Phiên giao dịch ngày 31.12 vừa qua khép lại năm 2020 của thị trường chứng khoán với những thành quả vượt mong đợi. Chỉ số vượt mốc 1.100 điểm và cán mức 1.103,87 điểm.
Một năm cứ đầu tư… là có lãi
Có thể nói là như vậy. Trong năm 2020 vừa qua hay ít nhất từ tháng 4.2020 đến phiên giao dịch cuối năm, rất ít nhà đầu tư nào bị lỗ.
Ngay cả các nhà đầu tư tham gia thị trường từ năm 2019, sang tháng 2.2020 lỗ nặng vì chứng khoán bị ảnh hưởng dịch COVID-19 lao dốc không phanh. Tuy nhiên, từ tháng 4.2020, VN-Index có nhiều đợt tăng điểm dài, nhiều cổ phiếu tăng bình quân từ 30% trở lên, có những cổ phiếu tăng giá 50%, thậm chí 70% và hơn 100%.
Riêng điểm số, VN-Index từ mức đáy 662,26 điểm nhích lên một mạch đến ngày 31.12.2020, tổng cộng đã tăng 441,61 điểm, tương ứng mức tăng 66,7%. Mức điểm kết năm 2020 VN-Index đạt được còn cao hơn mức điểm kết năm 2019 khi dịch COVID-19 chưa xảy ra, và thậm chí cũng cao hơn mức đỉnh của thị trường vào thời điểm đầu năm 2020 trước khi lao dốc vì dịch.
Một năm cứ đầu tư chứng khoán là có lãi đã cuốn hút nhiều nhà đầu tư cá nhân trong nước tham gia nhờ đó dòng tiền vào thị trường không ngừng mạnh lên bù cho lượng tiền khối ngoại liên tục rút mạnh khỏi thị trường suốt nhiều tháng.
Theo thống kê của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, tính đến hết tháng 11 năm 2020 có gần 330.000 tài khoản chứng khoán mở mới trong đó hầu hết đến từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước là những nhà đầu tư mới. Thị trường gọi họ là các nhà đầu tư F0 vì họ hoàn toàn thiếu kiến thức, kinh nghiệm khi tham gia thị trường.
Tuy nhiên, chính các F0 lại kiếm được lợi nhuận không ít vì thời điểm họ tham gia là lúc VN-Index đang hồi phục mạnh. Họ cũng là những nhà đầu tư “tham lam” hơn là “sợ hãi” trong bối cảnh thị trường tăng kéo dài nhiều tháng, nhiều đợt. Cho đến phiên giao dịch cuối năm 2020, thị trường vẫn “đãi” người chơi mới khi tiếp tục tăng điểm dù trước đó đã có những phiên rung lắc giảm điểm.
Sống chung với “tắc đường” bao lâu nữa?
Từ sự bùng nổ số tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước trong đó hầu hết là nhà đầu tư F0 đã dẫn đến sự bùng nổ dòng tiền chảy vào thị trường.
Dòng tiền vào thị trường mạnh cuồn cuộn thay vì là tin mừng, thì ngược lại lại gieo không ít lo lắng và ngại ngần.
Bởi trong nhiều phiên nửa cuối tháng 12.2020, sau khi thanh khoản trên sàn HoSE vượt qua ngưỡng 13.000 tỉ đồng và đi vào vùng 14.000 tỉ đồng, các dấu hiệu quá tải của hệ thống giao dịch điện tử của HoSE lại xuất hiện. Thậm chí, nhà đầu tư và các công ty chứng khoán cho rằng vùng 14.000 tỉ đồng chính là “ngưỡng kháng cự” của HoSE.
Sau khi xảy ra tình trạng này, một biện pháp tình thế nhưng cũng cho thấy sự bối rối trong cách xử lí vấn đề phía HoSE, là tiến hành bóp thanh khoản và hạn chế tiếp nhận lệnh giao dịch, khiến cho một số phiên thanh khoản bị bóp lại từ thời điểm sau 14 giờ mỗi phiên.
Thực trạng đã được nhìn thấy là hệ thống giao dịch điện tử của HoSE thường có dấu hiệu quá tải khi thanh khoảng bước vào vùng 14.000 tỉ đồng và vượt qua ngưỡng này. Thị trường chứng khoán “tắc đường” là một vấn đề rất mới nảy sinh sau một năm bùng nổ với nhiều kỉ lục từ tốc độ và mức độ thị trường hồi phục, sự gia tăng mạnh mẽ của số tài khoản F0 cho đến thanh khoản.
Tính chung cả năm và phiên cuối năm, VN-Index đã có một kết thúc vui vẻ - happy ending. Nhưng trước tình trạng “tắc đường” thì nhà đầu tư khó mà có thể vui vẻ cho được.
Xem thêm: odl.741768-gnoud-cat-iov-gnuhc-gnos-av-gnidne-yppah-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.gnodoal