Số lượng dự án điện mặt trời mái nhà đã tăng "khủng" ngay trong ngày chính sách hết hiệu lực - Ảnh: NGỌC HIỂN
"Chốt sổ" với 9.296 MWp điện mặt trời mái nhà
Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích điện mặt trời tại Việt Nam của chính phủ hết hiệu lực vào ngày 31-12. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã chạy nước rút đấu nối vào lưới điện để được hưởng mức giá ưu đãi (giá FIT) điện mặt trời trên mái nhà 1.943 đồng/kWh, tương đương 8,38 cent/kWh, kéo dài trong 20 năm.
Sau thời điểm này, Chính phủ sẽ tính lại giá mua điện cũng như ban hành cơ chế mới.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết có 101.029 công trình điện mặt trời mái nhà được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới 9.296 MWp đến hết ngày 31-12.
Đáng chú ý, chỉ trong vài ngày trước khi chính sách này hết hạn, số lượng dự án đã tăng chóng mặt khi ngày 28-12, có 86.003 dự án điện mặt trời mái nhà hòa lưới với tổng công suất 5.289 MWp. Đến ngày 30-12, cả nước có 90.435 dự án điện mặt trời mái nhà hòa lưới với tổng công suất 6.354 MWp.
Tuy nhiên, chỉ riêng trong ngày 31-12, con số "chốt sổ" đã lên tới 9.296 MWp với 101.029 công trình. Tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà Việt Nam hiện nay đã gần bằng 5 lần công suất lắp đặt của nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Đến thời điểm hiện tại, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên cả nước đã đạt tới khoảng 19.400 MWp (trong đó có gần 9.300 MWp là điện mặt trời mái nhà), tương ứng khoảng 16.500 MW - chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia.
Theo số liệu thống kê, toàn bộ sản lượng điện phát từ điện mặt trời trên toàn quốc trong cả năm 2020 là 10,6 tỉ kWh (trong đó riêng điện mặt trời mái nhà là 1,15 tỉ kWh), chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng huy động nguồn toàn hệ thống điện quốc gia.
Dư điện, không mua toàn bộ điện mặt trời vào giờ thấp điểm
Theo EVN, tổng công suất điện mặt trời chiếm khoảng 25% công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống nhưng điện mặt trời phụ thuộc lớn vào thời gian nắng trong ngày. Nắng mạnh sẽ phát nhiều điện và tắt nắng sẽ không phát điện cũng bộc lộ những khó khăn, bất cập trong vận hành hệ thống điện.
Cụ thể, có thời điểm xảy ra hiện tượng thừa công suất vào giờ thấp điểm trưa, từ 10h-14h (nhất là vào các ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ) do lúc này phụ tải (nhu cầu tiêu thụ điện) xuống thấp nhưng bức xạ mặt trời lại tốt nhất trong ngày.
Vào giờ cao điểm tối (khoảng 17h30-18h30), thời điểm nhu cầu tiêu thụ điện cao nhất trong ngày nhưng khả năng đáp ứng của hàng chục nghìn MW điện mặt trời hầu như không còn.
Vì vậy, để đảm bảo cung cấp điện, hệ thống điện luôn phải duy trì sẵn sàng một số tổ máy phát điện truyền thống.
Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết bên cạnh hiện tượng chênh lệch về công suất phụ tải ở các thời điểm trong ngày, nhu cầu phụ tải giữa ngày làm việc và ngày nghỉ cũng chênh lệch khá lớn.
Trong đó, giá trị chênh lệch giữa công suất đỉnh của ngày nghỉ và ngày thường trong tuần lên tới khoảng 5.000 MW. Vào những ngày nghỉ cuối tuần, trung tâm đã phải ngừng dự phòng nhiều tổ máy nhiệt điện than và tuabin khí.
Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, tỉ trọng của các nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện ngày càng tăng và kèm theo đó là tính bất ổn định trong vận hành cũng tăng tương ứng.
Trung tâm này cho biết sẽ không thể huy động toàn bộ công suất khả dụng của nguồn điện, trong đó có cả các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời vào các giờ phụ tải thấp, các ngày nghỉ cuối tuần hoặc dịp lễ tết.
TTO - Sau thời gian phát triển “nóng”, các đại lý, các công ty lắp điện mặt trời cho biết hiện nay nguồn cung các tấm quang năng (tấm pin điện mặt trời) ở trong nước đang khan hiếm và tăng giá.
Xem thêm: mth.92880130110101202-gnuhk-gnat-iort-tam-neid-na-ud-hcas-hnihc-auc-98-uht-tuhp/nv.ertiout