WHO đã thông qua quyết định này vào ngày 31/12, khi cả thế giới chuẩn bị kết thúc năm 2020, chào đón năm mới 2021. Quy trình danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) của WHO đối với vaccine do Pfizer/BioNtech bào chế sẽ cho phép các nước đẩy nhanh việc phê chuẩn, cấp phép sử dụng vaccine, tạo điều kiện để Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế liên châu Mỹ mua và phân phối vaccine.
Tiến sĩ Mariangela Simão, trợ lý Tổng Giám đốc WHO chuyên trách mảng thuốc và y tế khẳng định đây là bước tiến tích cực giúp thế giới tiếp cận được vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng cần có thêm nỗ lực toàn cầu để có được nguồn cung ứng vaccine dồi dào, đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng trên thế giới, trước mắt là cho những nhóm đối tượng ưu tiên.
Theo tiến sĩ Simão, tới đây, WHO sẽ làm việc liên tục để đánh giá, thẩm định các loại vaccine khác về độ an toàn, hiệu quả. Còn các công ty dược chuyên nghiên cứu, phát triển vaccine ngừa COVID-19 cần đẩy nhanh việc rà soát, đánh giá.
Tháng 10 vừa qua, vaccine Sputnik-V của Nga là mẫu đầu tiên được gửi tới WHO để xin chứng nhận EUL vào tháng 10. Tuy nhiên, quy trình cấp phép với vaccine Sputnik-V vẫn đang bị treo. Vaccine Pfizer là mẫu đầu tiên được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Mỹ vào hôm 11/12, một tuần sau đến lượt vaccine của Moderna.