Nhà nhân học Claude Lévi-Strauss từng mở đầu danh tác Nhiệt đới buồn (Tristes Tropiques) bằng hai câu văn nổi tiếng, được nhiều người dẫn lại khi muốn phê phán sự tầm thường của những cuộc du hành thoáng qua: “Tôi vốn ghét các chuyến viễn du và những nhà thám hiểm. Vậy mà giờ đây tôi lại đang chuẩn bị kể lại các chuyến viễn du của mình”.
Cuốn sách Bieguni, những người không ngừng chuyển động của nhà văn Ba Lan Olga Tokarczuk (Nobel văn chương 2018, Nguyễn Văn Thái dịch, NXB Phụ Nữ Việt Nam) gợi nhắc cái phi lý nội tại của việc thuật lại trải nghiệm về các chuyến đi.
Và cũng báo trước rằng đây sẽ là một cuốn sách đầy ắp sự phi lý về một thời đại cuống cuồng chuyển động.
Một thế giới mịt mù dịch chuyển
Ngập tràn trong cuốn sách thú vị nhưng không phải dễ đọc này là một thực tại xao xuyến hỗn độn về một thế giới mịt mù dịch chuyển.
Sự dịch chuyển đa chiều, chằng chịt nhưng tựu trung là dấn sâu vào vòng xoáy phi lý, bởi nó khởi đầu bằng những ý đồ khám phá thế giới và khai mở giác quan, đào sâu kinh nghiệm nhưng lại thường kết thúc bằng việc đi lạc trong những quán tính và thói quen bề mặt.
Nói khác đi, nó làm cho thế giới trở nên không được hiểu cặn kẽ thêm mà thật ra là qua loa, xa vời, lạnh lẽo hơn bội phần.
Đa số những ghi chép của nhà văn qua cuốn sách này ghi lại những cảnh huống phi lý trí và hài hước trong những cuộc xê dịch.
Những gì dễ dãi, như là màn sắp đặt của đèn đường và bản nhạc radio đưa du khách vào một cảnh đê mê của lễ Phục sinh trên cao tốc giữa Bỉ và Ba Lan.
Những gì tạm bợ, như là cảnh con người đi để thoát khỏi sự vây bọc của mạng điện thoại nhưng lại không sẵn lòng thoát ra khỏi "thế giới mạng".
Những gì là nhỏ nhoi và vô hình như khi ta lạc giữa một sân bay kiểu Frankfurt, chỉ nhận ra mình như là "những xung lượng thần kinh đơn lẻ của ánh sáng", là "một phần nhỏ của giây" trong dòng chảy không ngừng...
Mắc kẹt giữa sự thoáng vội và khát vọng lưu giữ
Nhà văn như một nhà ghi chép nhân học hiện đại tỉ mỉ khảo sát mỗi hành vi của cá thể và tập thể trong dòng chảy không ngừng giữa một thế giới mà dịch chuyển đã trở thành một thứ thuộc tính của hiện đại.
Nơi đó, con người hiện đại mắc kẹt giữa sự thoáng vội và khát vọng lưu giữ. Nhưng làm sao để giữ mọi thứ trong một dòng chảy không ngừng? Hãy xem cái cách con người giữ lại dấu vết trong các bảo tàng viện.
Tác giả cuốn sách làm cho người đọc tin rằng bà có một khoái cảm đặc biệt khi mô tả các bảo tàng viện nhân chủng, nơi các bào thai được chưng cất và trưng bày.
Bà viết tỉ mỉ, soi vào từng tế bào, mao mạch của các tiêu bản ngâm trong dung môi để làm cho những mẫu thi thể sống lại bằng cách nào đó trên văn bản.
Rùng rợn, đáng sợ, hiếu kỳ hay thậm chí ám ảnh về thị giác là những cảm giác đi qua trong lòng du khách, nhưng văn chương phải soi thấu một khát vọng lớn lao, phi lý nghìn trùng đó là "giữ lại" một cái chết hay một sự sống đã chết.
Khảo sát những bản đồ, bảo tàng, cơ thể học, những huyền thoại, huyền sử, những vết tích các nền văn minh từ Tây sang Đông mà nay chỉ hiện hữu như những sản phẩm giúp con người hiện đại chiêm ngưỡng và an tâm rằng đời sống "được giữ lại", Olga Tokarczuk đưa người đọc cuốn vào một thời gian thăm thẳm của suy tư, những cuộc lướt qua không "bốc hơi" quá dễ dàng.
Những liên tưởng tuyệt vời
Trong tập sách có một tình tiết thú vị: một du khách, sau giấc ngủ dài trên máy bay, đã đưa mắt nhìn xuống một thành phố lớn với những chùm ánh sáng leo lét bên dưới.
Và đúng lúc ấy, một cư dân của thành phố đó đi ra từ căn nhà gỗ, ngước mắt nhìn lên trời xem thời tiết có gì thay đổi. Tinh tế và phi thường trong liên tưởng, tác giả viết: "Nếu như từ tâm trái đất ta dẫn ra một đường thẳng giả định thì có thể trong tích tắc ngắn ngủi trên tia đó sẽ thấy hai con người ấy, có thể xuất hiện trong giây lát ánh mắt của họ trong đó, có thể tia nọ sẽ kết nối các con ngươi mắt của họ với nhau.
Trong tích tắc họ là láng giềng của nhau theo trục thẳng đứng, bởi vậy khoảng cách mười một nghìn mét là cái quái gì" (trang 406).
Có nhiều liên tưởng tuyệt vời như thế về sự liên đới của loài người trong thế giới hiện đại được triển khai trong cuốn sách này.
Dù muốn dù không, nó vẫn là cuốn sách kể chuyện du hành, nhưng bạn chỉ thấy hay khi có thể ngồi thật yên để thưởng thức và thao thức, cũng như tác giả đã luôn ngồi yên trong dòng chảy chuyển động và bốc hơi không ngừng của thời đại mình để viết.
Sự xao lãng của tâm trí
Ngoài những đoản văn cô đọng về các cảnh huống, trải nghiệm trên đường, đặc biệt trong tập sách này, bài viết Những chuyến đi của tiến sĩ Blau vượt xa một truyện ngắn hiện đại mẫu mực.
Cuộc tiếp cận phòng thí nghiệm thi thể người của nhà nghiên cứu lớn tuổi đã gặp những rối rắm không mong đợi diễn ra trong ngôi nhà của một tiến sĩ giải phẫu học vừa qua đời...
Câu chuyện được chia làm hai phần, giữa hai phần là những mẩu chuyện khác đan xen. Cái cách tổ chức một chuyện mạch lạc đã được tác giả bỏ qua. Thật tự nhiên, nhà văn truyền đến người đọc cảm thức khác về thế giới chuyển động: sự xao lãng của tâm trí.
TTO - 'Có lẽ má sẽ chẳng bao giờ về nhà nữa. Có lẽ vài giấc mơ nên tan biến đi thôi'...
Xem thêm: mth.93584159030101202-ioh-cob-av-gnod-neyuhc-gnugn-gnohk-ioig-eht-gnort/nv.ertiout