Trong chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" do HĐND TP.HCM và Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) tổ chức hôm qua (28.1), ông Nguyễn Quang Huy, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM, cho biết dịp Tết Nguyên đán năm 2024, đơn vị tập trung kiểm tra chặt chẽ các nhóm mặt hàng thiết yếu như quần áo, giày dép, bia rượu, nước giải khát, thực phẩm tươi sống...
Đặc biệt, lực lượng quản lý thị trường tập trung kiểm tra tại các khu vực địa bàn nổi cộm, các tuyến phố du lịch, trung tâm thương mại và các nhóm hàng hóa trọng điểm. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm; phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; kiểm tra giá…
Dịp Tết Nguyên đán, nếu người dân khi mua sắm mà phát hiện hàng giả, hàng nhái, không đảm bảo chất lượng thì có thể gửi thư phản ánh đến Cục quản lý thị trường TP.HCM (địa chỉ số 242 Điện Biên Phủ, P.Võ Thị Sáu, Q.3) để xử lý và được giữ bí mật thông tin cá nhân theo quy định. Khi có kết quả giải quyết, đơn vị sẽ thông tin lại cho người dân được biết để tiếp tục giám sát.
Ngoài ra, người dân cũng có thể gọi đến đường dây nóng 02839321014 (Cục Quản lý thị trường TP.HCM) và 1900888655 (Tổng cục Quản lý thị trường) hoặc email: cqltt@tphcm.gov.vn.
Lo ngại các sản phẩm bán vỉa hè, lề đường
Về vấn đề an toàn thực phẩm, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho hay đơn vị thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành từ ngày 20.12.2023 - 20.3.2024, đặc biệt là kiểm tra, giám sát hàng hóa ra vào ở đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn và Bình Điền, và giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm ở chợ đầu mối Thủ Đức. Nếu phát hiện vi phạm, sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng nêu một thực trạng lo ngại. Theo đó, ngành an toàn thực phẩm bảo đảm đối với những hệ thống hợp pháp (siêu thị, chợ truyền thống) xuyên suốt cả năm. Tuy nhiên, việc buôn bán thực phẩm bất hợp pháp trên vỉa hè, lòng lề đường dẫn đến những nguy cơ lớn. Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, tận gốc.
Bên cạnh nỗ lực của cơ quan chức năng, bà Lan cho rằng cần có sự đồng thuận, ý thức cao của người dân để ủng hộ cho những sản phẩm hợp pháp, bảo đảm an toàn thực phẩm, giữ sức khỏe cho chính mình.
Nếu người dân gặp phải sự cố nào cần tìm đến ngay cơ sở y tế và phản ánh đến đường dây nóng 02839301714 (24/7) của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM.
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Trừng phạt mạnh về kinh tế để đảm bảo an toàn thực phẩm
Về nguồn vốn chuẩn bị phục vụ 2 tháng tết, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cũng thông tin doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị hơn 22.000 tỉ đồng. Trong đó, có hơn 8.500 tỉ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.
Các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25 - 43%. Doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, bán hàng lưu động nếu thiếu hàng cục bộ, kiên quyết không để xảy ra khan hiếm, thiếu hàng hoá.
TP.HCM hiện có 3 chợ đầu mối và 221 chợ truyền thống. Trong đó, lượng nông sản cung ứng thị trường thông qua 3 chợ đầu mối đạt bình quân 7.600 tấn/ngày. Dự kiến, vào thời điểm cận tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000 - 15.000 tấn/ngày.
Ngoài ra, TP.HCM hiện có 48 trung tâm thương mại, 267 siêu thị và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động. Những ngày cận tết, các đơn vị sẵn sàng tăng lượng hàng gấp 2 - 3 lần ngày thường và kéo giãn thời gian mở cửa.