Phán quyết với Evergrande được thẩm phán Linda Chan (Hong Kong) đưa ra sáng 29/1. Bà cho biết công ty này không thể đưa ra kế hoạch tái cấu trúc hợp lý dù phiên tòa đã được trì hoãn nhiều tháng. "Hiện tại, tòa án nhận thấy việc này đã là quá đủ", Chan giải thích.
Bà sẽ thông báo thêm chi tiết về quyết định này vào chiều nay. Giới quan sát cho rằng tòa án sẽ chỉ định một người chịu trách nhiệm tạm thời về khối tài sản của Evergrande. Công ty này hiện có khoảng 240 tỷ USD tài sản, nhưng lại phải gánh khối nợ hơn 300 tỷ USD. Họ được coi là công ty nặng nợ nhất thế giới.
Evergrande vỡ nợ quốc tế cuối năm 2021 và trở thành ví dụ điển hình cho cuộc khủng hoảng tại thị trường bất động sản Trung Quốc. Hai năm qua, hãng này vẫn nỗ lực thuyết phục các chủ nợ đồng ý với kế hoạch tái cấu trúc 23 tỷ USD nợ nước ngoài. Tuy nhiên, kế hoạch này liên tục gặp khó, khi các lãnh đạo và chi nhánh chính của họ tại Trung Quốc bị điều tra.
Phán quyết thanh lý tài sản hôm nay được dự báo càng gây xáo trộn thị trường vốn và bất động sản của Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn đang tìm cách vực dậy nền kinh tế, do quá trình phục hồi hậu Covid-19 không nhanh như kỳ vọng.
Thị trường bất động sản nước này hiện tệ nhất 9 năm. Thị trường chứng khoán cũng xuống thấp nhất 5 năm. Tin tức về Evergrande có thể khiến nỗ lực của giới chức thêm phức tạp.
"Việc Evergrande phải thanh lý tài sản là tín hiệu Trung Quốc sẵn sàng làm đến cùng để chấm dứt bong bóng bất động sản. Đây là điều tích cực với nền kinh tế trong dài hạn, nhưng sẽ gây ra khó khăn trong ngắn hạn", Andrew Collier, Giám đốc Orient Capital Research, nhận định.
Trước khi phiên tòa sáng nay diễn ra, cổ phiếu Evergrande đã giảm 20%. Hiện tại, mã này đã bị tạm dừng giao dịch.
Quá trình thanh lý tài sản của Evergrande được dự báo phức tạp. Dù vậy, hoạt động của công ty gần như sẽ không bị ảnh hưởng, như các dự án xây nhà trong ngắn hạn. Nguyên nhân là các chủ nợ sẽ phải mất hàng tháng, hoặc hàng năm mới chọn được người chịu trách nhiệm giám sát tài sản của Evergrande tại Trung Quốc đại lục.
Trước đó, Tòa án Tối cao Trung Quốc và Cơ quan Tư pháp Hong Kong đã ký thỏa thuận về việc hợp tác giải quyết các vụ án diễn ra ở cả hai địa điểm. Trước Evergrande, ít nhất 3 hãng bất động sản khác của Trung Quốc đại lục đã bị tòa án ở Hong Kong yêu cầu thanh lý tài sản kể từ khi khủng hoảng địa ốc nổ ra giữa năm 2021.
Hà Thu (theo Reuters)