Phát biểu kết luận Hội nghị báo chí toàn quốc, triển khai nhiệm vụ năm 2021, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh 7 nhiệm vụ, nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà các cơ quan báo chí cần làm tốt trong thời gian tới.
PLO trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng:
Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, Hội nghị công tác báo chí toàn quốc năm 2020 đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra. Thay mặt các cơ quan tổ chức Hội nghị, tôi cảm ơn các đồng chí đã dành thời gian đến dự Hội nghị, đóng góp nhiều ý kiến rất sâu sắc, thiết thực.
Như chúng ta đã biết, năm 2020 là năm đầy ắp những sự kiện trọng đại, nổi bật của Đảng, đất nước cùng những người làm công tác tư tưởng; là năm chứng kiến những sự kiện chưa có tiền lệ và những đổi thay lớn lao trong đời sống kinh tế, xã hội của cả thế giới và đất nước, năm của những khó khăn, thách thức lớn… nhưng cũng là năm của những nỗ lực, quyết tâm lớn, năm cộng hưởng mạnh mẽ và hiệu quả của những tấm lòng yêu nước đầy trách nhiệm, năm mà đất nước Việt Nam được nói đến như là "hình mẫu" về cách thức kiểm soát và phòng, chống dịch COVID-19; được đánh giá là một trong số 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nơi mà có người nước ngoài nói rằng được ở lại Việt Nam vào những ngày có dịch là sự “may mắn xa xỉ”. Trong thành công đó, có vai trò của công tác thông tin, tuyên truyền, trong đó báo chí là lực lượng tiên phong, đi đầu.
Báo cáo tại Hội nghị đã nêu rõ những kết quả đạt được, tôi nhấn mạnh một số điểm nổi bật như sau:
Thứ nhất, thông tin, tuyên truyền sâu sắc, nổi bật về các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, như: Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng; 90 năm thành lập Đảng, 130 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam); 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 90 năm truyền thống ngành Tuyên giáo; 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam… Thông qua công tác tuyên truyền góp phần giáo dục truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc; nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; khơi dậy và cổ vũ tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Việc góp ý vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được các cơ quan báo chí chủ động thực hiện với tinh thần trách nhiệm, sáng tạo bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng tạo nên một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, làm cho ý Đảng quyện với lòng dân, tạo cơ sở chính trị, tình cảm cho những quyết tâm mới, những thành công mới.
Thứ hai, báo chí tích cực thông tin tuyên truyền các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước. Nhấn mạnh sự thành công và những chủ đề, sáng kiến của Việt Nam trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; Chủ tịch AIPA 41; Chủ tịch ASEAN 2020… được các tổ chức, quốc gia thành viên ủng hộ và đánh giá cao, qua đó, quảng bá rộng rãi hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, làm sâu sắc, sinh động, cụ thể đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.
Thứ ba, trong các thời khắc đầy khó khăn, thách thức trước thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID -19, cùng với hệ thống chính trị, lực lượng báo chí đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, chủ động ứng phó linh hoạt, sáng tạo trong thông tin, tuyên truyền; càng khó khăn, càng thách thức, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, sứ mệnh vẻ vang của người làm báo càng được thể hiện rõ nét. Nhiều nhà báo đã không quản hiểm nguy bám sát hiện trường, dũng cảm, dấn thân đi vào tâm dịch, tâm bão để kịp thời chuyển tải, cung cấp những thông tin thời sự, nóng hổi, chân thật nhất về phòng, chống dịch bệnh, về thiên tai. Nhiều tác phẩm báo chí ở tất cả các loại hình báo chí đã góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; khẳng định tính ưu việt của hệ thống chính trị nước ta; thể hiện ý chí, sức mạnh của dân tộc Việt Nam; và để cho thế giới hiểu hơn về một Việt Nam đoàn kết, kiên cường, mạnh mẽ, chủ động, linh hoạt trong ứng phó với thiên tai, dịch bệnh.
Thứ tư, công tác thông tin, tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch thực sự có chuyển biến rõ nét, nhất là thời điểm tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Các tin bài, chuyên trang, chuyên mục trên báo chí về chủ đề này có tác động mạnh mẽ, cảnh tỉnh, nâng cao sức tự đề kháng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước những chiêu bài kích động, xuyên tạc, bịa đặt gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ của các thế lực thù địch, phản động, qua đó góp phần củng cố, tăng cường, niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và tiền đồ của đất nước. Công tác thông tin tuyên truyền về phòng chống tham nhũng, đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống được triển khai mạnh mẽ, cẩn trọng, chặt chẽ với quyết tâm và dũng khí cao, đạt hiệu quả tích cực.
Thứ năm, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí, công tác hội nhà báo có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng chủ động, kịp thời, bám sát thực tiễn; chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định mới nhằm khắc phục tốt hơn những hạn chế, bất cập trong lĩnh vực báo chí, được dư luận đồng tình; kiên trì chấn chỉnh tình trạng vi phạm trong hoạt động báo chí, nhất là việc thực hiện tôn chỉ, mục đích, đưa thông tin sai sự thật, không phù hợp lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thứ sáu, việc triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã cơ bản đúng phương án và lộ trình đề ra. Có được kết quả này, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp thực hiện nghiêm túc và trách nhiệm; các cơ quan báo chí đã quán triệt sâu sắc mục tiêu, yêu cầu và thực hiện Quy hoạch với tự giác cao, sẵn sàng chấp nhận những khó khăn, thử thách trong giai đoạn đầu chuyển đổi vì mục tiêu chung là xây dựng một nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại và lành mạnh. Tôi tin tưởng rằng, vượt qua những khó khăn, vướng mắc ban đầu, trong đó có rào cản về tâm lý, thói quen cũ, chắc chắn hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao trong tình hình mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, cởi mở, thẳng thắn như các báo cáo tham luận, phát biểu đã đề cập tại Hội nghị và báo cáo tham luận đã gửi, chúng ta cần cầu thị để thấy rằng, công tác báo chí năm 2020 vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm cần được nghiêm túc khắc phục. Điều dễ nhận thấy đó là một số cơ quan báo chí chưa theo kịp, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong tình hình hiện nay. Sự phối hợp trong công tác chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin cho báo chí trong một số trường hợp còn thiếu nhịp nhàng. Chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung quy định của Đảng, Nhà nước để điều chỉnh hoạt động báo chí cho phù hợp với sự phát triển của thực tiễn. Các cấp hội nhà báo chưa phát huy hết trách nhiệm trong việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp đối với hội viên, còn duy tình, vị nể, có biểu hiện trông chờ trong xử lý các sai phạm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp đối với hội viên. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh tình trạng vi phạm trong hoạt động báo chí chưa thường xuyên, liên tục, kết quả xử lý chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi sai phạm, việc giám sát thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra còn hạn chế. Công tác hiệp y bổ nhiệm, bổ nhiệm lại lãnh đạo cơ quan báo chí; việc quy hoạch chức danh lãnh đạo cơ quan báo chí có nơi chưa thực hiện đúng quy định. Việc triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 của một số cơ quan chủ quản báo chí còn chậm, nặng về sắp xếp, mà chưa coi trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Tình trạng xa rời tôn chỉ mục đích, chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan báo chí vẫn tiếp diễn, mặc dù đã được lưu ý, nhắc nhở; tình trạng tư nhân lợi dụng liên kết để chi phối nội dung, hoạt động báo chí đã được nhận diện, chỉ ra nhưng khắc phục chưa hiệu quả. Xuất hiện một số biểu hiện thông tin không phù hợp tư tưởng chỉ đạo, định hướng báo chí, xa rời nhiệm vụ chính trị, hạ thấp chức năng tuyên truyền, giáo dục. Việc quản lý phóng viên, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên còn lỏng lẻo, thậm chí có cơ quan báo chí giao khoán nguồn thu, đặt nặng kinh tế báo chí dẫn đến việc cấp giấy giới thiệu không đúng quy định, không phù hợp tôn chỉ mục đích. Tình trạng phóng viên, cộng tác viên bị cơ quan chức năng xem xét, xử lý kỷ luật, thậm chí là bị khởi tố, bắt tạm giam, truy tố, xét xử vì vi phạm pháp luật, lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để trục lợi ngày càng tăng. Một bộ phận lãnh đạo, phóng viên cơ quan báo chí thiếu bản lĩnh chính trị, thiếu tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, mơ hồ, ngộ nhận trong nhận thức về vị trí, vai trò và nhiệm vụ của báo chí dẫn đến coi thường nguyên tắc, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy trình tác nghiệp, bị chi phối, cám dỗ bởi vật chất, mà bỏ qua sứ mệnh của người làm báo chân chính. Công tác xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí chưa được coi trọng đúng mức; việc khiếu nại, tố cáo kéo dài trong nội bộ một số cơ quan báo chí cũng tăng lên; việc xử lý vi phạm đảng viên, tổ chức đảng cơ quan báo chí chưa đủ sức răn đe.
Có thể nói, những hạn chế, yếu kém khuyết điểm trên đây, cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí thấy; cơ quan chủ quản báo chí thấy; cơ quan báo chí và mỗi phóng viên đều thấy; dư luận bạn đọc bức xúc và phản ánh nhiều lần. Một số hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra từ lâu nhưng vì sao vẫn giải quyết, khắc phục chậm? Những hạn chế, khuyết điểm trên có phải là do trình độ, năng lực của cơ quan tham mưu chỉ đạo, quản lý, cơ quan chủ quản báo chí còn hạn chế? Hay do phẩm chất và năng lực của lãnh đạo các cơ quan báo chí chưa tương xứng với trách nhiệm, chưa thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao? Hay do một số lãnh đạo cơ quan báo chí, cán bộ phóng viên bản lĩnh chính trị yếu, còn mơ hồ trong nhận thức về chính trị, tư tưởng, về vị trí, vai trò và sứ mệnh người làm báo cách mạng, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, bị suy thoái, chạy theo lối sống thực dụng, vị kỷ?. Tôi đề nghị chúng ta với ý thức trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân, trách nhiệm với bạn đọc, trách nhiệm với sứ mệnh mà mình gánh vác nhìn nhận, đánh giá một cách sâu sắc hơn, kiểm điểm nghiêm túc hơn về trách nhiệm của mình.
Nhìn lại 5 năm của nhiệm kỳ Đại hội XII và qua 5 hội nghị toàn quốc tổng kết công tác báo chí, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định rằng đã có một bước chuyển căn bản vững chắc trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí; có một tiến bộ rõ nét trong nhận thức, trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và sứ mệnh cao cả của báo chí. Cụ thể: (1) Công tác thông tin, tuyên truyền các sự kiện chính trị, sự kiện đối ngoại quan trọng của đất nước, tuyên truyền các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, các vấn đề kinh tế xã hội được quan tâm, chú trọng, có chiều sâu, tạo được sức lan tỏa tích cực; khắc phục được khuynh hướng coi nhẹ biểu dương, mà nặng về phê phán, thổi phồng, khoét sâu khuyết điểm; bảo đảm thông tin tích cực là dòng chủ lưu trên báo chí. (2) Biểu hiệu xa rời tư tưởng chính trị chủ đạo, hạ thấp chức năng tuyên truyền, giáo dục, định hướng tích cực bước đầu đã được nhận diện và có giải pháp khắc phục; tính chiến đấu, tính chân thật, tính tư tưởng, tính nhân văn, tính giáo dục của báo chí được nâng lên. (3) Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được chỉ đạo, đôn đốc triển khai quyết liệt, cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra. (4) Kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, định hướng thông tin, việc chấp hành chỉ đạo, định hướng thông tin được giữ vững và ngày càng phát huy hiệu quả tích cực, tăng cường thuyết phục thay vì mệnh lệnh hành chính trong chỉ đạo, định hướng thông tin. (5) Công tác khen thưởng, biểu dương, hỗ trợ cơ quan báo chí, người làm báo được quan tâm đúng mức, kịp thời, xác đáng, đúng đối tượng, qua đó tạo khí thế, động lực mới đối với người làm báo cả nước. (6) Việc chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động báo chí được tăng cường, đạt kết quả bước đầu, nhất là đối với sai phạm liên quan đến việc thực hiện tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, thông tin không đúng những vấn đề có tính quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. (7) Tình trạng “phóng viên IS”, phóng viên đếm tầng, tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”, “đăng cùng đăng, gỡ cùng gỡ” từng bước được khắc phục, đẩy lùi, qua đó lấy lại niềm tin của dư luận đối với báo chí, trả lại danh dự, công bằng cho những người làm báo chân chính. (8) Thông tin, tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên báo chí được triển khai chủ động, bài bản, có chất lượng và đi vào chiều sâu; trách nhiệm, nhiệt huyết, dũng khí hơn khi tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. (9) Biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí, tư nhân “núp bóng” lợi dụng liên kết để chi phối nội dung, hoạt động báo chí, tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử được nhận diện và bắt đầu có những giải pháp khắc phục.
Những kết quả trên là minh chứng cho một nhiệm kỳ đầy nỗ lực, quyết tâm với tinh thần, trách nhiệm cao của các cơ quan chỉ đạo, quản lý, các cấp hội nhà báo, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và người làm báo cả nước.
Chúng ta đang chuẩn bị đón chào năm mới 2021- năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; năm bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với những thời cơ, thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, công tác tuyên giáo của Đảng, mà mũi tiên phong là công tác báo chí phải tiếp tục giữ vững vai trò tiên phong trong ổn định tư tưởng, tâm trạng xã hội, phát huy vai trò “đi trước, mở đường”, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tôi đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau đây:
Một là, cần tiếp tục nhận thức, quán triệt thật sâu sắc và đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác báo chí với tư cách là một thành tố quan trọng trong công tác tuyên giáo của Đảng; là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, là diễn đàn của Nhân dân. Chỉ trên cơ sở nhận thức đúng đắn, sâu sắc và toàn diện đó, chúng ta mới có thể xây dựng, triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền một cách chủ động, tích cực, sáng tạo và hiệu quả, thực hiện tốt sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Hai là, Đại hội XIII của Đảng đang đến rất gần, do vậy, nhiệm vụ quan trọng và tập trung nhất của các cơ quan báo chí trong thời gian tới và trong cả năm 2021 là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về Đại hội XIII của Đảng và việc triển khai đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống. Tôi đề nghị các cơ quan báo chí nâng cao mức độ tuyên truyền về Đại hội XIII của Đảng theo Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và Trung tâm Báo chí Đại hội XIII; nâng cao chất lượng, thời lượng, chuyên trang, chuyên mục, chương trình, tuyến tin bài, phóng sự giới thiệu thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là trong nhiệm kỳ 2015- 2020; nhìn lại 30 năm thực hiện Cương lĩnh, trọng tâm 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011); những kết quả về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; khẳng định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội, trong đó nhấn mạnh những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ Đại hội XII; phương hướng, nhiệm vụ mục tiêu năm 2021 và giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, báo chí cần bám sát những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước trong năm 2021 đặc biệt là bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, để chuyển tải những thông tin kịp thời, toàn diện, chuẩn xác, phong phú, sinh động đến với độc giả trong và ngoài nước.
Ba là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về báo chí theo hướng tăng cường trách nhiệm; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý báo chí. Cần tiến hành rà soát toàn diện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với báo chí; để từ đó đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp yêu cầu chỉ đạo, quản lý và thực tiễn phát triển báo chí. Đây là công việc cần tiến hành thường xuyên, tuy nhiên, tôi đề nghị trong năm 2021 và trong nhiệm kỳ Đại hội XIII cần triển khai quyết liệt, mạnh mẽ với tinh thần chủ động và quyết tâm cao.
Về thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí, các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí tập trung thực hiện thật tốt các mục tiêu, giải pháp và lộ trình đã được nêu trong Quy hoạch, thực hiện tốt nhiệm vụ trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đã nêu ra: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt việc quy hoạch, sắp xếp hợp lý hệ thống báo chí, truyền thông”.
Bốn là, cần xác định năm 2021 là năm tạo bước chuyển tích cực, rõ nét hơn nữa trong tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý báo chí, chấn chỉnh vi phạm hoạt động báo chí. Những năm cuối của nhiệm kỳ qua chúng ta đã có nhiều cố gắng và bước đầu xử lý có kết quả một số vi phạm của của các cơ quan báo chí, nhà báo; tới đây cần mạnh mẽ, quyết tâm hơn vì thanh danh của chính báo chí. Tôi đề nghị việc thanh tra, kiểm tra, giám sát phải được tiến hành chủ động, thường xuyên, toàn diện, công khai và chặt chẽ, chú trọng vào việc thực hiện tôn chỉ mục đích, cấp giấy phép hoạt động; về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí; về hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên báo, tạp chí tại một số địa phương, việc cấp giấy giới thiệu để phóng viên, cộng tác viên đi tác nghiệp... Công tác phối hợp xử lý vi phạm giữa cơ quan tham mưu của Đảng với cơ quan quản lý nhà nước, giữa xử lý kỷ luật đảng với kỷ luật hành chính cần thống nhất và đồng bộ hơn, kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, vị tình, né tránh trong xử lý vi phạm.
Năm là, cần đặc biệt quan tâm đến tình trạng tư nhân “núp bóng”, lợi dụng hoạt động liên kết để chi phối nội dung, hoạt động báo chí. Tại Hội nghị báo chí năm 2019, tôi cũng đã đề cập và yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành đánh giá vấn đề này. Việt Nam không có báo chí tư nhân, đây là vấn đề có tính nguyên tắc. Các đồng chí cần quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc này nếu không sẽ dẫn đến những biểu hiện lệch lạc trong hoạt động báo chí; làm giảm hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, quản lý báo chí, thậm chí là gia tăng sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, lợi ích nhóm trong hoạt động báo chí. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng làm xuất hiện một số khuynh hướng thông tin báo chí không phù hợp tư tưởng chỉ đạo, nhiệm vụ chính trị của báo chí, hạ thấp chức năng tuyên truyền, giáo dục, định hướng của báo chí.
Sáu là, các cơ quan chủ quản báo chí cần đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, chú trọng hoàn thiện quy chế, quy trình quản lý tòa soạn, quy trình tác nghiệp của phóng viên, biên tập viên; hạn chế tối đa và ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật, lạm dụng quyền lực trong hoạt động báo chí. Cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động của cơ quan báo chí trực thuộc; quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phóng viên cũng như tạo điều kiện về cơ sở vật chất... Làm tốt công tác xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí, chính là cơ sở để xây dựng nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.
Bảy là, để nâng cao chất lượng báo chí, điều kiện đầu tiên và tiên quyết phải bắt đầu từ việc xây dựng đội ngũ người làm báo chuyên nghiệp. Báo chí là công việc đòi hỏi người làm báo phải có tư duy nhạy bén, có sự nhạy cảm và bản lĩnh chính trị vững vàng; có năng lực phân tích, đánh giá đúng và trúng những vấn đề đang diễn ra và dự báo xu hướng vận động trong đời sống xã hội; người làm báo phải nhận thức được vai trò, trách nhiệm, sứ mệnh nghề nghiệp, có khả năng thích ứng với thời cuộc, nắm bắt và làm chủ công nghệ làm báo hiện đại, tiệm cận với báo chí, truyền thông quốc tế, nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của người làm báo cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng ta cần đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, có ý thức đạo đức nghề nghiệp, ý thức phục vụ Đảng, phục vụ đất nước và Nhân dân; có dũng khí đấu tranh với cái sai, bảo vệ cái đúng; biết vượt qua cám dỗ, loại bỏ được sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham và sự giả dối, thực sự tâm huyết, công tâm, khách quan trong thực thi nhiệm vụ, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân và danh dự của cá nhân trên từng trang viết.
Năm 2021 đang đến trong từng khoảnh khắc, nhiệm vụ công tác báo chí trong thời gian tới rất nặng nề. Vinh dự của nhà báo trong thời gian tới thật lớn lao, kỳ vọng của Đảng và Nhân dân đối với báo chí thật chân thành và sâu sắc. Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan tổ chức Hội nghị, tôi gửi lời cám ơn các đồng chí đã dự Hội nghị đông đủ; cảm ơn các cơ quan báo chí, người làm báo cả nước trong suốt nhiệm kỳ qua đã nỗ lực đồng hành cùng với Đảng, Nhà nước và Nhân dân.