Đứng trước rừng, trước biển, tôi thấy mình nhỏ bé mà niềm hạnh phúc thì lớn biết bao. Bởi bây giờ đã là người có tuổi, những chuyện thời trẻ cứ hiển hiện về để nhớ, để thương, nâng niu và gìn giữ ở một ngăn gọi là ký ức.
Xuân sớm nơi cửa biển
Chủ quan tôi cho rằng mình là người có nhiều may mắn. May mắn khi được gắn bó với hoạt động của những chiến sĩ mang quân hàm xanh, những chiến sĩ Biên phòng Bạc Liêu khi tôi mười tám, đôi mươi.
Nhắc đến đây, hình ảnh ngày tháng ấy lại hiện về: những chiến sĩ trẻ măng, tay ôm đàn trong buổi đón xuân sớm với nhành mai, cành đào do chiến sĩ tự làm, cùng vài đòn bánh tét… Đơn sơ thế thôi nhưng âm hưởng hào hùng cứ vang lên cùng lời ca "Đời mình là một khúc quân hành, đời mình là bài ca chiến sĩ/ Ta ca vang, triền miên qua tháng ngày, lượn bay trên núi đồi biên cương đến nơi đảo xa..." (Diệp Minh Tuyền). Những thước phim lãng mạn, với giai điệu tự hào cứ mãi đọng lại trong tôi.
Hơn hai mươi năm trước, các đồn Biên phòng ở Bạc Liêu gắn với các con số như 664, 666, 668. Thời gian sau, tên gọi của các đồn được thay đổi, gắn liền với địa bàn đóng quân như: Đồn Biên phòng Nhà Mát, Cái Cùng, Gành Hào.
Ngày ấy, tôi là phóng viên trẻ của Đài PT-TH Bạc Liêu, được phân công phụ trách chuyên mục "Vì chủ quyền an ninh vùng biển" (nay là chuyên mục "Vì chủ quyền biên giới quốc gia") và cũng chính đề tài về người chiến sĩ mang quân hàm xanh bảo vệ vùng biển của Tổ quốc mang về cho tôi một giải thưởng báo chí nho nhỏ đầu tay.
Nhiệm vụ của chúng tôi là tuyên truyền về hoạt động của Bộ đội Biên phòng tỉnh, thế nên tôi có cơ hội hiểu và biết về nhiệm vụ của chiến sĩ biên phòng và hình như các đơn vị của các đồn biên phòng đều có dấu chân của tôi. Cũng như các anh, tôi thuộc làu khẩu hiệu: "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào dân tộc là anh em ruột thịt".
Tết xa nhà, bám biên giới, bảo vệ biên cương vốn là nhiệm vụ, là "chuyện đã quen rồi" của cán bộ, chiến sĩ biên phòng mỗi độ xuân về. Nhớ những mùa xuân xưa tôi góp một phần mang mùa xuân sớm về nơi cửa biển Nhà Mát. Tôi cùng các bạn sinh viên Trường đại học Bạc Liêu đến thăm các chiến sĩ Hải đội 2 (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bạc Liêu).
Toàn buổi gặp gỡ ngày xuân hôm ấy được chúng tôi ghi hình và phát sóng trên Đài PT-TH Bạc Liêu. Nơi ghi hình của chúng tôi cũng thật lãng mạn: trên tàu của Hải đội 2, giữa nắng gió mặn mòi xứ biển. Các bạn sinh viên mặc áo dài thật đẹp đan xen cùng màu áo xanh của những chiến sĩ trẻ… cùng những câu chuyện đầu năm hỏi thăm nhau thật rôm rả, phần nào mang Tết hậu phương đến vùng ven biển, vơi bớt nỗi nhớ nhà của những người lính trẻ xa quê…
Ngày ấy, Trung tá Lê Bá Thuyên, Trưởng Ban Tổ chức, Phòng Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh, cũng trạc tuổi tôi, trẻ lắm. Từ năm 1997, chiến sĩ trẻ quê ở tận tỉnh Thái Bình được phân công vào Bạc Liêu công tác. Anh nhớ lại: "Ngày ấy vất vả, đường sá rất khó đi, chỉ lội bộ thôi, làm gì có xe vào tận xóm như bây giờ!".
Anh kể thêm, tất cả các đồn đều thiếu thốn về vật chất, nhưng cái đong đầy nhất là tình cảm của đơn vị, sự đùm bọc của bà con nơi xứ biển đã giúp chiến sĩ biên phòng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Vài năm sau đó, khi "cơ ngơi" của các đồn biên phòng được khang trang hơn, có lần tôi về thăm Đồn Biên phòng Cái Cùng vào những ngày cận Tết, không khí xuân tràn ngập trụ sở đồn. Khi ấy các chiến sĩ đang chuẩn bị làm bàn thờ Tổ quốc. Ở góc hội trường, hai chiến sĩ trẻ cùng nhau kết những hoa mai vàng, sau đó nhánh mai vàng khoe sắc được cắm vào bình trông thật đẹp.
Phía sau trụ sở, các chiến sĩ cùng vài chị trong xóm gói bánh tét… Tôi gom nhặt từng hình ảnh ở đồn biên phòng năm ấy thành một không khí Tết thật ấm áp. Tôi tin đó mãi là hành trang của người lính biên phòng và của cả tôi cho những ngày tháng sau này.
Trong câu chuyện ngày xuân năm đó, tôi còn biết thêm chuyện tình đẹp nơi xứ biển Cái Cùng. Thăm hỏi nhau, thì ra có một chị ngồi gói bánh hôm đó là vợ của Trưởng đồn Biên phòng. Quê anh tận ngoài Bắc, vào đây công tác, thế là bén duyên rồi thành đôi với cô gái xứ biển có nước da nâu mặn mòi…
Mùa xuân còn ở lại
Những năm gần đây, mỗi dịp xuân về, bên cạnh nhiệm vụ vững chắc tay súng bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, Bộ đội Biên phòng Bạc Liêu tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, trong đó nổi bật là chương trình "Xuân biên phòng ấm lòng dân bản".
Chương trình do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động từ năm 2016, nhằm chia sẻ những khó khăn của đồng bào, phát huy truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, phẩm chất cao đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ" kịp thời giúp người dân đón Tết thêm đầm ấm, vui tươi, đủ đầy.
Năm nay, chương trình "Xuân biên phòng ấm lòng dân bản" được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Gành Hào tổ chức tại xã Điền Hải với nhiều hoạt động ý nghĩa như: tổ chức gian hàng "0 đồng"; khám và cấp thuốc miễn phí, vận động các phần quà tặng cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, người có uy tín trong dân tộc, tôn giáo, các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học.
Dù chương trình diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng cán bộ, chiến sĩ đã dành thời gian chuẩn bị từ rất sơm. Theo Thiếu tá Đặng Văn Vũ, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Gành Hào, đây là cơ hội để Bộ đội Biên phòng tri ân bà con, những người luôn yêu thương, đùm bọc, tin tưởng, kề vai, sát cánh cùng lực lượng Biên phòng Bạc Liêu trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ biên cương, biển, đảo của Tổ quốc.
Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, những năm tiếp theo, hy vọng chương trình sẽ thực hiện với quy mô lớn hơn, có nhiều hoạt động hơn và hướng tới nhiều đối tượng hơn.
Mùa xuân đến sớm và dường như còn đọng lại mãi với câu chuyện tình quân - dân. Những phần quà, những việc làm ý nghĩa của Bộ đội Biên phòng và các ban ngành đoàn thể địa phương ở những nơi có đồn biên phòng, luôn là câu chuyện tốt đẹp ngày đầu năm, cứ thế, lan tỏa thành một mùa xuân ấm áp, mãi còn đọng lại trong lòng người dân xứ biển Bạc Liêu.
Đi giữa những làn gió xuân của biển, tôi lại nghêu ngao lời ca trong bài "Anh lính nơi cửa biển" của nhạc sĩ Thế Phương:
"Cửa biển Bạc Liêu năm xưa,
Ra biển về nơi chân trời xa
Anh lính biên phòng đứng canh nơi cửa biển
Anh thức thâu đêm tìm gọi bóng con tàu về
Để đàn em thơ thân yêu tung tăng bên cha bên mẹ hiền
Anh không rời vùng biển quê hương…
Tổ quốc giao cho anh biển cả bao la
Với những con tàu làm chủ khơi xa
Dù cho ở đâu gặp cơn nguy biến
Là có mặt anh chiến sĩ biên phòng
Cho muôn nhà cuộc sống yên vui".
Tôi cùng mẹ đi dạo quanh thành cổ, ghé ngang một quán trà, gọi một ấm nhỏ ngát hương, đun biết bao tâm sự thành làn khói mỏng manh.