Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 nhiều khả năng còn diễn biến phức tạp, triển vọng kinh tế thế giới và trong nước rất khó lường, nhiều đánh giá cho rằng, các giải pháp hỗ trợ cần được duy trì và đẩy mạnh nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua thách thức, tận dụng tốt nhất các cơ hội trong trạng thái “bình thường mới”, đồng thời tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2021.
Tập trung hiệu quả mục tiêu kép
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) Nguyễn Chí Dũng, năm 2020 được xem là một năm của những khó khăn và thách thức lớn mà tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam do phải đối mặt với sự bùng phát của dịch COVID-19. Tuy nhiên, với những giải pháp quyết liệt, đúng đắn và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép: Vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phục hồi phát triển kinh tế, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực với việc duy trì đà tăng trưởng dương.
Bước sang năm 2021 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Việt Nam đang hướng đến các mục tiêu tập trung hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển bền vững nền kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số; chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn nhằm khơi thông nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Kỳ vọng vào các giải pháp hỗ trợ
Đặt trong bối cảnh thách thức do dịch COVID-19 vẫn hiện hữu, theo TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cộng đồng doanh nghiệp đang rất kỳ vọng và đón các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ như chính sách cho vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động, giãn thời gian các khoản vay hiện tại, giảm lãi suất, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, lùi thời hạn đóng phí công đoàn, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, giảm và gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp hay gia hạn đóng thuế VAT.
Cũng theo đại diện VCCI, việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần điều chỉnh kịp thời về điều kiện áp dụng, phù hợp với thực tế cũng như cần sát với nhu cầu của doanh nghiệp.
Là một trong những cơ quan dẫn đầu trong việc nhanh chóng và sớm triển khai các giải pháp thiết thực để hỗ trợ người dân và cộng đồng doanh nghiệp ứng phó với ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng khẳng định, cơ quan ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong năm 2021 cũng như tiếp tục tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ người lao động.
Các giải pháp như chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; mở rộng tín dụng đi đối với an toàn, hiệu quả; thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân sẽ tiếp tục được NHNN thực hiện trong năm 2021.
Đáng chú ý cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, với hàng loạt biện pháp hỗ trợ được triển khai sớm và kịp thời, tính đến cuối năm 2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại nợ cho khoảng 270 nghìn khách hàng với dư nợ gần 355 nghìn tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay cho khoảng 590 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỉ đồng. Đồng thời cho vay mới với lãi suất giảm từ 0,5-2,5% so với trước dịch với doanh số cho vay khoảng gần 2,3 triệu tỉ đồng cho hơn 390 nghìn khách hàng. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã gia hạn nợ cho trên 167 nghìn khách hàng với dư nợ trên 4.000 tỉ đồng, cho vay mới đối với khoảng trên 2 triệu khách hàng với số tiền trên 72 nghìn tỉ đồng. Tổng số tiền phí các tổ chức tín dụng giảm cho khách hàng ước tính đến hết năm 2020 khoảng 1.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, NHNN cũng tích cực vận động các tổ chức quốc tế hỗ trợ kỹ thuật, viện trợ không hoàn lại để bổ sung năng lực ứng phó với đại dịch (như khoản trợ giúp kỹ thuật 6,2 triệu USD của WB và khoản 5 triệu USD của Quỹ We-fi ủy thác qua ADB để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ…).
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2020 với chủ đề “Thách thức và Cơ hội trong trạng thái bình thường mới” tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, để đồng hành và hỗ trợ tối đa cộng đồng doanh nghiệp khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, vượt qua thách thức và tận dụng tốt nhất các cơ hội trong trạng thái “bình thường mới”, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định chính trị xã hội, bình ổn kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ gắn với chính sách tài khoá và các chính sách khác.
Đồng thời, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn và cơ hội đầu tư, kinh doanh cũng như tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa bằng các biện pháp phù hợp; ưu tiên thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, chính phủ số và coi đây là khâu đột phá trong phát triển nhanh, bền vững. N.Văn
Xem thêm: odl.017668-1202-gnourt-gnat-ad-irt-yud-ed-ioh-oc-cac-tahn-tot-gnud-nat/et-hnik/nv.gnodoal