Bất ngờ thị trường bán lẻ Việt Nam 'phình to', tăng thêm 11 tỉ đô la
Hùng Lê
(TBKTSG Online) - Dù có đến hơn 100.000 doanh nghiệp rời thị trường, hàng chục triệu người lao động mất - giãn việc, giảm thu nhập và ngành du lịch mất hàng triệu du khách, nhiều gia đình thắt chặt chi tiêu... do bão Covid-19, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đạt doanh số kỷ lục hơn 172 tỉ đô la Mỹ, tăng thêm hơn 11 tỉ đô la so với năm 2019.
Saigon Co.op vừa đưa vào hoạt động siêu thị Co.opmart Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp nâng tổng số siêu thị của Saigon Co.op đến nay lên con số 128. Ảnh: DN cung cấp |
Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp, nhưng thị trường bán lẻ trong nước trong năm 2020 vẫn chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng. Đáng chú ý là thị trường TPHCM có mức tăng trưởng đến hai con số.
Khép lại một năm ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, TPHCM có tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn (GRDP) ước tính chỉ tăng 1,39% so với cùng kỳ năm trước và đây là lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố chưa bằng một nửa tốc độ tăng trưởng cả nước.
Mặc dù vậy, theo ông Huỳnh Văn Hùng, Cục trưởng Cục thống kê TPHCM, lĩnh vực thương mại của Thành phố vẫn là một trong những điểm sáng đáng chú ý giữa cơn bão đại dịch này khi kết quả cho thấy có mức tăng trưởng ấn tượng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khép lại năm 2019 doanh thu bán lẻ hàng hóa cả nước ước tính đạt khoảng 161,7 tỉ đô la (tăng 12,7%); đạt 142,8 tỉ đô la của năm 2018 (tăng 12,4% so với năm trước); đạt 129,56 tỉ đô la năm 2017 (tăng 10,9%); đạt 118 tỉ đô la ở năm 2016, tăng 10,2% so với năm 2015 (gần 110 tỉ đô la). |
Cụ thể tổng mức bán lẻ hàng hóa trong năm vừa qua của Thành phố đạt 759.714 tỉ đồng (tương đương 32,84 tỉ đô la), tăng đến 11,9% so với năm trước đó. Mảng bán lẻ đóng góp đến 62% doanh thu hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng của thành phố.
Kết quả tăng trưởng ấn tượng này được giới quan sát và các chuyên gia khá bất ngờ bởi nhiều tháng qua, nhất là trong 6 tháng đầu năm ảnh hưởng dịch, nhiều người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu vào các mặt hàng không thiết yếu khiến nhiều doanh nghiệp thương mại, chủ cửa hàng rơi vào khó khăn dẫn đến phải đóng cửa khắp các tuyến đường, hoặc chờ thủ tục giải thể.
Tình hình thị trường bán lẻ nhộn nhịp trở lại vào thời gian của nửa cuối năm, đáng chú ý là những tháng cuối năm khi Thành phố và nhiều doanh nghiệp có các chương trình bán hàng khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng...
Không chỉ riêng TPHCM, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới nhưng được kiểm soát tốt trong nước nên hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng vẫn đạt mức tăng cao trong những tháng cuối năm.
Và theo cơ quan thống kê, khép lại một năm nhiều khó khăn và thách thức của 2020 doanh thu bán lẻ hàng hóa cả nước ước tính đạt 3.996.900 tỉ đồng (tương đương 172,8 tỉ đô la), tăng 6,8% so với năm trước đó.
Dù mức tăng trưởng năm vừa qua không bằng mức tăng 12,7% của năm 2019, nhưng trong năm 2020 quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đã phình to thêm hơn 11 tỉ đô la.
Đây cũng là một mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh thị trường bán lẻ các nước bị sụt giảm mạnh giữa bối cảnh thế giới ứng phó đại dịch, doanh nghiệp khó khăn, bị phá sản và nhiều người lao động mất việc làm.
Thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2020 tiếp tục tăng thêm hơn 11 tỉ đô la dù bị ảnh hường nặng nề của dịch Covid-19. Ảnh: T. Thư |
Cho đến nay, con số 172,8 tỉ đô la cũng là mức cao nhất từ trước đến nay trong một năm của doanh thu thị trường bán lẻ Việt Nam. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Và nếu duy trì ở tốc độ tăng trưởng cao này thì chỉ trong 2 -3 năm nữa thị trường bán lẻ hàng hóa Việt Nam có thể cán được mốc 200 tỉ đô la.
Kết quả tăng trưởng ấn tượng về doanh thu bán lẻ trên cũng khiến giới phân tích và các chuyên gia kinh tế cũng khá bất ngờ.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, bão dịch Covid-19 đã đẩy hơn 100.000 doanh nghiệp rời thị trường; hàng chục triệu người lao động mất việc, phải giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm thu nhập; ngành du lịch mất hàng triệu khách quốc tế vốn chi nhiều cho mua sắm; nhiều gia đình cũng phải cắt giảm chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu... nhưng thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng trên là quá ngạc nhiên.
Trên thực tế, những quy định về hạn chế đi lại tại một số tỉnh thành trong thời gian nhất định nhằm phòng chống dịch bệnh Covid-19 cùng tâm lý thắt chặt chi tiêu của người dân đã tác động nặng nề đến thị trường bán lẻ. Hàng loạt mặt bằng tại những khu phố vốn rất sầm uất và cao cấp của TPHCM và Hà Nội đã treo biển cho thuê trong nhiều tháng qua.
Dù giao dịch thương mại điện tử có tăng trưởng mạnh giữa Covid-19 nhưng theo bà Phạm Chi Lan, doanh thu bán hàng qua hình thức số hóa này khó có thể bù đáp cho phần doanh số bị sụt giảm nặng nề của mô hình bán lẻ trực tiếp từ các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng và chợ truyền thống,... Bởi lẽ doanh số thương mại điện tử trong nước hiện chỉ mới chiếm một phần rất nhỏ của thị trường bán lẻ Việt Nam nói chung.
Mặt khác, trước đó, một số sàn giao dịch thương mại điện tử lớn cũng cho biết dù giao dịch trong năm bị ảnh hưởng Covid-19 tăng mạnh nhưng giá trị đơn hàng bị sụt giảm nhiều, thậm chí doanh số một số đơn vị này cũng không tăng mà còn bị sụt giảm do nhiều người tiêu dùng giảm chi tiêu những món hàng xa xỉ, sản phẩm nhiều tiền.
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, giữa tình hình khó khăn chung trên toàn thế giới này mà thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn tăng trưởng khá là điều đáng mừng nhưng nếu chỉ ra được những điểm dẫn đến tăng trưởng, phân khúc tiêu dùng, thị trường nào tăng,... thì sẽ thuyết phục hơn.
Trên thực tế thị trường bán lẻ Việt Nam trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 của 5 năm trước đó luôn có mức tăng trưởng hai con số. Cụ thể từ năm 2019 trở về trước, thị trường bán lẻ hàng hóa Việt Nam cho thấy có tốc độ tăng trên 10% và kết quả của năm sau luôn tăng cao hơn năm trước đó.
Với thị trường gần 100 triệu dân, mức thu nhập ngày càng cao, kinh tế phát triển ổn định, giới phân tích đánh giá Việt Nam là một thị trường bán lẻ hàng hóa đầy tiềm năng, và thu hút nhiều nhà bán lẻ nước ngoài vào đầu tư kinh doanh.
Xem thêm: lmth.-al-od-it-11-meht-gnat-ot-hnihp-man-teiv-el-nab-gnourt-iht-ogn-tab/892213/nv.semitnogiaseht.www