Cạnh tranh và xung đột
Đại dịch COVID-19 bùng phát từ cuối năm 2019 tới nay vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu và không ai có thể khẳng định được chắc chắn khi nào sẽ kết thúc.
Theo nhận định của A.Ylnhitskij, cố vấn cấp cao Bộ Quốc phòng và là thành viên Hội đồng chính sách đối ngoại và quốc phòng Nga, đại dịch COVID-19 thúc đẩy thế giới chuyển sang kỷ nguyên cạnh tranh và xung đột địa-chính trị mới kéo dài trong vài thập kỷ.
Trong đó sẽ diễn ra cuộc chiến tranh phức hợp giữa các cường quốc trong điều kiện thế giới phải trải qua nhiều cú sốc có phạm vi toàn cầu như khủng hoảng kinh tế, chiến tranh, tấn công mạng quy mô lớn, dịch bệnh và thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu. Kỷ nguyên này sẽ kéo dài ít nhất trong thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI.
Cũng theo nhận định của ông A.Ylnhitskij, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sắp tới sẽ mạnh hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng năm 2008, cũng như sự đứt gãy chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra trong năm 2020.
Cuộc khủng hoảng này sẽ gây ra những biến động kinh tế-xã hội và chính trị-an ninh ở hầu hết các quốc gia với sức tàn phá tỷ lệ nghịch với chất lượng quản lý của nhà nước, các biện pháp chính trị-an ninh được áp dụng để duy trì sự phát triển bền vững trong một thế giới thay đổi nhanh đến chóng mặt.
Theo giới phân tích, COVID-19 cũng thay đổi nhận thức của thế giới về phương thức chiến tranh hiện đại. Virus SARS-CoV-2 chứng tỏ rằng vũ khí sinh học có tác động hiệu quả hơn cả vũ khí hạt nhân. Tỷ phú Bill Gates và là chủ nhân Tập đoàn Microsoft nhận định: “Chiến tranh thế giới thứ ba sẽ không như những gì chúng ta từng chứng kiến trong thế kỷ XX. Sẽ không có các tập đoàn quân đội khổng lồ được trang bị vũ khí hiện đại hoặc các cuộc tấn công ồ ạt bằng tên lửa.
Cuộc chiến sẽ diễn ra bí mật bằng vũ khí sinh học”. Rõ ràng, đã đến lúc nhân loại phải nhìn thẳng vào hiện trạng và đánh giá đại dịch này một cách tỉnh táo rằng, chiến tranh thế giới thứ ba, nếu xảy ra, có thể sẽ được tiến hành bằng vũ khí sinh học.
Phát biểu tại Diễn đàn chính trị-an ninh quốc tế Valdai được tổ chức ngày 22-10-2020, Tổng thống Nga V.Putin nhấn mạnh rằng, thế giới cần phải tư duy và nhận thức thật sự sâu sắc về cách thức mà COVID-19 đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến hiện tại và tương lai của toàn nhân loại, nhắc nhở toàn nhân loại về sự mong manh của kiếp người.
Thật khó tưởng tượng được, trong thế kỷ XXI, với trình công nghệ tiên tiến mà nhân loại đã đạt được, ngay cả ở những quốc gia giàu có và thịnh vượng nhất, con người vẫn hoàn toàn mất khả năng tự vệ trước một căn bệnh truyền nhiễm như COVID-19.
Đại dịch này chứng tỏ, không phải trình độ phát triển của khoa học y tế với những thành tựu tuyệt vời có thể giúp thế giới thoát được dịch bệnh. Hóa ra, điều có ý nghĩa quyết định để ngăn chặn dịch bệnh lại là cách tổ chức, ý thức công dân, khả năng tiếp cận hệ thống y tế công cộng, tinh thần giúp đỡ và tương trợ lẫn nhau, tinh thần phục vụ và hy sinh để đoàn kết mọi người, tính kỷ luật tự giác và trung thực của các cơ quan chức năng...
Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 còn chứng tỏ, chỉ bộ máy nhà nước có hệ thống an ninh mạnh được quản lý thống nhất mới có thể hành động hiệu quả trong tình huống khủng hoảng.
COVID-19 tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống của người dân cũng như kinh tế toàn thế giới. |
Hồi chuông về trật tự thế giới
Đại dịch COVID-19 đã gióng lên hồi chuông cáo chung trật tự thế giới đơn cực hình thành sau Chiến tranh lạnh. Sau khi Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã, các nước phương Tây coi sự kiện đó là “sự cáo chung của lịch sử”, nghĩa chủ nghĩa tư bản giành chiến thắng trên phạm vi toàn thế giới và phổ biến các giá trị của họ cho phần còn lại của loài người.
Tuy nhiên, chính vào thời điểm đó, ở phương Tây cũng có quan điểm cho rằng, trật tự thế giới đơn cực do một siêu cường duy nhất lãnh đạo sau Chiến tranh lạnh chỉ là “khoảnh khắc của lịch sử”.
Đại dịch COVID-19, trong đó nước Mỹ và nhiều nước phương Tây không chỉ trở thành tâm dịch lớn nhất thế giới, mà họ còn chỉ lo nghĩ đến sự an toàn của bản thân, đã đặt dấu chấm hết “khoảnh khắc lịch sử” ấy.
Hội nghị an ninh quốc tế thường niên được tổ chức tại Munich từ ngày 14 đến ngày 16/2/2020, trong không khí bao trùm là mối lo ngại về nguy cơ cáo chung kỷ nguyên phương Tây được thể hiện ở chủ đề của báo cáo trung tâm được trình bày tại diễn đàn này là “Sự suy tàn của phương Tây” (“Westlessness”) do Mỹ đứng đầu bởi họ không thể đạt được sự đồng thuận về một chiến lược thống nhất nhằm giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu.
Cuộc bầu cử Tổng thống kịch tính, gây tranh cãi và kéo dài chưa từng có ở Mỹ là dấu hiệu rõ ràng về cuộc khủng hoảng có tính hệ thống mà quốc gia này đang lâm vào.
Ở trong nước là cuộc khủng hoảng về con đường phát triển của nước Mỹ. Ở bên ngoài là quá trình sụp đổ trật tự thế giới đơn cực mà Mỹ đang ra sức ngăn chặn.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, cách đây 15 năm, nhiều người vẫn tin, các giá trị của phương Tây là bất biến đối với thế giới, còn hiện nay tình hình đã hoàn toàn thay đổi do những chuyển dịch chính trị-an ninh trên phạm vi toàn cầu và sự trỗi dậy của Nga và Trung Quốc.
Từ đó, ông Emmanuel Macron kêu gọi hai cường quốc chủ chốt của châu Âu là Pháp và Đức cần phối hợp cùng nhau để tìm câu trả lời cho những vấn đề của thế giới trong 20-30 năm tới, nếu không sẽ phạm "sai lầm lịch sử". Vì thế, Pháp và Đức ủng hộ chủ trương thành lập một liên minh an ninh và quân sự của châu Âu để tự vệ, chứ không thể chỉ dựa vào NATO đang ở trong trạng thái "chết não".
Đại dịch COVID-19 thêm một lần nữa chứng tỏ thế giới hôm nay đang đứng trước nhiều nguy cơ an ninh mang tính toàn cầu như môi trường sinh thái xuống cấp nghiêm trọng, cuộc chạy đua vũ trang không thể kìm hãm, an ninh không gian mạng bị đe dọa, chủ nghĩa khủng bố “lên ngôi”.
Đó là những vấn đề mà nếu chỉ có sự nỗ lực của một số các quốc gia riêng lẻ, dù đó là các quốc gia lớn mạnh nhất, cũng không thể giải quyết được, mà cần có nỗ lực chung của tất cả các quốc gia trên phạm vi toàn cầu. Trong khi đó, Mỹ đã đơn phương rút khỏi tất cả các hiệp ước liên quan tới hủy bỏ hoặc hạn chế vũ khí tấn công chiến lược, đẩy thế giới vào vòng xoáy chạy đua vũ trang mới.
Kỷ nguyên mới?
Đại dịch COVID-19 còn mở ra kỷ nguyên mới của chủ nghĩa tư bản. Trong một báo cáo nghiên cứu dự báo tương lai của thế giới sau đại dịch COVID-19 với tiêu đề “COVID-19: Tái cấu trúc vĩ đại” (“The Great Reset”) được công bố trong tháng 6/2020, Giáo sư Klaus Schwab-Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới nhận định rằng, COVID-19 đánh dấu bước ngoặt của lịch sử loài người và phân chia thế giới thành hai kỷ nguyên: Kỷ nguyên trước và hậu COVID-19.
Theo Giáo sư Klaus Schwab, kỷ nguyên hậu COVID-19 có 6 đặc điểm. Đó là: (i) chủ nghĩa tư bản thế giới sẽ thay đổi căn bản và chuyển từ mô hình chủ nghĩa tư bản cổ phần đang được áp dụng phổ biến hiện nay trên toàn thế giới sang mô hình chủ nghĩa tư bản có trách nhiệm xã hội, trong đó các công ty sẽ không còn đơn thuần chạy theo lợi nhuận, mà còn có trách nhiệm xóa đói giảm nghèo, chống tham nhũng, chống ô nhiễm môi trường; (ii) sẽ không còn ranh giới giữa người giàu và người nghèo; (iii) nền kinh tế tương lai sẽ là kinh tế tiêu dùng, kinh tế chia sẻ, kinh tế tham gia, trong đó con người sẽ không còn sử dụng tiền mặt mà là tiền số; (iv) thế giới sẽ chuyển sang nền kinh tế xanh, không gây ô nhiễm môi trường; (v) robot sẽ được sử dụng phổ cập trong tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội; (vi) trong lĩnh vực y tế sẽ áp dụng phổ cập căn cước sức khỏe của công dân.
Cùng chung với dự báo của Giáo sư Klaus Schwab, Báo cáo trung tâm của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2020 (WEF-2020) được tổ chức từ ngày 21 đến ngày 24/1/2020 tại Davos (Thụy Sĩ) cũng đưa ra nhận định: “Chủ nghĩa tư bản thế giới đang đứng trước bước ngoặt lịch sử và đã đến lúc phải đổi mới mô hình phát triển”. Hiện nay, trên thế giới đang vận hành ba mô hình chủ nghĩa tư bản.
Đó là mô hình chủ nghĩa tư bản cổ đông đang được hầu hết các công ty và tập đoàn phương Tây áp dụng; mô hình chủ nghĩa tư bản nhà nước đang được áp dụng ở một số nước châu Á và mô hình chủ nghĩa tư bản có trách nhiệm xã hội, trong đó các công ty tư nhân tự coi mình là người được xã hội ủy thác và các hoạt động của họ không chỉ nhằm thu được lợi nhuận cao, mà còn có trách nhiệm khắc phục những hậu quả tiêu cực đối với xã hội và môi trường.
Ngày nay, chủ nghĩa tư bản cổ đông đang dần được thay thế bởi chủ nghĩa tư bản có trách nhiệm xã hội. Để thúc đẩy xu hướng này, WEF-2020 đã thông qua Tuyên ngôn, trong đó xác định mục tiêu tổng quát của các công ty trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo nhận định của Timophei Bordachev - Giám đốc khoa học của Trung tâm Nghiên cứu chính trị quốc tế và châu Âu, trong các thời kỳ quá độ giữa các trật tự thế giới từng diễn ra trong lịch sử, thường xảy ra các cuộc chiến tranh lớn. Trong thời kỳ quá độ chuyển từ trật tự thế giới sau Chiến tranh lạnh hướng tới trật tự thế giới mới, đại dịch COVID-19 có tác động lớn hơn cả một cuộc thế chiến.
Henry Kissinger-nguyên cố vấn an ninh quốc gia và là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ dự báo: “Thế giới sẽ thay đổi hoàn toàn và mãi mãi sau đại dịch COVID-19 và Mỹ sẽ phải chuẩn bị kế hoạch hành động trong một kỷ nguyên mới”.