2020 chắc chắn là một năm đáng nhớ với nhà đầu tư. Chỉ số S&P 500 đã đi lên 15,5% so với đầu năm và tăng 65% kể từ đáy tháng 3.
Theo Forbes, thành tích phi thường này chủ yếu đến từ sự phục hồi non trẻ của nền kinh tế, gói kích thích tiền tệ nghìn tỷ USD của chính phủ, trợ giúp to lớn từ Cục dự trữ liên bang (Fed) và tiến bộ nhanh chóng của các hãng dược trong bào chế vắc xin COVID-19.
Ngay cả khi không kể đến đại dịch, thị trường chứng khoán năm 2020 vẫn đi ngược mọi kỳ vọng của nhà đầu tư. Chỉ số S&P 500 tăng mạnh hơn so với dự báo của giới chuyên gia vào thời điểm này năm ngoái (kỳ vọng ban đầu là khoảng 5%). Thậm chí 2020 còn là một năm tốt hơn so với mức trung bình trong lịch sử (khoảng 10%). Thực tế này còn ấn tượng hơn khi xét rằng chứng khoán Mỹ đã lao dốc 34% từ đỉnh tháng 2 xuống đáy tháng 3.
Bà Lisa Erickson, Phó Giám đốc công ty quản lý quỹ US Bank Wealth Management nhận xét: "Một trong những bài học lớn nhất trong năm nay là khái niệm về sự kiên cường".
Cả nền kinh tế, thị trường chứng khoán và người Mỹ đã sống sót sau "những cú sốc bất ngờ" đầu năm. "Con người vốn kiên cường và luôn cố gắng làm đúng trong phạm vi có thể", bà Erickson nói thêm.
Với thông điệp về sự kiên cường, hãy cùng nhìn lại một năm của thị trường chứng khoán Mỹ.
Chứng khoán Mỹ 2020 sẽ được tổng kết bởi hai thị trường giá lên và một thị trường giá xuống ngắn ngủi ở giữa. Kịch bản này đã từng xảy ra trước đây – gần nhất là vào năm 1987 - nhưng tốc độ của cuộc phục hồi lần này rất đáng kinh ngạc.
Giám đốc đầu tư Stom Stovall của CFRA Research lưu ý rằng S&P 500 chỉ ở trong thị trường gấu vỏn vẹn 33 ngày - khoảng thời gian ngắn ngủi chưa từng thấy. Tiếp đó, thị trường trải qua cuộc phục hồi nhanh thứ 3 trong lịch sử, lấy lại tất cả những gì đã mất trong khoảng 5 tháng.
"Sau đó, giống như chiến binh Hy Lạp chạy hơn 42 km để báo tin thắng trận tới Athena, thị trường gục ngã vì kiệt sức", ông Stovall nói.
Chỉ số S&P 500 sụt 9,6% trong vòng ba tuần vào tháng 9 — gần đủ để được gọi là một cuộc điều chỉnh — trước khi một lần nữa phục hồi vào cuối năm. Bất chất lo ngại về tranh chấp kết quả bầu cử và gia tăng ca nhiễm COVID-19, giá cổ phiếu vẫn tăng và thị trường lên đến đỉnh cao mọi thời đại.
"Đỉnh lịch sử mới cho thấy thị trường chứng khoán rất khó bị hạ gục. Doanh nghiệp học cách kiếm tiền trong cả thời buổi thịnh vượng lẫn khó khăn", Giám đốc đầu tư Neil Hennessy của Hennessy Funds nhận xét.
Ông Andrew Mies, nhà sáng lập kiêm giám đốc đầu tư công ty quản lý tài sản Meridian hồi tưởng lại cuộc họp trực tuyến về thị trường và đại dịch với khách hàng hồi tháng 4. Thông điệp ông cố truyền tải không phải là mạo hiểm và mua cổ phiếu, mà là niềm lạc quan về vắc xin COVID-19.
"Chủ nghĩa tư bản hoạt động hiệu quả và nó phản ứng tốt với thách thức. Nếu toàn thể cộng đồng tài chính cùng hợp sức giải quyết một vấn đề, chắc chắn khó khăn sẽ được khắc phục", ông Mies nói.
Đúng như dự đoán trên, phương Tây nhanh chóng có được vắc xin, mở màn với việc Anh triển khai tiêm phòng từ đầu tháng 12. Tổng thống đắc cử Joe Biden cam kết sẽ cung cấp ít nhất 100 triệu liều vắc xin COVID-19 trong 100 ngày đầu lên nắm quyền.
Đối với những người ngoài Phố Wall, một bước ngoặt tàn nhẫn của năm 2020 là thị trường chứng khoán phục hồi mạnh mẽ mặc cho nền kinh tế chung trì trệ: hiện Mỹ có thêm 5 triệu người thất nghiệp so với tháng 2 và cuộc suy thoái bắt đầu cùng thời gian này chưa được tuyên bố là đã kết thúc.
Tuy nhiên hiện tượng này không hẳn là bất thường. Một số thị trường giá lên trong quá khứ cũng từng được châm ngòi từ khi nền kinh tế vẫn ngập lặn trong suy thoái.
Phó Chủ tịch Lisa Erickson nói: "Hiệu suất thị trường chứng khoán không phải lúc nào cũng gắn liền với hiệu quả kinh tế. Thị trường sẵn lòng nhìn nhận khủng hoảng COVID-19 là sự kiện chỉ xảy đến một lần chứ không phải là điểm yếu căn bản của nền kinh tế".
Tuy nhiên, một số thay đổi cơ bản trong năm nay có khả năng trở thành dài hạn. Ví dụ, nhiều nhân viên có thể không muốn quay lại văn phòng 5 ngày một tuần nếu thấy thích làm việc tại nhà.
"Sự thay đổi lớn" trong cách làm việc có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế trong tương lai, Giám đốc đầu tư Mies lưu ý. Đó là do tác động tích lũy từ những thay đổi nhỏ, ví dụ như tiền tiết kiệm từ những bữa ăn trưa ở nhà đến những thay đổi lớn như các thương vụ bất động sản thương mại. "Xu hướng mới sẽ thay đổi mọi thứ", ông kết luận.
Chứng khoán Mỹ phục hồi nhanh chóng đến vậy bởi vì nhà đầu tư được trấn an rằng đại dịch sẽ không gây ra khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Sự đảm bảo này đến từ Fed. Ngân hàng trung ương Mỹ đã tức tốc hành động trên diện rộng để ổn định thị trường.
Bên cạnh việc hạ lãi suất xuống 0 hồi giữa tháng 3, Fed còn tiết lộ loạt chương trình để ổn định thị trường, bao gồm nới lỏng định lượng và đảm bảo các khoản vay để doanh nghiệp có thể sống sót.
Giám đốc Neil Hennessy ca ngợi: "Khả năng lãnh đạo thực sự của Fed thực sự được bộc lộ trong giai đoạn hỗn loạn và tai ương. Các lãnh đạo ngân hàng trung ương trong năm 2020 là người chèo lái tuyệt vời của nền kinh tế".
Đến cuối tháng 3, Quốc hội Mỹ thông qua gói kích thích 2.200 tỷ USD để bơm tiền vào túi người dân và quăng phao cứu sinh cho các chủ doanh nghiệp. Bà Lisa Erickson cho rằng bất chấp những cuộc xung đột chính trị dai dẳng trong năm nay, việc các nhà lập pháp chung tay hành động "cực kỳ nhanh chóng" là một trong những bất ngờ thuận lợi của năm 2020.
Các tranh chấp nảy lửa về kết quả bầu cử tổng thống và cuộc đua vào Quốc hội tạo ra khá nhiều biến động. Nhưng rốt cuộc, chính trị không ảnh hưởng nhiều đến thị trường bằng tin tức tích cực về vắc xin COVID-19.
Phó Chủ tịch Lisa Erickson chia sẻ với Forbes: "Trong tâm trí chúng tôi, năm 2020 là bài học kinh nghiệm lớn rằng tiến bộ y tế có ảnh hưởng lớn hơn diễn biến chính trị".
Năm 2020 cũng chứng kiến một số thay đổi đáng kể trong chính thị trường. Ngay cả khi chứng khoán cắm đầu lao dốc trong tháng 2 và tháng 3, nhiều nhà đầu tư vẫn tích cực tìm kiếm cơ hội mua. Không lâu sau, đội quân nhà giao dịch trong ngày (day trader) đổ bộ vào Phố Wall.
Nhà giao dịch trong ngày dần trở thành lực lượng đáng chú ý trên thị trường, nắm giữ quyền lực lớn đến mức một số nhà đầu tư tổ chức tức giận, Giám đốc đầu tư Liz Ann Sonders của Charles Schwab cho biết. Nguyên nhân là những nhà đầu tư mới này có thể đổ dồn vào số lượng tương đối ít cổ phiếu rồi qua đó đẩy toàn thị trường lên cao hơn.
"Sự cuồng nhiệt của cơn sốt đầu cơ đã tạo ra các đỉnh và đáy nhỏ trên thị trường trong năm nay", bà Sonders nói thêm.
Thêm nữa, người tham gia thị trường cũng nắm bắt cơ hội đầu tư từ "bình thường mới" như làm việc tại nhà. Các cổ phiếu được hưởng lợi từ đại dịch này – thường nằm trong lĩnh vực công nghệ - là quán quân của năm 2020.
Trên thực tế, cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn đã dẫn dắt chứng khoán Mỹ thoát khỏi thị trường gấu và đẩy Nasdaq Composite lên đỉnh cao nhất mọi thời đại, sớm hơn hai tháng so với S&P 500.
Nhưng đà tăng ngoạn mục của cổ phiếu công nghệ cao đồng thời dẫn đến sự méo mó trên thị trường. Cổ phiếu tăng trưởng vượt trội so với cổ phiếu giá trị với cách biệt lớn chưa từng thấy trong suốt hàng chục năm trở lại đây, Giám đốc đầu tư Andrew Mies cho biết.
Tuy vậy, ông nhận ra rằng trên thị trường gần đây đã có sự chuyển đổi "chậm và dần dần" khi nhà đầu tư có vẻ ưa thích cổ phiếu giá trị hơn cổ phiếu tăng trưởng. Cổ phiếu công nghệ đã mất bớt phần hào quang khi niềm lạc quan về vắc xin COVID-19 khiến hy vọng về cuộc sống quay trở lại như trước trở nên thực tế hơn.
Nhưng dù cho mã chứng khoán nào được yêu thích, một trong những nguyên nhân giúp thị trường tăng mạnh là lợi nhuận cổ phiếu mang lại tương đối hấp dẫn vào thời điểm lãi suất gần bằng 0, Giám đốc đầu tư Hennessy nhận định. Đây là một trong lý do khiến nhiều chuyên gia Phố Wall lạc quan về triển vọng chứng khoán Mỹ hướng tới năm 2021.
"Chứng khoán Mỹ chỉ có thể đi lên vì nhà đầu tư không còn lựa chọn nào khác để rót tiền. Rốt cuộc, nhà đầu tư chỉ có một sân chơi và đó là thị trường chứng khoán", ông Hennessy nói.
Xem thêm: mth.57935208103210202-ym-naohk-gnuhc-auc-gnouht-ihp-man-tom/nv.zibmanteiv