Với tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 tăng 2,91% so với năm trước, Việt Nam thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới. Trong bối cảnh dịch COVID-19, bão lũ ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế xã hội thì đây là thành công rất lớn.
Thành công lớn trong "bão giông", khủng hoảng
Năm 2020, GDP của Việt Nam tăng 2,91%. Tuy là mức tăng thấp nhất trong thập kỷ qua nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đây là thành công rất lớn, thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới.
Theo Tổng cục Thống kê, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,98%, còn khu vực dịch vụ tăng 2,34%. Còn xuất nhập khẩu được đánh giá là điểm sáng, với tổng kim ngạch năm nay ước tính đạt 543,9 tỉ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỉ USD, tăng 6,5%, còn nhập khẩu 262,4 tỉ USD, tăng 3,6%.
Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 19,1 tỉ USD, mức cao nhất trong 5 năm xuất siêu kể từ năm 2016. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước đạt 117,9 triệu đồng mỗi lao động, tương đương 5.081USD và tăng 290USD so với năm 2019.
Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Văn Thân - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - cho biết, để có được kết quả này là nhờ chiến dịch dập dịch của Việt Nam (cả lần thứ nhất và lần thứ hai) rất thành công, số người tử vong do dịch rất ít so với mức độ nguy hiểm. Từ đó, Việt Nam có thể thực hiện được mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội.
"Khi thực hiện chính sách này, các doanh nghiệp và những hộ kinh doanh vẫn làm ăn được, vẫn trả được tiền thuê cửa hàng và "nuôi" công nhân. Chúng ta đã làm được việc đó, cho nên đến giờ phút này, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, đồng thời không phát sinh những hệ luỵ và tệ nạn xã hội" - ông Thân nhận định.
Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE) - cho Lao Động biết đánh giá của mình: Lý do khiến GDP Việt Nam tăng 2,91% là nhờ khả năng chống chịu của cả khu vực trong nước và xuất khẩu.
"Chúng ta không chỉ kiềm chế được đại dịch bằng các biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả, Chính phủ còn sử dụng chính sách tài khóa và tiền tệ, để tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư nhân và thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế" - ông Toàn nói.
"Khi đại dịch xảy ra, Chính phủ lập tức có gói cứu trợ 62.000 tỉ đồng, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Gói hỗ trợ này, dù triển khai còn chậm do vướng mắc về một số tiêu chí, nhưng đó là định hướng, là động lực giúp các doanh nghiệp sớm ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn, tạo ra những đơn hàng xuất khẩu, nhất là xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu" - ông Toàn bình luận.
Còn theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) - một trong những động lực để tăng trưởng kinh tế trong năm qua chính là xuất khẩu.
"Trong năm 2020, hoạt động xuất nhập khẩu là điểm sáng của nền kinh tế. Điều này phản ánh năng lực sản xuất trong nước tăng trưởng cao, môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh được tạo thuận lợi và phản ánh kết quả tích cực của công tác hội nhập kinh tế quốc tế" - ông Hải nói.
Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, mặc dù bối cảnh quốc tế trong năm qua không thuận lợi cho thương mại quốc tế, khi kinh tế thế giới chứng kiến những biến động phức tạp, khó đoán định từ đại dịch COVID-19, xung đột thương mại Mỹ-Trung, Anh rời EU, đến các biến động về quan hệ kinh tế - chính trị giữa các nền kinh tế lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU.
Ngoài ra, nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu thấp, các nước có xu hướng quay lại tập trung vào thị trường nội địa, tăng cường sử dụng các biện pháp bảo hộ thương mại, giá xuất khẩu nông sản không còn là yếu tố thuận lợi tác động đến tăng trưởng xuất khẩu.
Đáng chú ý nhất, trong tháng 11, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 546 triệu USD. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chính thức vượt mốc 500 tỉ USD. Tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2015-2019 đạt trung bình 12%/năm, cao hơn mục tiêu 10% đề ra tại Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2011-2015.
Việt Nam cần làm gì để duy trì đà phát triển
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay, việc khống chế thành công dịch bệnh và lấy lại đà tăng trưởng kinh tế cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng, sự nỗ lực, cố gắng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế xã hội.
Bước sang năm 2021, theo bà Hương, các ngành, các cấp và các địa phương phải nhận thức đúng và đủ những khó khăn, thách thức trên chặng đường phía trước để kịp thời có giải pháp khắc phục, đồng thời chủ động tận dụng cơ hội nhằm thực hiện tốt nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tạo đà phát triển mạnh cho những năm tiếp theo.
Theo đó, cùng với việc giữ ổn định môi trường phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn, thuận lợi cho đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhằm tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng, cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau, như tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời.
Ban hành và thực thi các giải pháp mang tính đột phá, tạo áp lực để các tổ chức kinh tế tiếp cận, ứng dụng công nghệ, từng bước nâng cao năng lực đổi mới. Chú trọng phát triển thị trường trong nước, chủ động kết nối, phát triển các kênh phân phối sản phẩm hàng hóa của Việt Nam.
TS Nguyễn Minh Phong - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội - cho biết, bước sang năm 2021, Việt Nam cần có cơ chế, giải pháp chính sách mạnh mẽ, quyết liệt hơn để tạo sức bật cho cả nền kinh tế, kích thích cả ba động lực tăng trưởng chủ yếu: Đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng để phấn đấu đạt mức cao nhất...
Xem thêm: odl.757668-oab-gnoig-gnort-coud-oc-togn-iart/et-hnik/nv.gnodoal