Tập đoàn LVMH đã công bố kết quả kinh doanh năm 2023 và lưu ý rằng thời trang và hàng da đã ghi nhận mức tăng trưởng hơn 30% tại Trung Quốc trong tháng 12. Kết quả này cho thấy, mặc dù các chuyến du lịch nước ngoài đã nối lại nhưng nhiều người tiêu dùng Trung Quốc vẫn mua các sản phẩm xa xỉ tại quê nhà.
“Về quy mô cửa hàng ở Trung Quốc… số lượng khách hàng Trung Quốc nhiều gấp đôi so với năm 2019. Điều đó có nghĩa là lượng mua hàng nội địa ở Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, vì vậy chúng tôi phải đáp ứng điều đó”, Bernard Arnault, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của LVMH cho biết.
Theo công ty tư vấn Bain & Company, thị trường hàng xa xỉ cá nhân tại Trung Quốc đã tăng khoảng 12% trong năm ngoái lên hơn 400 tỷ nhân dân tệ (56,43 tỷ USD).
Mặc dù con số này vẫn chưa quay trở lại mức trong năm 2021, do tâm lý người tiêu dùng yếu đi và hoạt động mua sắm hàng xa xỉ ở nước ngoài quay trở lại, nhưng Bain & Company kỳ vọng thị trường hàng xa xỉ trong nước sẽ tăng trưởng trong những năm tới.
Weiwei Xing, đối tác của các sản phẩm tiêu dùng và hoạt động bán lẻ của Bain & Company ở Trung Quốc cho biết, mua hàng xa xỉ ở Trung Quốc chiếm khoảng 16% thị trường toàn cầu vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt ít nhất 20% vào năm 2030.
“Tất cả dữ liệu đó đều chỉ ra tầm quan trọng của người tiêu dùng xa xỉ Trung Quốc và thị trường Trung Quốc”, ông cho biết.
Richemont, công ty mẹ của Cartier cho biết hồi đầu tháng rằng, doanh số bán hàng tại Trung Quốc, Hồng Kông và Macao đã tăng 25% trong quý IV/2023 so với cùng kỳ.
Giám đốc tài chính Richemont, Burkhart Grund đã mô tả tổng thể hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc là đang “tái thiết”, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản sụt giảm kéo dài và hoạt động du lịch nước ngoài của người dân Trung Quốc phục hồi chậm.
Người tiêu dùng ở Trung Quốc đã miễn cưỡng chi tiêu trong vài năm qua do không chắc chắn về thu nhập trong tương lai và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Ngoài ra, các thương hiệu xa xỉ ngày càng chuyển sang các kênh trực tuyến để đảm bảo sự tương tác với khách hàng. Các công ty hoạt động tốt vào năm 2023 đã bán những mặt hàng xa xỉ được xem là có thể đầu tư, có những khía cạnh mang tính biểu tượng sẽ tồn tại qua nhiều năm.
Thương hiệu và thị trường ngách
Báo cáo của Bain & Company cho biết, tổng cộng có khoảng một nửa số thương hiệu hàng đầu và một số thương hiệu thị trường ngách đã phục hồi trở lại mức doanh số năm 2021 nhưng không chia sẻ tên cụ thể.
“Các thương hiệu ngách đã liên tục đầu tư vào việc xây dựng thương hiệu trong nhiều năm đã đạt được thành công”, báo cáo cho biết.
Khi các công ty cạnh tranh để giành lấy một phần thị trường tiêu dùng Trung Quốc, một phân khúc mới nổi là chăn ga gối đệm và vải lanh mịn.
Ashley Dudarenok, người sáng lập ChoZan - công ty tư vấn tiếp thị Trung Quốc cho biết: “Thái độ của người tiêu dùng đối với các sản phẩm chăn ga gối đệm đang dần thay đổi, ngày càng có nhiều người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền cho những chiếc giường chất lượng cao và chú trọng hơn đến chất lượng sản phẩm, chức năng và các dịch vụ bổ sung”.
Bà lưu ý rằng, các thương hiệu dệt may gia dụng trong nước “đã tích cực theo đuổi đổi mới công nghệ và khám phá thị trường chăn ga gối đệm cao cấp để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”.
Tuy nhiên, thị trường tiềm năng vẫn chưa được khai thác.
Theo ước tính từ viện nghiên cứu người tiêu dùng ZWC Partners có trụ sở tại Bắc Kinh, trong khi người tiêu dùng Mỹ chiếm hơn 40% thị trường toàn cầu về hàng dệt may giường và bồn tắm cao cấp thì người tiêu dùng Trung Quốc hiện chỉ chiếm khoảng 5% hoặc ít hơn.
Nghiên cứu cho thấy thị trường giường ngủ, phòng tắm và dệt may sang trọng và giá cả phải chăng của Trung Quốc có quy mô khoảng 700 triệu USD vào năm 2023, một phần rất nhỏ so với thị trường chăn ga gối đệm nội địa có quy mô khoảng 10 tỷ USD.