo của Mỹ hơn.
Sau Mỹ đến Trung Quốc. Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ ghi nhận từ năm 2019-2021, Trung Quốc đã tăng gấp đôi số vệ tinh (nói chung) trên quỹ đạo, từ 250 lên 499 vệ tinh.
Lầu Năm Góc đánh giá đầu năm 2022, Trung Quốc có hơn 290 hệ thống vệ tinh do thám, tức tăng gần gấp đôi so với năm 2018. Gần đây Trung Quốc đã thử nghiệm thành công tàu tiếp nhiên liệu cho vệ tinh để tái sử dụng vệ tinh đã cạn nhiên liệu.
Nga đứng vị trí thứ ba với khoảng 105 vệ tinh quân sự. Theo Quỹ Jamestown, năm 2022 Nga đã phóng 14 vệ tinh quân sự. Trong năm 2023, số vụ phóng đã tăng lên 19 vụ.
Tạp chí Atlantic Council (Mỹ) đánh giá nếu chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất (năm 1990-1991) được xem là "cuộc chiến không gian đầu tiên" thì chiến sự Nga - Ukraine từ năm 2022 là "xung đột quân sự đầu tiên liên quan đến hình ảnh vệ tinh thương mại.