Ga Hà Nội
Đây là chỉ đạo mới nhất của ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT đối với Cục Đường sắt Việt Nam và 2 đơn vị tư vấn là Liên danh Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT và Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển GTVT (TDSI); Liên danh Công ty Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam và Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển GTVT (TDSI) đối với tiến độ hoàn thiện hồ sơ báo cáo giữa kỳ quy hoạch tuyến ga đường sắt đầu mối khu vực TP. Hà Nội và TP.HCM.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, quy hoạch tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP. Hà Nội, TP.HCM là các đồ án quy hoạch khó, phức tạp, có ảnh hưởng lâu dài đến phát triển đường sắt tại các tỉnh, thành phố liên quan nên các đơn vị tư vấn, cơ quan lập quy hoạch cần tập trung nhân lực nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Cục Đường sắt Việt Nam cần rà soát hồ sơ các quy hoạch thống nhất từ số liệu đầu vào, số liệu khảo sát, tính toán, kiểm toán quy mô tuyến, ga đường sắt,... bảo đảm kết cấu, nội dung hồ sơ phù hợp với Điều 13 Nghị định số 56/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ, Thông tư số 33/2021/TT-BGTVT ngày 15/12/2021 của Bộ GTVT; rà soát tiếp thu các Thông báo kết luận đầu kỳ về quy hoạch.
Lãnh đạo Bộ GTVT lưu ý, dự báo nhu cầu vận tải cần xác định cụ thể luồng hàng, luồng khách với điểm đi, điểm đến, khối lượng vận tải trên từng khu đoạn, từng ga làm cơ sở tính toán phương án chạy tàu, diện tích các ga.
Hiện nay quan điểm thiết kế quy hoạch đường sắt đầu mối Hà Nội và TP.HCM có sự khác biệt, vì vậy lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị các đơn vị liên quan bổ sung phân tích, so sánh phương án khai thác kết hợp tàu khách quốc gia và đường sắt đô thị (tàu khách quốc gia vào trung tâm, đường sắt đô thị khai thác trên các tuyến vành đai và hướng tâm) và phương án không kết hợp tàu khách quốc gia và đường sắt đô thị để lựa chọn phương án tổ chức chạy tàu tối ưu, phù hợp điều kiện thực tế từng đô thị.
Các ga phải xác định được quy mô, diện tích cụ thể, có dự trữ tương lai làm cơ sở để xác định chỉ giới, thỏa thuận địa phương. Bố trí các khu chức năng phải đáp ứng được năng lực cần thiết, yêu cầu tổ chức tác nghiệp và có kiểm toán để đảm bảo tính khả thi. Bổ sung phương án kết nối các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt vùng và đường sắt chuyên dùng với các ga đường sắt quốc gia, đặc biệt là các ga hành khách, hàng hóa lớn.
Đối với quy hoạch đường sắt đầu mối Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GTVT đề nghị làm rõ chức năng, nhiệm vụ ga Ngọc Hồi, xác định cụ thể khu vực dành cho đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị để quản lý; tính khả thi khi kết hợp 6 tuyến đường sắt (tốc độ cao, Bắc - Nam hiện hữu, vành đai phía Đông và phía Tây, đường sắt đô thị số 1, số 6) vào khu tổ hợp Ngọc Hồi; bổ sung phương án so sánh trường hợp bố trí khu vực Phú Xuyên cho ga hàng hóa, khu lắp ráp và phát triển công nghiệp.
Các đơn vị tư vấn cần bổ sung lập luận không khai thác đường sắt tốc độ cao từ ga Ngọc Hồi vào ga Hà Nội vào đồ án quy hoạch, trong đó lưu ý nếu tập trung các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia trong một hành lang là rất khó khăn, ga Hà Nội là khu vực hạn chế phát triển không gian đô thị.
Đồng thời nghiên cứu đánh giá khả năng đáp ứng năng lực thông qua khi đề xuất kết hợp tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với đường sắt vành đai phía Đông (đoạn Thạch Lỗi - Lạc Đạo), tránh ùn tắc vận tải đường sắt trong tương lai; so sánh phương án đầu tư khổ lồng và phương án đầu tư đường đơn khác khổ, trong đó lưu ý việc GPMB khu vực Hà Nội rất khó khăn nên cần tính toán dài hạn từ góc độ quản lý đô thị, quản lý quỹ đất; làm rõ cơ sở đề xuất đến năm 2050 chưa đầu tư tuyến đường sắt vành đai phía Tây.
Đối với quy hoạch đường sắt đầu mối TP.HCM, Cục Đường sắt Việt Nam và 2 đơn vị tư vấn tiếp tục làm rõ tính pháp lý, sự phù hợp với quy hoạch trong việc bổ sung các đoạn tuyến: Thủ Thiêm - Tân Kiên, Hòa Hưng - Tân Kiên và Cẩm Mỹ - Trảng Bom. Bổ sung so sánh, đánh giá phương án tuyến kết nối: Thủ Thiêm - Tân Kiên; Thủ Thiêm - Hòa Hưng, Hòa Hưng - Tân Kiên để phân tích, so sánh đánh giá, lựa chọn phương án tối ưu; làm rõ tính khả thi của việc quy hoạch (khả năng bố trí quỹ đất, ảnh hưởng đến các dự án trong khu vực, đường sắt đô thị, kinh nghiệm quốc tế), chạy tàu hành khách quốc gia vào trung tâm đô thị TP.HCM.
Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam và 2 đơn vị tư vấn làm rõ phương án quy hoạch kết nối các tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và đường bộ với khu ga (Thủ Thiêm, An Bình, Tân Kiên, Bình Triệu, Hòa Hưng và Trảng Bom, Tân Chánh Hiệp,...); bổ sung quy hoạch tuyến nhánh kết nối ga Bình Triệu với đường sắt TP.HCM - Tây Ninh (đoạn Bình Triệu - Gò Dưa theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt đã phê duyệt).
“Giao Cục Đường sắt Việt Nam chỉ đạo Tư vấn rà soát các Thông báo kết luận trước đây, tiếp thu toàn bộ các ý kiến xác đáng tại cuộc họp để hoàn thiện Báo cáo giữa kỳ Đồ án Quy hoạch đường sắt đầu mối Hà Nội và Quy hoạch đường sắt đầu mối TP.HCM gửi Bộ GTVT trước ngày 5/2/2024 để triển khai các thủ tục tiếp theo, làm cơ sở hoàn chỉnh báo cáo cuối kỳ”, ông Nguyễn Danh Huy yêu cầu.