Học sinh Trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng học trong “phòng học danh nhân” mang tên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh - Ảnh: VĨNH HÀ
Không còn là những phòng học thông thường, tiết học thông thường nữa, không gian học của học sinh ở nhiều trường THPT giờ đây đầy cảm xúc, sinh động và hấp dẫn.
“Việc sưu tầm, tìm hiểu tư liệu về các danh nhân giúp học sinh có hiểu biết sâu hơn về kiến thức văn học, nghệ thuật, lịch sử dân tộc. Một số danh nhân được chọn đưa vào các phòng học danh nhân có tác phẩm mà học sinh được học trong nhà trường nên khi tìm hiểu về họ ngoài cuộc sống thực tế, các em thấy thú vị.
Cô Cao Tố Nga
Truyền cảm xúc, động lực tích cực
"Chúng tôi muốn bắt đầu từ chính các cựu học sinh của trường, những nhà hoạt động cách mạng, các chính trị gia có tên tuổi hay các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ...
Thiết kế các phòng học danh nhân một phần để học sinh hiểu về truyền thống của trường, nhưng cũng là cách truyền cảm xúc, truyền động lực tích cực cho học sinh khi các em được chủ động tìm hiểu và hằng ngày học tập trong không gian mang dấu ấn của các danh nhân" - cô Cao Tố Nga, hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, chia sẻ.
Tới thời điểm này Trường Ngô Quyền đã có 16 "phòng học danh nhân". Cô Nga cho biết dự kiến sẽ triển khai tiếp ở tất cả các phòng học của trường.
Các phòng học được gắn biển tên ngoài cửa: "Phòng học danh nhân Nguyễn Văn Linh", "Phòng học danh nhân Văn Cao"... Các phòng học mang tên danh nhân nào sẽ được bài trí hình ảnh, tư liệu, kỷ vật, bút tích của danh nhân đó do học sinh tự sưu tập, trình bày và thiết kế.
"Chúng em tiếp quản từ các anh chị lớp trước và có bàn bạc để bổ sung tư liệu và thiết kế mới theo cách chúng em thống nhất, có tham khảo ý kiến cô giáo" - một học sinh ở phòng học danh nhân nhạc sĩ Văn Cao cho biết. Theo học sinh này, sau khi thống nhất, học sinh sẽ phân công nhau tìm kiếm, sưu tầm hình ảnh, bản chụp các bản nhạc viết tay, bút tích của nhạc sĩ...
Học sinh thảo luận về ý tưởng trưng bày hiện vật trong “phòng học danh nhân” mang tên nhà giáo Hoàng Ngọc Phách - Ảnh: VĨNH HÀ
Học trong "không gian cảm xúc"
Cô Cao Tố Nga cho biết thêm bên cạnh "phòng học danh nhân", rồi đây có thể có các "phòng học tiến sĩ", thậm chí "phòng học doanh nhân"... Những nhân vật được chọn ở nhiều lĩnh vực khác nhau, có những cống hiến khác nhau nhưng điểm chung đều khơi dậy niềm tự hào, lan tỏa đến học sinh những suy nghĩ, tình cảm tích cực và đều do học sinh tự thực hiện với sự tư vấn của thầy, cô giáo.
Theo cô Nga, học sinh cuối cấp phổ thông cần bồi đắp những tình cảm, mơ ước đẹp đẽ từ truyền thống. Vì thế không chỉ các danh nhân trong lịch sử xa xưa, không chỉ các danh nhân ở lĩnh vực văn học nghệ thuật mà những người đương thời, các doanh nhân giỏi mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho đất nước cũng có thể là những người truyền cảm hứng.
"Tôi quan niệm không chỉ giáo dục học sinh bằng những bài học trong sách mà việc tạo ra các không gian văn hóa, cảm xúc cũng là các bài học gián tiếp tác động đến các em" - cô Nga nói.
Góc trưng bày hình ảnh, tư liệu về nhạc sĩ Văn Cao trong “phòng học danh nhân Văn Cao” ở Trường THPT Ngô Quyền - Ảnh: VĨNH HÀ
Nhiều chất liệu
Không chỉ sưu tầm hiện vật, học sinh trong các phòng học danh nhân phải nghiên cứu để biết giá trị đặc trưng tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, vị trí của họ trong lịch sử văn học Việt Nam, hay những đóng góp của các vị tướng, chính trị gia, các câu nói nổi tiếng thể hiện quan điểm chỉ đạo của họ...
Những bài học bên ngoài sách giáo khoa
Em Đặng Hà Khoa, học sinh Trường phổ thông liên cấp Wellspring (Hà Nội), đóng vai nhà nghiên cứu trong workshop về nhà thơ Tố Hữu do học sinh lớp 12 của trường này tổ chức - Ảnh: T.THỦY
Nếu học sinh Hải Phòng có sáng kiến làm "phòng học danh nhân" thì học sinh Hà Nội lại cùng với thầy cô của mình thực hiện hình thức học đặc biệt, kết hợp giữa tọa đàm, đóng vai, thuyết trình, triển lãm...
Một workshop về thơ Tố Hữu vừa được học sinh Trường Wellspring (Hà Nội) thực hiện mở ra một cách học văn học Việt Nam mới, lôi cuốn học sinh, khơi dậy những cảm xúc mà bình thường nếu chỉ tiếp cận tác phẩm trong khuôn khổ tiết học sẽ khó cảm nhận.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu, tập thể lớp 12AD Trường Wellspring đã tổ chức buổi workshop "Dệt thơ trên những trang sử vàng".
Cô Lê Thị Hải Yến - giáo viên ngữ văn THPT Wellspring - cho biết: "Workshop được tổ chức với hình thức tọa đàm văn học, kết hợp thuyết trình, triển lãm... giúp học sinh ghi nhớ được những thông tin về cuộc đời, con đường cách mạng, con đường thơ, phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu".
Trong sự kiện do chính các học sinh thực hiện, học sinh được đóng vai. Đặng Hà Khoa, học sinh trong vai nhà nghiên cứu văn học, đã có những phân tích sâu sắc về giá trị thơ ca Tố Hữu, vị trí của nhà thơ trong nền thơ ca cách mạng. Hà Khoa diễn đạt rất tự nhiên và đọc thuộc khá nhiều thơ của nhà thơ Tố Hữu.
Còn học sinh Ngô Hà Anh, thủ vai Minh Hồng - con gái nhà thơ Tố Hữu, thì chia sẻ vô vàn thông tin thú vị về cuộc sống đời thường, lối sống đẹp của tác giả với tư cách là một người chồng, người cha trong gia đình.
Theo cô Lê Thị Hải Yến, với tiết học sáng tạo như vậy học sinh không chỉ cảm nhận giá trị tác phẩm văn học tốt hơn mà còn rèn luyện các năng lực nghiên cứu, khai thác nguồn học liệu khác nhau, khả năng thuyết trình, thiết kế, tổ chức sự kiện, đọc diễn cảm, biểu diễn nghệ thuật...
"Để chuẩn bị cho tiết học này, giáo viên đã có thời gian cùng làm việc với học sinh, phân công nhiệm vụ học tập cho các nhóm. Học sinh là người hoàn toàn chủ động trong việc sử dụng các công cụ tìm kiếm thông tin tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp thơ ca của tác giả, xây dựng kịch bản, lên ý tưởng cho bài thuyết trình, làm poster, in ấn và chuẩn bị cơ sở vật chất cho buổi học. Toàn bộ quá trình chuẩn bị và thực hiện chỉ diễn ra trong vòng một tuần" - cô Hải Yến chia sẻ.
TTO - Bạn Nguyễn Thành Nam - cựu sinh viên khoa mỹ thuật công nghiệp Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) - đã thiết kế bộ trò chơi “Thủy chiến Bạch Đằng” để giúp học sinh học lịch sử.