Sưng, đau rát, chảy máu sau xăm môi
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân N.T.S. (62 tuổi, Phú Thọ) đến khám trong tình trạng môi sưng, vảy tiết, đau rát và chảy máu khi chạm vào.
Bệnh nhân cho biết sau khi xăm môi 5 ngày, môi trên bắt đầu xuất hiện mụn nước, tiết dịch căng, rát bỏng nên đã tự mua thuốc về bôi.
Sau khi đổi nhiều loại thuốc khác nhau, tình trạng vẫn không cải thiện, bà đến bệnh viện thăm khám được các bác sĩ chẩn đoán viêm da, nhiễm trùng do xăm môi.
Bà S. được các bác sĩ kê đơn thuốc về điều trị tại nhà và tái khám theo chỉ định.
Cân nhắc chọn lựa dịch vụ làm đẹp phổ biến này là câu chuyện chị T.N. (TP.HCM). Do môi xỉn màu vì thâm, không được hồng hào, nên trông gương mặt chị không được rạng rỡ.
Trong khi công việc của chị N. thường xuyên gặp các đối tác khách hàng bắt buộc phải trang điểm đậm liên tục.
“Đặc thù công việc thường xuyên di chuyển, gặp gỡ nhiều người, nếu đánh son liên tục dễ gây hại cho môi vì một số loại sẽ chứa chì nên tôi rất lo lắng.
Thấy bạn bè xung quanh mình ai cũng đã xăm môi lên màu rất đẹp nên tôi có ý định đi làm. Nhưng lại chưa chọn được cơ sở để phun môi, cũng sợ gặp phải biến chứng trong quá trình làm”, chị N. tâm sự.
Khoa thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận nhiều trường hợp bị biến chứng sau phun xăm môi. Các biến chứng thường gặp nhất bao gồm: viêm da nhiễm trùng, tái hoạt vi rút herpes (gây tình trạng mụn rộp, mụn nước - PV) và phản ứng dị ứng muộn sau xăm môi.
Các biến chứng khác hiếm gặp hơn nhưng cũng khá phức tạp như nhiễm mụn cóc tại vùng xăm, sẹo phì đại. Thông thường các biến chứng của phun xăm môi thường nhẹ và có thể điều trị khỏi.
Tuy nhiên bệnh viện cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị biến chứng bong tróc vảy, căng nứt và sạm da vùng môi kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của bệnh nhân. Các trường hợp này cần được thăm khám và điều trị lâu dài để đạt được hiệu quả tốt.
Lưu ý gì khi có ý định xăm môi?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ThS.BS Phạm Ngọc Huy - khoa thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM - cho biết phương pháp phun xăm môi là phương pháp sử dụng các đầu kim xăm để đưa hạt mực xăm vào trong lớp trung bì da tạo nên màu sắc thẩm mỹ mong muốn.
Đây là phương pháp giúp tạo nên đôi môi hồng hào mà không cần phải tốn công trang điểm mỗi ngày, rất phù hợp với người bận rộn không có thời gian trang điểm hoặc sở hữu đôi môi nhạt màu, thâm sạm.
Tuy nhiên, phương pháp này cũng tiềm ẩn nhiều biến chứng như: nhiễm trùng da, tái hoạt vi rút herpes, nổi bóng nước, sưng nề, chảy máu, hoặc do kỹ thuật phun xăm dẫn đến hiệu quả thẩm mỹ thấp (màu mực không đều, quá tải mực xăm)… Hoặc biến chứng lâu dài như khô môi kéo dài, phản ứng u hạt viêm, phản ứng dị ứng muộn, sẹo phì đại...
Theo bác sĩ Huy, để hạn chế các biến chứng do xăm môi, người dân cần lựa chọn các cơ sở đáp ứng được hai tiêu chí chính: kỹ thuật viên phun xăm có tay nghề tốt và chất lượng mực xăm tốt.
Lưu ý, kỹ thuật viên cần được đào tạo bài bản và có các chứng nhận cần thiết để thực hiện kỹ thuật phun xăm.
Trong quá trình thực hiện, người dân nên chú ý đến các thao tác của kỹ thuật viên phun xăm để đảm bảo khâu tiệt trùng được thực hiện đầy đủ: thay kim xăm mới, sát khuẩn vùng xăm và dụng cụ phun xăm liên quan, găng tay vô khuẩn.
Đồng thời, kiểm tra chất lượng của mực xăm về các tiêu chí như nơi sản xuất, hạn sử dụng để đảm bảo quá trình phun xăm được diễn ra một cách an toàn.
Ngoài ra, người dân nếu đã có tiền căn dị ứng với hạt mực xăm, đặc biệt mực xăm màu đỏ thì nên thận trọng cân nhắc không nên tiếp tục xăm.
Làm gì khi gặp biến chứng xăm môi?
Bác sĩ Huy khuyến cáo, trong trường hợp không may mắn gặp phải tai biến sau xăm, người dân nên đến khám và tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa da liễu để điều trị kịp thời, hạn chế các di chứng do điều trị muộn hoặc điều trị không đúng cách.
Đời ai cũng có những phút giây dại khờ, nhưng khờ thế này thì chúng tôi xin chào thua!