Công nhân may túi xách xuất khẩu tại Bình Dương - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Những thành công trong kiểm soát dịch bệnh COVID-19, những cải cách mạnh mẽ về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới các tiêu chuẩn thế giới, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020.
Nhân năm mới 2021, trả lời Tuổi Trẻ trước thông tin hãng định giá thương hiệu Brand Finance (Anh) đã định giá thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng 29% so với năm ngoái, với quy mô 319 tỉ USD, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ MAI TIẾN DŨNG cho rằng sự ghi nhận của các tổ chức đánh giá uy tín thế giới đối với Việt Nam xuất phát từ nền tảng nỗ lực vượt bậc của đất nước trong năm đặc biệt 2020.
"Việt Nam đã làm tốt, là nước tiêu biểu trong phòng chống dịch COVID-19, cùng những thách thức lớn khi thời tiết, khí hậu cực đoan diễn ra từ đầu năm, nhưng chúng ta là nước hiếm hoi trên toàn cầu tăng trưởng dương ở mức cao, trong khi nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng âm.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng
* Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tăng hạng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới nhờ vào kết quả chống dịch và được Brand Finance đánh giá là thiên đường sản xuất mới. Theo bộ trưởng, điều gì làm nên được thành quả này?
- Trong đại dịch vừa qua, chúng tôi khảo sát nhiều doanh nghiệp nước ngoài và nhận được câu trả lời là muốn mở rộng sản xuất, đầu tư tại Việt Nam. Tôi cho rằng sự ổn định về chính trị, an toàn và cải thiện liên tục môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là chìa khóa giúp Việt Nam tạo được niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Quan trọng là kinh tế phát triển thực chất, hiệu quả và bền vững, duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, kiểm soát được lạm phát. Đặc biệt là những cải cách mạnh mẽ về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Điều đặc biệt nữa là người Việt Nam có truyền thống tạo nên ấn tượng sâu sắc cho bạn bè thế giới. Chưa bao giờ mà lãnh đạo các nước đến lại có thể đi bộ, dạo phố thoải mái, đi ăn phở, mua bánh mì, nói chuyện với các cụ già, chơi với các em nhỏ...
Đó là vì chúng ta có nền chính trị ổn định, có tình hình an ninh trật tự rất tốt, tạo nên thương hiệu riêng của Việt Nam với giá trị cao, khiến nhiều bạn bè quốc tế đến Việt Nam là ấn tượng cả đời, mong muốn quay lại.
Tuy nhiên, chúng ta phải làm tốt hơn nữa, để vị thế Việt Nam tiếp tục nâng lên, sánh vai với các nước lớn mạnh. Chúng tôi đã nhận chỉ đạo của Thủ tướng và đang phấn đấu để Việt Nam đạt được các tiêu chuẩn, chỉ số mà các nước Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) quy định, chứ không thể chỉ lấy chỉ số của các nước ASEAN.
Do đó, ngay việc xây dựng chính phủ điện tử chúng tôi cũng rất kỳ công dựa vào chỉ số của các nước phát triển để làm.
* Xây dựng chính phủ điện tử là một chính phủ không giấy tờ, đồng nghĩa với việc đụng chạm lợi ích, quyền lợi của các bộ ngành. Là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện, ông có thấy đây là sức ép lớn?
- Việc bỏ hồ sơ giấy để thay bằng hồ sơ điện tử, tôi vẫn nói sẽ rất nhiều rào cản vì liên quan đến quyền lợi, mà thực chất là lợi ích nhóm. Nhưng Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ đã đặt quyết tâm phải làm minh bạch, phải dám cắt bỏ lợi ích để hướng tới lợi ích chung.
Nhìn vào thực tế để thấy đây là yêu cầu cấp bách. Chẳng hạn, mỗi năm có 12 triệu bộ hồ sơ xuất nhập khẩu, nhưng kiểm tra chỉ phát hiện vi phạm có 0,06%, doanh nghiệp vẫn phải làm thủ tục, nộp tiền phí, lệ phí, tốn kém vô cùng. Hay khi sửa đổi nghị định liên quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, chúng tôi mạnh dạn cắt bỏ tới 95% điều kiện thủ tục hành chính, nhưng vẫn kiểm soát tốt.
Đúng là khi thực thi, không phải ai cũng đồng thuận ngay lập tức, hiểu ngay một lúc. Nhưng phải có sự rất quyết tâm, rất quyết liệt, quan trọng là quá trình làm phải công khai, minh bạch, sự gương mẫu của người đứng đầu.
Chính phủ nêu ra thông điệp phải từ bỏ "trên nóng dưới lạnh", từ bỏ tham nhũng vặt, yêu cầu minh bạch nên tất cả bộ ngành, địa phương đều phải tham gia cải cách mạnh mẽ. Khi ban hành một văn bản, nếu quá trình thực thi người dân, doanh nghiệp phản ảnh đó là rào cản, co kéo lợi ích, thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
* Vẫn còn nhiều thách thức đặt ra trong năm 2021 mà chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5%. Theo ông, cần làm gì để Việt Nam giữ vững và bứt tốc hơn vị thế thương hiệu quốc gia?
- Tôi cho rằng xuyên suốt năm 2021 vẫn phải thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch nghiêm ngặt, quyết liệt vừa tập trung phục hồi phát triển kinh tế - xã hội nên phải tạo thuận lợi để khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Cùng với những cải cách thể chế trên cần tiếp tục được thực hiện hiệu quả, chúng ta phải tạo đột phá mạnh về đầu tư hạ tầng, cùng với nguồn ngân sách phải huy động nguồn lực xã hội.
Không thể vẫn theo trào lưu của nhiều địa phương rất muốn có sân bay, cảng biển riêng. Muốn vậy phải có quy hoạch quốc gia, có tầm nhìn thứ tự ưu tiên, đảm bảo hài hòa, linh hoạt, mềm dẻo để tạo sự đồng thuận tham gia của cả xã hội.
Quan trọng hơn nữa là hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, để một nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Doanh nghiệp phải tiếp cận được những dịch vụ đặc biệt về tiền tệ, tài chính, ngân hàng, lãi suất phải thực chất, giảm nhiều hơn.
Nếu lãi suất cứ 9-11% trung, dài hạn thì rất lo là doanh nghiệp sẽ còn khó khăn, nên phải tính toán làm sao để tiếp cận tín dụng thuận lợi.
"Hậu trường" chống dịch: Việt Nam làm khác khuyến cáo của WHO
Các bạn trẻ vui chơi mừng năm mới 2021 tại trung tâm TP.HCM chiều 31-12-2020- Ảnh: QUANG ĐỊNH
- Bộ trưởng MAI TIẾN DŨNG: Khi đại dịch COVID-19 xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo ngay ở thời điểm trước khi nghỉ Tết Nguyên đán là đại dịch này không lây từ người sang người. Tuy nhiên, Văn phòng Chính phủ cho rằng không phải như thế và báo cáo, đề xuất với Thủ tướng các biện pháp.
Nếu không nguy hiểm thì sao Bộ Chính trị Trung Quốc phải họp vào mùng 1 tết? Nếu không nguy hiểm thì việc gì Vũ Hán phải phong tỏa? Nếu không nguy hiểm vì việc gì trên 5 triệu người Vũ Hán đã di chuyển trước khi phong tỏa?
Và nếu không nguy hiểm thì làm sao có 2 bệnh viện dã chiến lớn như vậy và tại sao số người chết, số người bị lây nhiễm nhanh như vậy? Dự đoán của chúng tôi lúc đó là có thể hi sinh một người để cứu nhiều người. Hi sinh một địa điểm, một thành phố để cứu nhiều thành phố.
Chúng tôi báo cáo Thủ tướng quan điểm không thể nào thực hiện theo khuyến cáo của WHO. Vì vậy, ngay công điện số 05 đầu tiên Thủ tướng ban hành đã hoàn toàn khác khuyến cáo của WHO. Thủ tướng đã đưa ra chỉ lệnh chưa từng có "chống dịch như chống giặc", toàn quân, toàn dân phải tham gia việc này.
Chỉ đạo của Thủ tướng rất sáng suốt. Tôi là người thường xuyên làm việc với Thủ tướng nên tôi biết, khi văn phòng họp, chúng tôi đề cập đến vấn đề đóng cửa biên giới, đóng cửa đường mòn lối mở không đơn giản. Rất nhiều ý kiến, sao phải đóng, đóng rồi sau mở lại thế nào?
Ngay cả vấn đề dừng các chuyến bay tới Trung Quốc, sau đó dừng các chuyến bay ở khu vực Nhật và Hàn Quốc, dừng các chuyến bay ở châu Âu, dừng các chuyến bay của Mỹ.
Nếu chỉ thị 15 của Thủ tướng lúc đó không có những giải pháp tích cực, nhất là giãn cách xã hội thì tình hình có thể đã khác. Lúc đó từ ngữ rất khó, vì là vấn đề mới, thế nào là giãn cách xã hội? Nhưng nhìn lại, những chỉ đạo của Đảng, Nhà nước từng vấn đề cụ thể rất sáng suốt, bởi nếu ta cứ làm đúng khuyến cáo thì bây giờ đã không lường hết được điều gì đã xảy ra.
Thủ tướng đã đưa ra thông điệp phải bảo vệ vấn đề sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân dù chúng ta phải hi sinh bất cứ thứ gì. Với sự quyết tâm như vậy và với sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, chúng ta đã có sự thành công.
Ông Trần Đình Long (chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát):
Kỳ vọng đưa thương hiệu quốc gia vươn tầm quốc tế
Ông Trần Đình Long
Chúng tôi hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ban ngành trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam và sản phẩm dịch vụ của Việt Nam vươn tầm thế giới mà thương hiệu quốc gia là một trong những cửa ngõ như vậy.
Các hoạt động quảng bá, xúc tiến xây dựng hình ảnh thương hiệu quốc gia bước đầu khá chuyên nghiệp. Chúng tôi kỳ vọng những hoạt động thúc đẩy đưa chương trình thương hiệu quốc gia đi xa một cách vững chắc, có lộ trình, với định hướng chiến lược phát triển xuyên suốt sẽ được Chính phủ nói chung và Bộ Công thương nói riêng phát huy hiệu quả.
Điều này trở thành động lực mạnh mẽ và lợi thế cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp Việt tại thị trường nội địa và thế giới trong tầm tay và trong cả tương lai.Trần Vũ Nghi
Ông Trần Văn Long (chủ tịch HĐQT Công ty CP y tế Ecom Med):
Thành tích chống dịch của Việt Nam mở ra cơ hội kinh doanh mới
Ông Trần Văn Long
COVID-19 xảy ra, doanh nghiệp chúng tôi gần như là doanh nghiệp lữ hành đầu tiên thực hiện ngay việc cắt giảm nhân sự, đóng cửa dần các đại lý trên toàn quốc, chúng tôi chấp nhận đóng như gần hết và chuyển sang online.
Tôi đã lấn sang mảng sản xuất khẩu trang và bây giờ đã tìm ra được hướng đi, trở thành một trong 23 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu khẩu trang sang thị trường Mỹ và châu Âu.
Chưa bao giờ chúng ta cảm nhận giá trị thương hiệu quốc gia rõ ràng và hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh như năm vừa qua. Giữ được môi trường sống an toàn giúp cho các doanh nghiệp duy trì các hoạt động sản xuất, đó là điều không hề dễ dàng nhưng Việt Nam đã làm được.
N.Bình ghi
Ông Hong Sun (phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam - KORCHAM):
Nhiều người muốn sang Việt Nam nhưng chưa sang được
Ông Hong Sun
Chúng tôi đánh giá cao về sự lựa chọn đúng đắn của Việt Nam trong việc chủ động phòng chống dịch COVID-19, dẫn tới sự ổn định phát triển, sinh hoạt đời sống không chỉ người dân Việt Nam mà cả nhà đầu tư đều không bị đảo lộn.
Nhiều người Hàn Quốc bạn bè tôi nói rằng Việt Nam an toàn, thời tiết thuận lợi hơn hẳn, muốn đến nhưng chưa được vào. Những người bạn đã từng sang Việt Nam chia sẻ rất nhớ nhiều món ăn ở Việt Nam, nhiều người nhớ đất nước Việt Nam. Thực sự nhiều nước khâm phục thành quả Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đánh giá cao tiềm năng phát triển trong thời gian tới.
Dù vậy vẫn phải luôn thận trọng. Các doanh nghiệp muốn chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam, nhưng việc hạn chế đi lại cũng ảnh hưởng đến nhà đầu tư. Họ sang phải mất thời gian khá là lâu, làm chậm trễ kế hoạch đầu tư, cần tạo thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, dù giữ được tăng trưởng nhưng kinh tế vĩ mô vẫn còn khó khăn, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục cạnh tranh, nên Chính phủ cố gắng làm sao giữ giá, bởi hiện nay có tình trạng giá thuê nhà, thuê đất tăng lên, các ưu đãi hỗ trợ không còn được duy trì sẽ ảnh hưởng người dân, doanh nghiệp.
N.AN
TTO - Trong báo cáo Thương hiệu quốc gia 2020, Hãng định giá thương hiệu Anh Brand Finance đánh giá Việt Nam là thương hiệu quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trong bảng xếp hạng năm nay.