Một nhân viên y tế chuẩn bị một liều tiêm vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech tại Trung tâm y khoa Tel Aviv Sourasky, Israel ngày 31-12-2020 - Ảnh: AFP
"Đây là bước rất tích cực tiến tới việc đảm bảo cho cơ hội tiếp cận vắc xin COVID-19 của toàn thế giới", tiến sĩ Mariângela Simão - trợ lý tổng giám đốc WHO, phụ trách chương trình tiếp cận thuốc và các dịch vụ y tế của cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc - nhận định.
Ngày 5-1-2021, nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng (SAGE) của WHO sẽ nhóm họp để xây dựng những chính sách về vắc xin cũng như các khuyến nghị cụ thể của WHO về việc sử dụng sản phẩm này cho người dân.
Do yêu cầu cần bảo quản vắc xin trong điều kiện nhiệt độ siêu lạnh, từ -600C đến -900C, WHO cũng sẽ hỗ trợ các nước đánh giá tính hiệu quả, khả thi của kế hoạch phân phối vắc xin ở mỗi nước.
Giúp nước nghèo
Bất kể việc nhiều nước phát triển như Mỹ, Canada, Anh đã phê chuẩn vắc xin COVID-19 của Pfizer và BioNTech (hai liều tiêm với hiệu quả tới 95%) dùng cho tình huống khẩn cấp, quyết định trên của WHO vẫn có ý nghĩa đặc biệt.
Động thái mới nhất của WHO được đánh giá có ý nghĩa lớn trong việc tăng tốc triển khai quy mô tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên toàn thế giới. WHO cho biết sẽ phối hợp với những đối tác khu vực để mau chóng thông báo tới cơ quan quản lý y tế các nước về vắc xin COVID-19 của Pfizer và BioNTech cũng như các tác dụng đã được chứng minh của nó.
WHO lập ra quy trình Danh sách sử dụng khẩn cấp (viết tắt là EUL), nhằm giúp các nước nghèo không có đủ nguồn lực cần thiết để tiến hành thẩm định độc lập có thể nhanh chóng phê chuẩn các loại thuốc cho những bệnh mới phát sinh kiểu như COVID-19. Nếu không có những định chế tham khảo khoa học tin cậy kiểu như EUL, rất có thể quá trình triển khai những thuốc mới này sẽ bị trì hoãn.
Theo thông báo của WHO, quá trình thẩm định độc lập do cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc thực hiện đã cho thấy vắc xin COVID-19 của Pfizer và BioNTech đáp ứng được các tiêu chuẩn bắt buộc về độ an toàn và những hiệu quả của nó nhiều hơn so với các nguy cơ có thể có.
Quyết định phê chuẩn vắc xin COVID-19 dùng khẩn cấp của WHO tạo điều kiện để các nước đẩy nhanh quy trình phê chuẩn và nhập khẩu, tiêm vắc xin cho người dân. Nó cũng là cơ sở để Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế liên châu Mỹ mua vắc xin COVID-19 phân phối tới những nước đang rất cần chúng.
WHO đang đánh giá các vắc xin khác
WHO cùng với Liên minh vắcxin GAVI và Liên minh các sáng kiến sẵn sàng ứng phó đại dịch (CEPI) đang chủ trì thúc đẩy sáng kiến gọi tắt là COVAX, nhằm mua và phân phối vắc xin COVID-19 tới các nước nghèo thay vì chỉ chủ yếu dành cho các nước giàu như hiện nay.
Cho tới nay, theo Đài Channel News Asia, liên minh COVAX do WHO bảo trợ đã đạt được những thỏa thuận mua gần 2 tỉ liều vắc xin COVID-19 và những lô hàng đầu tiên sẽ được phân phối trong đầu năm 2021. COVAX cũng đã thương lượng với hai công ty Pfizer và BioNTech để mua vắc xin.
Dù vậy, do những đòi hỏi khắt khe về điều kiện bảo quản vắc xin của Pfizer và BioNTech (trong đó có việc phải trữ lạnh ở nhiệt độ -700C), việc phân phối vắc xin này ngay cả với những nước phát triển phương Tây cũng đã đặt ra nhiều thách thức, do đó với các nước đang phát triển còn hạn chế về hạ tầng y tế chắc chắn sẽ còn khó khăn hơn nữa.
WHO và các đối tác cũng đang nỗ lực ngày đêm để tiếp tục đánh giá các vắc xin khác theo những tiêu chuẩn an toàn và hiệu quả.
"Chúng tôi khuyến khích có nhiều nhà phát triển vắc xin hơn nữa tới đề nghị WHO xem xét, đánh giá. Việc có được nguồn cung vắc xin thiết yếu để phục vụ nhu cầu mọi quốc gia trên thế giới và chấm dứt đại dịch là điều vô cùng quan trọng" - bà Mariângela Simão, trợ lý tổng giám đốc WHO, phụ trách chương trình tiếp cận thuốc và các dịch vụ y tế của cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc, nói.
Việt Nam được hỗ trợ tiếp cận vắc xin
Ngày 30-7 năm nay, ban lãnh đạo Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) đã nhất trí về việc sẽ có 92 nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình, bao gồm Việt Nam, sẽ được hỗ trợ trong Cơ chế tiếp cận toàn cầu (COVAX AMC) của GAVI.
Theo thông tin trên trang web của GAVI, 92 nền kinh tế này sẽ được tạo điều kiện tiếp cận các vắc xin COVID-19 khả dụng thông qua COVAX AMC và sẽ được hỗ trợ ít nhất một phần chi phí mua vắc xin.
COVAX AMC là một phần của sáng kiến COVAX được thiết lập nhằm đảm bảo việc tiếp cận nhanh chóng, công bằng và bình đẳng với các loại vắc xin COVID-19 trên toàn thế giới.
Điều này có nghĩa, ngay cả khi vẫn tồn tại thỏa thuận riêng song phương giữa các nhà sản xuất vắc xin với các nước giàu, thông qua sáng kiến COVAX, các nước khác vẫn có cơ hội tốt hơn để tiếp cận các vắc xin đã được chứng minh có hiệu quả phòng ngừa COVID-19.
Trước đó, Úc đã cam kết ủng hộ 80 triệu AUD (61,7 triệu USD) để hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, tăng cường tiếp cận vắc xin COVID-19 thông qua COVAX AMC của GAVI.
TTO - Vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng khẩn cấp là vắc xin Comirnaty COVID-19 mRNA sản xuất chung bởi hãng Pfizer/BioNTech.
Xem thêm: mth.51771531210101202-oehgn-coun-ohc-iuv-nit-nix-cav-nauhc-ehp-ohw/nv.ertiout