Ở mỗi buổi giao lưu, sinh viên Trường ĐH FPT sẽ thể hiện những màn trình diễn ấn tượng với các loại nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, tỳ bà, đàn nguyệt, sáo trúc... Mở đầu là các bản nhạc Trống cơm, Lý cây đa... rồi sân trường nóng dần lên khi các ca khúc Hào khí Việt Nam, Hello Việt Nam và cả các bản nhạc thịnh hành được biểu diễn bằng dàn nhạc cụ truyền thống. Nhiều giai điệu quen thuộc với bạn trẻ được phối theo phong cách hoàn toàn khác, tạo nên những tiết mục vô cùng ấn tượng.
Hướng học sinh về nguồn cội
Bạn Minh Trang (học sinh Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng) chia sẻ: "Đây là hoạt động được nhiều học sinh đón đợi. Các tiết mục trong buổi giao lưu không chỉ có những bản nhạc cổ điển, mà còn lồng ghép những bản nhạc thịnh hành của giới trẻ. Những giai điệu quen thuộc được thể hiện mới mẻ mà mang đậm dấu ấn của văn hóa Việt. Nhạc cụ dân tộc cũng trở nên gần gũi, thân thuộc với học sinh hơn".
Tại mỗi buổi giao lưu, học sinh không chỉ được xem biểu diễn mà còn có cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm các loại nhạc cụ dân tộc. Thầy Bùi Minh Quảng - hiệu trưởng Trường THPT Sơn Trà (Đà Nẵng) - đánh giá bên cạnh dòng chảy văn hóa từ nhiều quốc gia dần xâm nhập và có ảnh hưởng mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến đời sống tâm lý, tình cảm của người trẻ, việc giáo dục âm nhạc truyền thống trong trường học giúp hình thành một nền tảng âm nhạc vững chắc để học sinh tiếp cận và chọn lọc những giá trị gần gũi với văn hóa dân tộc.
"Hoạt động này góp phần giúp hướng học sinh về nguồn cội, chung tay phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhà", thầy Quảng nói.
Từ tình yêu nhạc cụ dân tộc
Bạn Yến Vy (sinh viên năm 2 Trường ĐH FPT) - người trực tiếp biểu diễn và hướng dẫn học sinh làm quen với đàn tỳ bà - cho biết xuất phát từ tình yêu nhạc cụ dân tộc và các kiến thức nhạc lý được học tại trường, Vy đã tự cảm âm và tìm tòi thêm để có những tiết mục hấp dẫn phục vụ các bạn học sinh.
"Qua các buổi giao lưu ấy, mình mong sẽ truyền thêm niềm yêu âm nhạc truyền thống và giá trị văn hóa cho các em. Mình mong hoạt động này sẽ góp phần hạn chế nguy cơ mai một các giá trị văn hóa truyền thống đẹp đẽ", Vy nói.
Từ năm 2014, Trường ĐH FPT đã đưa bộ môn nhạc cụ dân tộc vào giảng dạy chính thức trong chương trình đào tạo. Chính lực lượng sinh viên cùng các giảng viên bộ môn này tình nguyện tham gia dự án. Hiện dự án đã triển khai tại hơn 10 trường THPT ở TP Đà Nẵng và một số trường ở tỉnh Quảng Nam.
Thêm trải nghiệm cho học sinh
Bà Trương Hồng Công - trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH FPT Đà Nẵng - cho biết dự án không chỉ mang đến sự hứng khởi cho giáo viên và học sinh trường THPT sau những giờ làm việc, học tập căng thẳng mà còn nhằm giúp học sinh tìm hiểu, trải nghiệm những giá trị của âm nhạc truyền thống. Thông qua đó cùng chung tay giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
"Sắp tới, ngoài việc mở rộng biểu diễn giới thiệu nhạc cụ đến tất cả các trường trên địa bàn Đà Nẵng và một số trường ở Quảng Nam, dự án sẽ có thêm hoạt động trải nghiệm để học sinh tự do khám phá các loại nhạc cụ tại trường. Một số điểm trường THPT sẽ mở lớp dạy và giao lưu với các sinh viên trong câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc của trường", bà Hồng Công nói.
TTO - Trong ba ngày 21, 22 và 23-9, Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020 đã diễn ra tại Nhạc viện TP.HCM (dành cho khu vực Đông và Tây Nam Bộ).