Khách hàng không cần đến tận nơi để chọn lựa hàng hóa như trước. Chỉ cần một cú click chuột chọn hàng ưa thích sẽ được giao đến tận tay với nhiều hình thức thanh toán nhanh gọn.
Từ cơ sở sản xuất cho đến các trung tâm thương mại, từ chợ truyền thống đến gian hàng nhỏ lẻ, cách bán hàng trực tuyến bùng nổ hơn bao giờ hết.
Cơ sở may áo dài UI farm (quận Bình Thạnh, TP.HCM) do các bạn trẻ khởi nghiệp và tiếp nhận thêm nhiều sinh viên học việc đang tất bật lên sóng.
Người thì chỉnh máy ghi hình và đường truyền Internet, người chuẩn bị những bộ áo dài mới may đưa thông tin trực tiếp đến khách hàng.
"Tất cả các khách hàng UI farm xây dựng đều đến từ các nền tảng mạng xã hội. Việc chờ đợi khách đến may đo trực tiếp là một phương thức cũ. Từ đợt dịch Covid-19, nhiều bạn trẻ khởi nghiệp đã rút ra bài học và tận dụng cơ hội từ bán hàng trực tuyến vừa giảm giá thành, không tốn thời gian khách hàng" - chị Thi (24 tuổi, quận Bình Thạnh), nhà sáng lập tiệm may UI farm, chia sẻ.
Còn tại "Ngày hội mua sắm Tết TP.HCM - Chợ Thủ Đức trực tuyến" tại công viên bờ sông TP Thủ Đức, nhiều thương hiệu và doanh nghiệp địa phương cùng thực hiện livestream bán hàng trên TikTok, Facebook, YouTube, Instagram...
Nhiều doanh nghiệp cũng đã liên kết đưa nhiều hàng hóa đa dạng lên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada...
Tại Trung tâm thương mại Vạn Hạnh Mall (quận 10) trở nên sôi động hơn khi có các nhà sáng tạo nội dung giới thiệu sản phẩm trên nhiều nền tảng trực tuyến.
Năm 2024, xu hướng bán hàng trực tuyến hứa hẹn mang lại hiệu quả tích cực, tạo ra trải nghiệm mua sắm mới.
Đây là hệ sinh thái livestream đa chức năng, với siêu thị online bán hàng hoàn toàn bằng người ảo AI đầu tiên tại Việt Nam.