Những giấc mơ… dang dở
Ngày 29/1, Tòa án ở Hồng Kông, Trung Quốc đã chấp nhận yêu cầu của chủ nợ, tuyên bố Evergrande, gã khổng lồ bất động sản 1 thời của Trung Quốc, bị giải thể kèm với yêu cầu thanh lý tài sản để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, đó là một quá trình dài và phức tạp, trong đó hy vọng lấy lại tiền của chủ nợ vô cùng mong manh.
Mới chỉ 3 năm trước, trái phiếu đáo hạn năm 2025 của Evergrande "nóng bỏng tay" tới mức đây là một trong những trái phiếu được giao dịch nhiều nhất thế giới chính. Các nhà đầu tư có nhiều lý do để yêu thích nó: Thanh khoản cao, gắn liền với một trong những tập đoàn lớn nhất nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Trái phiếu các doanh nghiệp BĐS của Trung Quốc được săn đón cũng phản ánh một cái nhìn lạc quan cho sự chuyển đổi mạnh mẽ ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Từ "công xưởng", Trung Quốc đang chuyển mình thành "đại gia mới nổi" với tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo cũng như chủ nghĩa tiêu dùng của riêng họ.
Và những căn hộ đẹp đẽ, sang trọng và hiện đại chính là minh chứng rõ rệt nhất cho sự thay đổi đó, nhất là ở một quốc gia đề cao "an cư" như Trung Quốc.
Evergrande chính là một trong những người xây giấc mơ vương giả đó thông qua các dự án quy mô, bề thế trên khắp Trung Quốc.
Bây giờ, câu chuyện đó chỉ là quá khứ xa xôi. Tương lai của Evergrande cũng vô cùng mờ mịt trong khi những ảnh hưởng của vụ việc tới người dân Trung Quốc là không nhỏ.
Nhìn lại nhiều thập kỷ đã qua, bất động sản luôn được coi là kênh đầu tư chắc ăn ở Trung Quốc. Người ta cố gắng mua căn nhà đầu tiên và mua tiếp căn nhà thứ 2, thứ 3 thậm chí là thứ 4… khi có thể. Đà tăng giá tưởng nhưng không hồi kết của bất động sản khiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực này chẳng hề e ngại khi sử dụng đòn bẩy ngày một lớn. Chính quyền địa phương cũng có những nguồn thu lớn từ BĐS để bổ sung vào ngân sách.
Thế nhưng, biến cố với Evergrande nói riêng và thị trường bất động sản Trung Quốc nói chung bắt đầu năm 2020. Việc nhà chức trách đưa ra các biện pháp quản lý "mạnh tay" với tôn chỉ "nhà là để ở, không phải để đầu cơ" đã khiến thị trường lao đốc.
Nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, Trung Quốc ban hành cái gọi là “ba lằn ranh đỏ”, nêu những giới hạn mà các công ty bất động sản không được phép vượt qua nếu muốn tiếp cận nguồn vốn. Hàng chục doanh nghiệp bất động sản cũng phải nộp báo cáo tài chính hàng tháng cho cơ quan quản lý.
Đó là bước ngoặt. Hàng chục chủ đầu tư đã vỡ nợ, khiến hàng trăm dự án rơi vào tình trạng dang dở. Thậm chí, người mua nhà ở Trung Quốc còn đồng loạt tẩy chay thanh toán thế chấp cho những căn nhà chưa hoàn thiện (ở Trung Quốc, người mua nhà thường trả tiền trước cho các chủ đầu tư với mong muốn có lời), khiến nguồn vốn của các chủ đầu tư càng trở nên eo hẹp.
Mong ước có nhà gặp trở ngại lớn
Bắc Kinh muốn làm xẹp bong bóng trên thị trường bất động sản để chấm dứt đầu cơ với hy vọng giá nhà sẽ giảm. Nhà chức trách Trung Quốc muốn tạo một thị trường bất động sản lành mạnh hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu người dân cũng như ngăn chặn nguy cơ bị rớt giá mạnh.
Trung Quốc không còn muốn mô hình tăng trưởng dựa trên nợ mà tập trung vào mô hình bền vững hơn: thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như tập trung vào các công nghệ mới như xe điện và pin.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Pan Gongsheng phát biểu hồi tháng 11 trước lãnh đạo các ngân hàng: “Quá trình chuyển đổi kinh tế đang diễn ra sẽ là một hành trình dài và khó khăn. Nhưng đó là cuộc hành trình mà chúng ta phải thực hiện”.
Dẫu vậy, việc mạnh tay với thị trường bất động sản cũng có những “tác dụng phụ”. Nó khiến niềm tin tiêu dùng của người dân đổ vỡ, làm mọi người cảm thấy nghèo hơn cũng như không dám chi tiêu và đầu tư. Trong khi đó, sở hữu một ngôi nhà là giấc mơ cháy bỏng của phần lớn người dân Trung Quốc.
Trước cuộc khủng hoảng, 70% tài sản hộ gia đình ở Trung Quốc gắn với bất động sản. Chính vì thế, khi thị trường gặp biến cố, tác động của nó sẽ rất lớn. Ngoài ra, những công ty từng được coi là “quá lớn để sụp đổ” cũng lâm vào tình trạng vỡ nợ, khiến nhiều người cảm thấy bi quan.
Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã phát tín hiệu nới lỏng chính sách đối với lĩnh vực bất động sản. Các cơ quan quản lý đang soạn thảo danh sách 50 công ty bất động sản đủ điều kiện để nhận hỗ trợ của ngân hàng đồng thời cân nhắc kế hoạch cho phép các ngân hàng cho vay trong lĩnh vực bất động sản mà không cần tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, doanh số bán nhà mới chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Bên cạnh đó, vẫn còn những nỗi đau chắc chắn sẽ kéo dài. nhiều tòa chưa hoàn thiện đang bị bỏ trống trong khi số khác được hoàn thiện nhưng chất lượng khó lòng được đảm bảo vì chủ đầu tư đã gần như khánh kiệt. Điều này làm dấy lên nỗi lo về những “công trình đậu phụ”, ám chỉ những toà nhà chất lượng thấp.
Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa tìm ra cách hoàn hảo để giải quyết vấn đề trong lĩnh vực bất động sản, trong đó có tình trạng dư cung. Mặc dù hoạt động xây dựng giảm 18% nhưng thị trường mới đi được nửa chặng đường điều chỉnh cần thiết. Kinh tế Trung Quốc, dù đã phục hồi, nhưng vẫn còn khá mong manh. Chính vì vậy, Trung Quốc có lý do để lo lắng khi một trào lưu đang làn truyền trong giới trẻ trên Internet: “Không hẹn hò, không kết hôn, không con cái, không nhà”.
Nguồn: Tổng hợp