Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam được duy trì ở mức độ khá cao. Giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 5,9%/năm, giai đoạn 2016 - 2019 tăng trưởng đạt 6,8%/năm. Đến năm 2020, do dịch bệnh Covid-19, tốc độ tăng trưởng ước đạt 2,91%, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 5,9%/năm.
Tính chung cả thời kỳ 2011 - 2020, tăng trưởng GDP dự kiến đạt khoảng 5,9%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Quy mô GDP tăng gấp 2,4 lần, từ 116 tỷ USD năm 2010 lên 268,4 tỷ USD vào năm 2020. GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên khoảng 2.750 USD năm 2020.
Sau 10 năm, nền kinh tế Việt Nam cũng đã giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, mở rộng tín dụng; từng bước dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cụ thể, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên 45,2% giai đoạn 2016 - 2020, tính chung 10 năm 2011 - 2020 đạt 39%.
Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 4,3%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 là 5,8%/năm. Hiệu quả đầu tư được nâng lên; hệ số ICOR giảm từ gần 6,3 giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn khoảng 6,1 giai đoạn 2016 - 2019.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân giảm từ 18,6% năm 2011 xuống ổn định ở mức khoảng 4%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Lạm phát cơ bản giảm từ 13,6% năm 2011 xuống khoảng 2,5% năm 2020.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá tăng 3,6 lần, từ 157,1 tỷ USD năm 2010 lên 517 tỷ USD năm 2019. Năm 2020 do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 đạt khoảng 527 tỷ USD, tương đương trên 190% GDP. Xuất khẩu tăng nhanh, từ 72,2 tỷ USD năm 2010 lên khoảng 267 tỷ USD năm 2020, tăng bình quân khoảng 14%/năm.
Sau 10 năm, Việt Nam cũng đã huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển được đẩy mạnh, đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh, hiệu quả được cải thiện. Vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2011 - 2020 đạt gần 15 triệu tỷ đồng (tương đương 682 tỷ USD), tăng bình quân 10,6%/năm.
Trong đó, vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ là 3,1 triệu tỷ đồng (144 tỷ USD), chiếm 20,8% tổng đầu tư xã hội, tập trung cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, nhất là giao thông, thuỷ lợi, giáo dục, y tế, nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo, an ninh, quốc phòng... tạo động lực cho phát triển và thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước.
Vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước trong nước chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng đầu tư xã hội, tăng từ 36,1% năm 2010 lên 45,7% năm 2020. Một số tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân đã tham gia đầu tư, hoàn thành nhiều công trình, dự án lớn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhiều dự án hạ tầng theo phương thức đối tác công - tư (PPP) được triển khai thực hiện, nhất là trong lĩnh vực giao thông.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh; đã thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao. Tổng số vốn đăng ký giai đoạn 2011 - 2020 đạt trên 278 tỷ USD; vốn thực hiện đạt 152,3 tỷ USD, tăng gần 6,9%/năm, chiếm 22,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Ngoài ra, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2011 đạt 0,728, đến năm 2019, con số này là 0,704. Tuy nhiên, điểm số này đã giúp Việt Nam từ một quốc gia thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình (năm 2011) chuyển sang nhóm các nước phát triển con người cao (năm 2019).
Về nhân khẩu học, qua 1 thập kỷ, Việt Nam đã có sự thay đổi nhanh chóng. Dân số của việt Nam tăng từ 88,87 triệu người năm 2011 lên đến gần 98 triệu người năm 2020. Bên cạnh đó, 70% dân số dưới 35 tuổi, cao nhất so với các quốc gia thu nhập trung bình thấp tại khu vực. Mặc dù đang ở giai đoạn dân số vàng, song, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Khép lại một thập kỷ đầy tự hào với hàng loạt thành tựu mà Việt Nam đã đạt được, cũng như khép lại năm 2020 - một năm với vô vàn thách thức, khó khăn. Bước sang thập niên thứ 3, Việt Nam đã sẵn sàng trở thành ngôi sao sáng trong nền kinh tế khu vực và toàn cầu, trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 như mục tiêu đề ra.
Hà Trần
Tổ quốc
Xem thêm: nhc.78790900220101202-ig-gnuhn-iod-yaht-man-teiv-et-hnik-nen-yk-paht-tom-uas/nv.zibefac