Theo đài truyền hình Đức DW, các thủ tục pháp lý đã được Công ty Top Shine (đăng ký tại Samoa) tiến hành. Đây là nhà đầu tư tại một trong những công ty con của Evergrande - tập đoàn bất động sản đang phải gánh khoản nợ 300 tỉ USD.
Điều gì xảy ra khi thanh lý Evergrande?
Vụ việc đang được coi là một phép thử, xem liệu lệnh thanh lý ban hành ở Hong Kong có được công nhận ở Trung Quốc hay không.
Hệ thống luật của Hong Kong - vẫn duy trì sau khi thuộc địa cũ này của Anh được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997 - được các chủ nợ nước ngoài ưa chuộng hơn khi thu hồi nợ ở đại lục.
Hai năm trước, Hong Kong ra lệnh cho một số công ty tại các thành phố Thâm Quyến, Thượng Hải và Hạ Môn được phá sản và Bắc Kinh đồng ý công nhận. Nhưng trên thực tế, các lệnh thanh lý rất khó thực hiện do hệ thống pháp luật của Trung Quốc.
Khi lệnh thanh lý được tòa án Trung Quốc chấp nhận, Evergrande sẽ rơi vào tay những người thanh lý - những người sau đó sẽ cố gắng bán bớt tài sản vốn có của Evergrande để trả cho các chủ nợ.
Các nhà thanh lý có thể đề xuất phương án tái cơ cấu nợ mới cho các chủ nợ nước ngoài, nếu họ xác định công ty có đủ tích sản. Đồng thời điều tra các hoạt động của tập đoàn và có thể chuyển mọi hành vi bị nghi ngờ sai trái cho các công tố viên Hong Kong.
Những tác động mà nền kinh tế Trung Quốc phải gánh chịu?
Việc thanh lý Evergrande là một trở ngại lớn đối với Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - vốn đang phải vật lộn để phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, động lực tăng trưởng chính trong 2 thập kỷ qua, đã góp phần giúp Bắc Kinh đạt được mức tăng trưởng kinh tế hai con số.
Trong khi đó, trong năm 2023 nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 5,3%, do xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng trong nước yếu hơn, tỉ lệ thanh niên thất nghiệp cao và cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng tồi tệ.
Chưa kể những năm gần đây, một số nhà phát triển bất động sản khác đã buộc phải phá sản trong khi chi tiêu của các công ty xây dựng giảm 10% trong 2 năm liên tiếp.
Năm 2023, doanh số bán nhà mới từ 100 công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc đã giảm hơn 1/3, xuống còn 451,3 tỉ nhân dân tệ (64 tỉ USD).
Chính quyền ở nhiều tỉnh thành của nước này vốn dựa vào việc bán đất để tăng ngân sách, cũng đang mắc nợ nặng nề và bị buộc phải cắt giảm chi tiêu.
Phần lớn trong số 300 tỉ USD mà Evergrande nợ là tiền đặt cọc của dân thường để mua những căn hộ xây mới. Và không rõ liệu họ có được ưu tiên hơn các chủ nợ nước ngoài trong quá trình thanh lý này hay không.
Trong nhiều năm, Evergrande đã sử dụng tiền đặt cọc cho các dự án phát triển bất động sản trong tương lai để tài trợ cho các dự án xây dựng hiện tại.
Hai tập đoàn bất động sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc, Country Garden và Evergrande, đứng trước nguy cơ vỡ nợ, kéo thị trường bất động sản Trung Quốc vào cơn suy thoái.