vĐồng tin tức tài chính 365

Khi Phú Quốc lên thành phố: Làng chài năm nao đã thành… Công chúa

2021-01-01 16:40

Làng chài năm nao đã thành… Công chúa

Thực ra việc đưa Phú Quốc lên thành phố là bước đi khá thận trọng của Chính phủ, là bước đi sáng suốt trong bối cảnh một số người “quá lo lắng” về đặc khu. Việc Phú Quốc lên thành phố là tất yếu, bởi chiếc áo “chính quyền nông thôn” huyện đảo hiện quá chật so với sức sống của một đô thị hiện đại đã hình thành.

Với tiềm năng khổng lồ hòn Ngọc trên biển Tây Nam của Tổ quốc này luôn tạo sức hút giới đầu tư trong và ngoài nước. Theo đánh giá của các chuyên gia, với diện tích gần 600 km2 (tương đương với quốc đảo Singapore), nhưng lợi thế thì Phú Quốc lại vượt trội, có thể phát triển thành một trung tâm tài chính khu vực. Từ Phú Quốc đi các thành phố lớn trong khu vực Đông Nam Á không quá 2 giờ bay. Đảo Ngọc có đến 2 dòng sông nước ngọt, có tới 150 km bờ biển và gần 30 ngàn ha rừng thuộc Vườn Quốc gia. Với khí hậu mát mẻ quanh năm, thiên nhiên ban tặng cho hòn đảo này nhiều bãi biển đẹp, cảnh đẹp như: Bãi Trường, Bãi Thơm, Bãi Dài, suối Đá Bàn, quần đảo An Thới, mũi Gành Dầu… là thiên đường cho du lịch nghỉ dưỡng.

Cơ sở hạ tầng trên đảo, về cơ bản đã khá hoàn thiện với các trục đường vòng quanh đảo, trục Bắc - Nam đảo và các đường xương cá; sân bay quốc tế rộng gần 1.000 ha, đạt tiêu chuẩn cho Boeing 777, 747-400 và tương đương, khả năng tiếp nhận từ 3-4 triệu hành khách mỗi năm; hàng loạt tàu cao tốc, phà cao tốc của các công ty ra đời đáp ứng cho gần 10 ngàn lượt du khách ra vào đảo mỗi ngày. Ngoài đường điện ngầm 110 kV kéo từ đất liền ra đảo, điện lực Việt Nam hiện đang gấp rút thi công đường dây 220 kV ra đảo...

Với “thiên thời, địa lợi” nói trên, cộng với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi Phú Quốc thu hút hàng trăm các nhà đầu tư lớn. Con số hơn 16 tỷ USD (377 ngàn tỷ đồng) được tung vào Phú Quốc trong thời gian khoảng 10 năm qua cho thấy sức nóng “khủng khiếp” của đảo Ngọc. Hầu hết các tập đoàn lớn của Việt Nam đã có mặt trên đảo. Dòng vốn đầu tư từ bên ngoài cũng đã rót vào Phú Quốc với 22 dự án FDI, tổng vốn 282 triệu USD.

Chính các nhà đầu tư đã làm thay đổi nhanh chóng diện mạo của Phú Quốc. Nhiều khu vui chơi mang tầm cỡ quốc tế như khu nghỉ dưỡng của Vinpearl, khu safari, công viên nước, công viên chuyên đề, hệ thống cáp treo trên biển, lặng ngắm san hô... buổi tối còn có các hoạt động chợ đêm, câu mực... Thu ngân sách của Phú Quốc năm qua đạt hơn 4 ngàn tỷ, chiếm gần một nửa tổng thu của tỉnh Kiên Giang. Từ một làng chài hoang sơ, sống tự cấp tự túc vài thập niên trước, nay “cô bé lọ lem ấy” đã hóa thân thành… Công chúa.

Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực

Ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch UBND huyện đảo nói với Tiền Phong: Phú Quốc trở thành thành phố là khát vọng của người dân, chính quyền ở địa phương bấy lâu nay, đặc biệt là giới đầu tư. Chúng tôi cũng rất tự hào khi mình là huyện đảo đầu tiên trong 12 huyện đảo của cả nước trở thành thành phố. Khi Phú Quốc lên thành phố ngoài việc thúc đẩy kinh kế, xã hội, du lịch, dịch vụ, nó còn thể hiện chủ quyền quốc gia về biển đảo, đồng thời còn có sự cạnh tranh về du lịch, dịch vụ với các nước trong khu vực...

Hiện nay hệ thống nước thải trong cộng đồng dân cư chưa được xử lý mà thải thẳng ra sông, ra biển làm ô nhiễm môi trường nước. Địa phương cũng đang đề nghị tỉnh tìm nguồn vốn vay của ngân hàng thế giới hỗ trợ, tài trợ hệ thống xử lí, đặc biệt là ở hai đô thị lớn Dương Đông và An Thới.

Một vấn đề nữa là nước sinh hoạt ở Phú Quốc hiện nay còn gặp khó khăn. Mặc dù hồ nước Dương Đông đang được nâng cấp, tuy nhiên công suất hiện nay chỉ đạt 21.000m3/ ngàn đêm, dự kiến đầu tư cho năm tới đạt 30.000m2 ngày đêm nhưng chỉ đáp ứng một phần của thị trấn Dương Đông, An Thới và khu vực Bãi Trường và một số nơi lân cận. Còn một số nơi khác như Bãi Thơm, Gành Dầu, Cửa Cạn, Hàm Ninh... chưa có hệ thống nước sinh hoạt và đang chờ vốn đầu tư. Tình hình sốt đất trong những năm qua, đã dẫn đến nạn bao lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nhà nước quản lý diễn ra khá phức tạp, cần phải nhanh chóng lập lại trật tự.

Về những công việc cần làm trước mắt khi Phú Quốc chuyển sang thành phố, theo ông Hưng: Ưu tiên trước mắt là củng cố tổ chức lại bộ máy chính quyền đô thị, ưu tiên phát triển nguồn lực, chỉnh trang đô thị bao gồm vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng, công viên... hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội phải được đảm bảo và ưu tiên. Đặc biệt vấn đề xử lý rác thải và nước thải. Bên cạnh đó là thực hiện quy hoạch của Phú Quốc, trong đó tập trung quy hoạch khu dân cư, khu đô thị, khu du lịch... Việc nâng Phú Quốc lên thành phố cũng cần có kế hoạch tăng cường quảng bá hình ảnh nhằm thu hút du khách đến đảo Ngọc ngày càng nhiều hơn.

Phải sánh ngang với Phuket, Bali

Ông Đặng Đức Giới, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản Đặc Khu (DK Land) nhận xét: Thị trường bất động sản (BĐS) Phú Quốc đã trầm lắng mấy năm qua, kể từ  khi Quốc hội tạm dừng thông qua Luật Đặc Khu năm 2018. Tuy nhiên, sự trầm lắng đó không có nghĩa là toàn bộ thị trường mà chỉ một số phân khúc bị ảnh hưởng, đối với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn giao dịch và thu hút tốt. Có chăng, thị trường chững lại ở các phân khúc đất công, đất có diện tích lớn và đất nền, đất phân lô.

Đất nền tại Phú Quốc đang trong tình trạng bị "bội thực" vì nguồn cung quá nhiều mà nhu cầu thực lại quá ít, có chăng đây chỉ là một kênh đầu tư dành cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, sự phân lô tự phát, thiếu quy hoạch đồng bộ đã đặt ra một vấn đề lớn, một thách thức lớn cho công tác quản lý nhà nước về sau. Ví dụ như phân lô trên đất không phù hợp quy hoạch, đường giao thông nhỏ (3m - 5m) gây khó khăn cho dân cư, không có hệ thống cấp thoát nước, điện lưới và phòng cháy chữa cháy. Với tốc độ di dân từ các vùng ra Phú Quốc như hiện nay, nhu cầu đất nền vẫn rất nóng. Tuy nhiên, đó là những khu phân lô phù hợp quy hoạch, chuẩn mực về pháp lý, hạ tầng.

Vấn đề hiện nay là công tác quản lý nhà nước phải làm sao để đảm bảo giá trị thực của bất động sản, qua đó giúp người dân có cơ hội sở hữu một lô đất với giá hợp lý. Do đó, những dự án được phê duyệt, quy hoạch ổn định, pháp lý rõ ràng và đầu tư bài bản sẽ là điểm cộng thu hút các nhà đầu tư trong cuối năm nay. Khi lên thành phố, Phú Quốc sẽ được cởi bỏ rất nhiều nút thắt trong cơ chế quản lý và thể chế là chuyển từ bộ máy chính quyền nông thôn sang chính quyền đô thị, được tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là sẽ có nhiều chính sách ưu đãi kích cầu đầu tư sẽ thúc đẩy đảo Ngọc ngày càng phát triển nhanh và bền vững. Qua đó, ngày càng cải thiện cuộc sống, thu nhập cho người dân và xây dựng. Chúng tôi kỳ vọng Phú Quốc sẽ trở thành thành phố du lịch biển đảo đặc sắc và sánh ngang với các điểm du lịch trong khu vực như Phuket (Thái Lan), Bali (Indonesia).

Khi Phú Quốc lên thành phố: Làng chài năm nao đã thành… Công chúa  - Ảnh 1.
Một góc biển thị trấn An Thới, Phú Quốc
Khi Phú Quốc lên thành phố: Làng chài năm nao đã thành… Công chúa  - Ảnh 2.
Một góc biển Bãi Trường, Phú Quốc Ảnh: Hồng Lĩnh

Bên cạnh những thuận lợi, cũng còn nhiều khó khăn, còn rất nhiều việc phải làm khi Phú Quốc trở thành thành phố, đó là tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật bao gồm: giao thông nội đảo, giao thông các tuyến du lịch, trung tâm, tuyến nhánh, đầu tư điện, nước, xử lý rác, ô nhiễm môi trường...


Hồng Lĩnh

Tiền Phong

Xem thêm: nhc.34821615110101202-auhc-gnoc-hnaht-ad-oan-man-iahc-gnal-ohp-hnaht-nel-couq-uhp-ihk/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Khi Phú Quốc lên thành phố: Làng chài năm nao đã thành… Công chúa”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools