1. Mỗi lứa tuổi - một cách ứng xử cho phù hợp
Ở các lứa tuổi, trẻ có những trạng thái tâm lý khác nhau khi trở lại nhiệm vụ học tập sau thời gian dài được nghỉ xả hơi ngày Tết, cha mẹ cần bình tĩnh đồng hành với con.
Trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo khi trở lại trường lớp thường gào khóc ầm ĩ, quấy nhiễu, mè nheo, ngủ nướng… Thậm chí giả vờ không khỏe, bỏ ăn trong ngày đầu đến trường sau kỳ nghỉ Tết. Khi nghĩ đến việc đến lớp, tuân theo các nội quy của cô giáo, xa cách cha mẹ, trẻ sẽ hẫng hụt, không vui.
Độ tuổi tiểu học, biểu hiện rõ ràng ở trẻ khi phải đi học lại là những phản ứng khi nghe nhắc đến bài vở và đi học thường buồn bã, chán nản, uể oải... Thói quen thức khuya, dậy muộn, ăn uống tự do, tùy hứng trong những ngày nghỉ Tết cũng khiến trẻ mệt mỏi khi phải dậy sớm hơn.
Các lứa tuổi lớn hơn, nhiều trẻ mong muốn kỳ nghỉ Tết kéo dài thêm để được vui đùa và đi chơi được nhiều nơi thoải mái hơn. Tuy nhiên, ở độ tuổi này, các con đã trải nghiệm qua nhiều kỳ nghỉ Tết, nhận thức được việc đi học là điều tất nhiên nên đã biết chấp nhận và phản ứng ra bên ngoài nhẹ nhàng hơn.
Ở mỗi lứa tuổi khác nhau, cha mẹ sẽ có các phương pháp khác nhau để thông cảm và đồng hành với con khi quay lại trường.
2. Đặt mình vào vị thế của con
Thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của con trong dịp Tết. Gợi ý cho trẻ nói về những điều thú vị ở trường lớp. Đừng áp đặt trẻ kiểu mệnh lệnh phải thế này, thế kia. Lắng nghe tâm sự và những cảm nhận của trẻ về kỳ nghỉ và cảm xúc khi đến trường để gần gũi và chia sẻ.
Đối với trẻ, ngày nghỉ Tết thật sự có ý nghĩa về tất cả mọi mặt. Vì thế, khi cha mẹ nhắc lại việc đến trường đi học, làm bài tập, ôn kiến thức…, biểu hiện ban đầu của trẻ không vui là chuyện bình thường. Nếu cha mẹ hiểu trẻ thì không nên làm to chuyện. Thay vào đó, cha mẹ biết khéo léo khơi gợi những chuyện vui vẻ, hứng khởi ở trường giúp trẻ khởi động lại "quỹ đạo" học tập. Trẻ bắt đầu nhớ bạn bè, cũng mong đến trường để kể cho bạn thân về việc làm được trong kỳ nghỉ Tết này sau bao ngày xa cách. Nhiều bạn còn được cô giáo lì xì, được cha mẹ tặng món quà yêu thích trong ngày đầu đến trường…
Những điều này khiến cho trẻ nguôi ngoai nỗi buồn khi kỳ nghỉ Tết kết thúc và mong chờ Tết năm sau. Lắng nghe con trẻ thổ lộ nỗi lòng cũng là cách hiệu quả để giải quyết nhiều tình huống khó, giúp cha mẹ có các phương pháp thú vị, tích cực giúp con háo hức đến trường.
3. Vui chơi không quên nhiệm vụ
Trong những ngày nghỉ Tết, cha mẹ cần nhắc nhở con dù chơi đùa thế nào cũng cần dành một chút thời gian ôn bài vào mỗi buổi tối như một thói quen. Song cha mẹ không nên quá mệnh lệnh, áp đặt, bắt con làm quá nhiều bài tập. Thay vào đó nên khuyến khích con.
Gần hết kỳ nghỉ, cha mẹ có thể ngồi vào học tập với con. Động viên, khen ngợi con kịp thời. Chuyện con trẻ lơ là, chểnh mảng việc học là chuyện thường, phụ huynh tránh bực bội, nổi cáu, nóng vội với các con làm mất không khí vui tươi, may mắn đầu năm mới. Lúc này, các bậc cha mẹ cần bình tĩnh, thông cảm với con về việc "tâm hồn treo ngược cành cây". Thay vì sốt ruột, hấp tấp hối thúc con, ngay từ đầu dịp nghỉ Tết, cha mẹ nên giúp con lập kế hoạch chi tiết các hoạt động vui chơi, đi lại, học tập và trao đổi thêm với giáo viên chủ nhiệm để cùng dạy trẻ hiệu quả.
Đời học sinh ai chẳng trải qua nghĩa vụ với bài tập Tết, thế nhưng hoàn thành deadline này không phải là chuyện dễ.