Chị Hằng bán bắp dạo, anh Trường chở con lớn đi học rồi về phụ vợ bán bắp - Ảnh: LÊ VÂN
Như hai đường thẳng song song, những người khác biệt nhau về mọi thứ đã tìm đến nhau và cùng viết nên chuyện lứa đôi kỳ lạ, thấm đẫm tình yêu.
"Nhà tôi ba đời bán bắp, tới đời tôi là đời thứ ba nên người ta chọc vui là "vua bắp" Sài Gòn" - anh Lê Văn Trường, 31 tuổi, ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3, TP.HCM) cười rổn rảng bắt đầu câu chuyện tình yêu của vợ chồng mình.
Thương cổ một thân một mình lại đau bịnh ở nhà trọ, tui về xin ba má cho cổ ở nhờ nhà mình, rồi kiếm việc giùm cổ. Ai dè lửa gần rơm lâu ngày… cháy, nên cưới luôn.
LÊ VĂN TRƯỜNG
Lửa gần rơm lâu ngày thành… cháy!
9 tuổi, anh Trường đã đi bán bắp dạo cùng ba má. Học xong cao đẳng điện lạnh, anh đi làm được thời gian, lại thương ba má ở nhà một mình tuổi già, nên anh về nhà buôn bán để gần gũi ba má và tiện chăm sóc.
Tuổi trưởng thành, nhiều mối mai cho anh những cô gái Sài Gòn nhanh nhẹn, khỏe mạnh để xây dựng mái ấm. Chẳng ai ngờ, ngày nọ anh Trường dắt về nhà một cô gái khuyết tật một chân, lại hơn mình 9 tuổi, và xin cha mẹ cho cưới hỏi.
Cô gái ấy là ai mà đã chiếm trọn trái tim chàng trai hiếu hạnh để viết nên chuyện tình như cổ tích giữa Sài Gòn?
"Một hôm tự nhiên thấy thằng Trường dẫn về nhỏ nào đi cà nhắc, ở vài tháng rồi cưới luôn. Kể từ đó, cả nhà từ mẹ chồng, con dâu, con trai, rồi lần lượt hai đứa cháu dắt díu nhau đi bán bắp khắp cái khu Bàn Cờ này. Vui dữ thần!" - bà Minh, một người hàng xóm, kể khi được hỏi về vợ chồng "vua bắp".
Chuyện đời chuyện tình của "vua bắp" Sài Gòn bắt đầu từ ngôi nhà cũ kỹ hun khói đen bóng. Ông bà nội anh Trường vốn là dân Chợ Lớn, sau chuyển về chung cư Nguyễn Thiện Thuật. Đó là năm 1968, chung cư Nguyễn Thiện Thuật được xây mới để làm chỗ ở cho những người vốn là dân kẻ chợ về tạm cư.
"Hồi đâu năm 1968, cái chung cư này bị cháy do bom đạn. Sau phải bốc thăm để chọn lại nhà, ba má tui cố bốc thăm lên… lầu cao nhất. Từ đó, cả nhà ăn ở trên này, sống bằng nghề nấu rồi bán khoai lang, khoai mì, bắp dạo. Dần dà nhà neo người nên chỉ còn bán bắp thôi" - ông Lê Văn Sơn, 62 tuổi, ba của Trường, kể lại.
"Lúc Trường còn bé, dù gia đình nghèo khó lại neo đơn vì chỉ có nó là con một, nhưng tui luôn dạy nó phải hiếu thảo, thương người. Lớn lên chút, thằng nhỏ không chỉ thương ba má mà còn có lòng nhân với người ngoài. Nó đi làm từ thiện khắp nơi với bè bạn. Rồi cũng từ cái duyên ấy mà gặp cô Hằng…" - bà Đặng Thị Mai, 60 tuổi, mẹ Trường, tâm sự.
10h tối một ngày cuối năm 2020, người giao bắp đến nhà bà Mai gọi với lên: "Bắp ơi, bắp ơi!". Anh Trường vội vã chạy xuống tầng trệt vác hai bao bắp sống lên lầu ba, mồ hôi nhễ nhại. Trong nhà, chị Nguyễn Thị Hằng, vợ anh Trường, nhẹ vỗ về cậu con trai thứ hai ngủ rồi ra đón bắp với chồng. Một lát sau, cả nhà trải dài đống bắp, ngồi chặt đuôi cùi bắp để luộc.
"Hồi xưa, tui cũng nhiều người mê lắm chứ, nhưng không có tình cảm sâu đậm gì cho tới khi gặp cô này…" - anh Trường vừa nhanh tay chặt bắp, vừa rổn rảng kể.
Anh cao hơn 1,7m, người vạm vỡ, khuôn mặt sáng và nhanh nhẹn. Cạnh bên anh là chị Hằng nhỏ nhắn với khuôn mặt hay cười. Trước khi cưới anh Trường, cuộc đời chị Hằng là chuỗi ngày rất cơ cực, thiệt thòi...
"Mình bị sốt bại liệt hồi bé nên một bên chân bị yếu, đi phải cà nhắc. Nhà có sáu anh chị em ở quê nghèo ngoài Hà Tĩnh. Lớn lên, anh em tản đi kiếm ăn khắp nơi. 20 tuổi, mình cũng vào Sài Gòn xin phụ may cho một công ty. Rồi khi học được nghề, mình may mắn được nhận vào một công ty ở Đồng Nai.
Cuộc sống với mình như vậy đã là quá may mắn, chưa bao giờ mình nghĩ đến chuyện hạnh phúc riêng vì mặc cảm khuyết tật. Hồi đó, nói thật thấy con trai trêu ghẹo là mình ráng cà lết thật nhanh đi trốn, rồi chạy về nhà nằm… khóc. Mình sợ lắm, chuyện cưới xin là điều chưa bao giờ mình dám nghĩ đến…" - chị Hằng trải lòng.
Vợ chồng anh Trường cùng cha mẹ quây quần bên nhau chuẩn bị luộc bắp - Ảnh: LÊ VÂN
Gặp nhau trong cơ khổ đời người…
Mối nhân duyên chồng vợ của "vua bắp" và chị Hằng được kết nên từ một lần anh Trường đi làm từ thiện ở Đồng Nai. Suốt bốn năm đi làm, chị Hằng dành dụm mua được chiếc xe ba bánh. Ước mơ của chị khi ấy chỉ đơn giản là ráng dành dụm tiền để về quê mua đàn heo, chăn nuôi, sống nương tựa gia đình.
Nhưng cuộc đời cứ thử thách cô gái nghị lực không ngưng. Đàn heo chị bỏ vốn gần 20 triệu đồng thời ấy cứ chết dần do dịch bệnh. Ước mơ trở về quê cứ xa dần.
Chưa hết, mùa Noel năm 2016 trở nên khó khăn hơn khi chị bị tai nạn, chiếc xe ba bánh là tài sản duy nhất cũng bị hỏng. Chị Hằng phải nằm trong Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai với vết thương bị nhiễm trùng sau tai nạn.
Và cũng chính thời điểm quá khó khăn này, "nàng Lọ Lem khập khiễng" đã gặp được "vua bắp" Sài Gòn một cách tình cờ.
"Gặp nhau trong cảnh khổ nhất của cuộc đời nên mình chả dám mong gì hơn, chỉ thầm cảm ơn người thanh niên giàu lòng nhân từ Sài Gòn cứ ngày ngày chạy tới lui chăm lo vết thương cho mình từ bệnh viện cho tới khi về nhà trọ" - chị Hằng nhỏ nhẻ nhớ lại.
Năm 2016, qua Hội từ thiện Mân Côi của một nhà thờ ở Sài Gòn, anh Trường cảm thương cho hoàn cảnh một cô công nhân tật nguyền ở Biên Hòa và làm cầu nối nhà hảo tâm để giúp đỡ cô.
"Lúc đầu chỉ là thương hoàn cảnh cổ một thân lại đi đứng khó khăn. Sau vài tháng chăm sóc, cổ được xuất viện về phòng trọ nhưng chưa đi lại được vì vết nhiễm trùng ở chân, nên mình cứ chạy đi chạy lại để săn sóc thôi. Dần dà không hiểu vì sao thấy mến thương hơn tình cảm bạn bè.
Nhưng cũng chưa dám chắc chắn với tình cảm của mình lắm. Thấy cổ một mình lại thất nghiệp sau tai nạn, mình mới về xin ba má cho cổ lên nhà ở nhờ, rồi đặng kiếm việc cho làm, và xin nhà hảo tâm sửa giùm cho cái xe ba bánh… Ai dè lửa gần rơm lâu ngày… cháy luôn!" - anh Trường âu yếm nhìn vợ tâm sự.
Sáng sáng, bếp củi luộc bắp đỏ lửa, thơm ngào ngạt. Bà Mai chia làm ba thúng. Mấy năm rồi, ông Sơn trở bệnh, không đi bán mà chỉ ở nhà phụ nấu bắp. Ba người chia nhau gần 200 trái bắp luộc để đi bán dạo.
Chị Hằng nhận ít nhất, chỉ 20 trái đi bán từ 7h sáng đến chừng 9h-10h vì bận con nhỏ. Anh Trường và bà Mai nhận số bắp còn lại, chia nhau đi bán khắp khu Bàn Cờ, quận 3 tới chiều muộn mới về.
Buổi tối, gia đình rổn rảng tiếng cười nói của ba thế hệ. Hai con trai của anh Trường và chị Hằng, đứa chưa đầy 2 tuổi, đứa mới lên 3 bi bô nói cười với ông bà.
"Đẻ năm một nên cổ không đi làm được, chỉ phụ chút đỉnh buổi sáng rồi còn về trông con. Cực nhưng vui, nhà bớt neo người" - bà Mai cười nói.
Cứ như thế, gia đình nhỏ tuy nghèo mà hạnh phúc đã viết nên chuyện tình đặc biệt mà với anh Trường và chị Hằng đó là cái duyên bên nhau để vượt qua cơ khổ đời người. Và bây giờ, người dân khu chợ Bàn Cờ đã quá quen với xe bắp dạo có đứa bé trai ngồi phía trước, sau thùng bắp là người vợ đi khập khiễng cùng chồng hay cười...
"Ban đầu nhờ bạn bè đưa đi tán vợ, song mình theo đuổi cô nào thì đến cuối cùng họ cũng lại lấy ngay anh mai mối sáng mắt. Chúng tôi nghĩ ra cách tán gái qua mạng, không ai giành cả, một mình tìm, một mình tán thế là thành công".
"Ngày hai đứa nó xin cưới, tui cự lắm. Không phải vì chê bai gì mà lo. Nghĩ nhà mình nghèo, cổ lại không khỏe mạnh, lỡ có gì đứt gánh thì con mình làm khổ người ta…" - ông Sơn, ba anh Trường, nhớ lại.
Nhưng rồi "xưa cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, nay con đặt đâu thì cha mẹ chọn đấy", cha mẹ anh Trường đã lo đám cưới giản dị cho con trai ngay trong khu chung cư cũ vào cuối năm 2016. Và sau nỗi lo toan, gia đình nghèo khó đã nhanh chóng tràn ngập niềm vui hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ.
"Ban đầu nhờ bạn bè đưa đi tán vợ, song mình theo đuổi cô nào thì đến cuối cùng họ cũng lại lấy ngay anh mai mối sáng mắt. Chúng tôi nghĩ ra cách tán gái qua mạng, không ai giành cả, một mình tìm, một mình tán thế là thành công".
Kỳ tới: Hai anh mù lấy được vợ
TTO - Chồng năm nay 77 tuổi, từng mất vợ vì bạo bệnh. Vợ mới 37 tuổi và mang trong mình di chứng chất độc da cam. Hai con người ấy đã cùng nhau xây nên một tổ ấm ấm áp dưới chân cầu Trung Quán (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình).