Sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch học trực tuyến - Ảnh: NHƯ HÙNG
Đề bài được Thủ tướng Chính phủ "đặt hàng" cho ngành giáo dục bao gồm phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Những bước chuyển động đầu tiên
Bộ GD-ĐT cho biết đến nay bộ đã số hóa, gắn mã định danh khoảng 53.000 trường mầm non, phổ thông, gần 24 triệu học sinh và hơn 1,4 triệu giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính nhà trường...
Về cơ sở học liệu, bộ hợp tác phát triển kho học liệu số dùng chung gồm 5.000 bài giảng E-learning, hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình, 200 thí nghiệm ảo, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông và trên 7.500 luận án tiến sĩ.
Đây là bước đầu trong công cuộc chuyển đổi số giáo dục. Quá trình này tập trung vào hai nội dung, bao gồm chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học.
Với quản lý giáo dục, chuyển đổi số bao gồm số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các công nghệ 4.0 để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định nhanh chóng, chính xác.
Với dạy, học, kiểm tra, đánh giá gồm số hóa học liệu, thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến, xây dựng các trường ĐH ảo.
Trên thực tế, chuyển đổi số trong giáo dục đã được các trường thực hiện từng bước nhiều năm qua và sôi nổi trong vài năm gần đây. Mới đây, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đưa vào vận hành thư viện thông minh dựa trên nền tảng chuyển đổi số và tự động trong tất cả các khâu. Sinh viên có thể tìm, mượn sách, đặt phòng học chỉ bằng điện thoại thông minh. Thư viện được xem là một trong những "sản phẩm số" mới nhất của các trường ĐH phía Nam.
Hay trước đó Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã cho thành lập Trung tâm dạy học ảo (UTEx), tổ chức các khóa học trực tuyến. Trường còn xây dựng thêm trung tâm dữ liệu lớn và nhiều chương trình chuyển đổi số khác như hệ thống phần mềm quản lý...
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho rằng chuyển đổi số ở một trường ĐH gồm sáu thành tố: dạy và học số, truyền thông mạng xã hội, khuôn viên số, nơi làm việc số, quản lý số, thư viện số.
Chuyển đổi số đại học thì việc đầu tiên cần làm là chuyển đổi toàn bộ trường đại học thành một "quốc gia số" thu nhỏ. Toàn bộ hoạt động của đại học, của giáo viên, của sinh viên sẽ chuyển lên môi trường số. Mỗi người trong đại học sẽ có một định danh số. Đại học là một xã hội thu nhỏ, sinh viên là những người trẻ, năng động và giỏi công nghệ, rất thuận lợi để xây dựng một xã hội số, không chỉ việc học mà cả việc quản lý và sinh hoạt.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Ngành giáo dục rất quan tâm tới việc đào tạo những công dân Việt Nam có kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số để trở thành công dân toàn cầu. Chính vì vậy, chuyển đổi số được ngành xác định là khâu đột phá, nhiệm vụ quan trọng cần chú trọng triển khai thực hiện những năm tới đây. Làm tốt chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, mà quan trọng hơn là góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo cơ hội lớn để hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ
Rào cản ở tư duy
Theo ông Đỗ Văn Dũng, trường nhận thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số và bắt đầu thực hiện liên tục đến nay. Những ngày đầu thay đổi, trường cũng gặp nhiều phản ứng trái chiều từ đội ngũ giảng viên. Những ngày đầu, chỉ chưa tới 20 giảng viên dạy online. Trường tiếp cận bằng nhiều cách như có những khoản thưởng để khuyến khích giảng viên dạy trực tuyến.
Các chương trình tập huấn cũng lần lượt được triển khai để giảng viên thay đổi tư duy và trang bị thêm nhiều phương pháp dạy phù hợp. Nội dung môn học cũng được thiết kế lại, không thể dạy 2 tiết 90 phút như trước đây mà cần phù hợp hơn với môi trường trực tuyến.
Trường đưa ra "chiêu" cho sinh viên làm trợ lý giảng dạy cho giảng viên trong mỗi môn. Các sinh viên được chọn phải là người từng có điểm cao trong môn này và qua một lớp tập huấn kỹ năng trợ lý giảng dạy.
Trong lớp, các bạn giúp giảng viên về công nghệ, tương tác với sinh viên khác tốt hơn, từ đó trực tiếp hỗ trợ và gián tiếp nâng cao kỹ năng số của các thầy cô. Đến khi tỉ lệ dạy online đã cao, trường bắt đầu "mạnh tay", những thầy cô không thực hiện sẽ bị cắt một số thi đua.
"Tới nay 100% các lớp đều có thể được dạy học online" - ông Dũng nói. Theo ông Dũng, nút thắt chuyển đổi số nằm ở tư duy của những người thực hiện, đôi khi không theo kịp với sự phát triển của công nghệ. Do đó, ông Dũng cho rằng cần có cơ chế "thúc ép" mạnh mẽ hơn, không chỉ dừng lại ở chuyện bắt buộc 20%, 30% tiết học được dạy online, mà đề ra cụ thể các tiêu chí và nhiệm vụ cho tiết học online này.
Ông Bùi Quốc Anh - giám đốc Trung tâm dữ liệu ĐH Quốc gia TP.HCM - cũng cho rằng khó khăn lớn nhất trong chuyển đổi số là lãnh đạo một số trường chưa thật sự sẵn sàng cho việc này, đặc biệt ở một số trường công.
Theo ông, hỗ trợ chuyển đổi số cho một đơn vị không hề đơn giản. Trước tiên phải nâng cao nhận thức cho lãnh đạo và đội ngũ giảng viên. Kế đó sẽ áp dụng hệ thống thông tin số vào giảng dạy, quản lý. Trong khâu này, thường sẽ cần những nhóm chuyên về công nghệ để hỗ trợ giảng viên. Cuối cùng là chuẩn hóa cách thức đánh giá, giảng dạy.
TS Trương Minh Huy Vũ - giám đốc Khu công nghệ phần mềm, ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng mỗi phân cấp khác nhau có những nhu cầu và nhiệm vụ khác nhau. Chẳng hạn, trường ĐH triết lý tự học là quan trọng nên sự tương tác, cá nhân hóa của từng sinh viên với các giảng viên cao hơn.
Với các học sinh từ mầm non đến phổ thông, trong giai đoạn ban đầu rất cần giáo viên để trao đổi tương tác nhiều. Càng nhỏ tuổi thì cần tương tác nhiều hơn, đến khi lớn hơn sẽ dành nhiều thời gian hơn cho tự học. Vì vậy, chuyển đổi số ở các cấp cũng sẽ khác nhau.
Hiện tại, Khu công nghệ phần mềm, ĐH Quốc gia TP.HCM đang phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM thực hiện các nhóm giải pháp học trực tuyến cho các trường phổ thông ở TP.HCM. Theo ông Quốc Anh, trong chuyển đổi số với các lớp phổ thông có thuận lợi hơn ĐH khi các môn học giống nhau.
Một trường chuyển đổi số tốt ở một môn học nào đó thì các trường khác cũng có thể học hỏi. Do đó, kế hoạch sẽ là triển khai từng bước, từng địa phương. Kế đó, xem các môn có thể chuyển đổi trước rồi mới đến những môn khó hơn sau.
4 vấn đề cơ bản của chuyển đổi số
Theo báo cáo PISA của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cuối tháng 9-2020, gần 80% học sinh Việt Nam được học trực tuyến, cao hơn mức trung bình chung của các nước là 67,5%. Tuy vậy, đến nay chuyển đổi số ở Việt Nam còn gặp nhiều thách thức như hoàn thiện hạ tầng mạng, đầu tư lớn về tài chính và nhân lực, hành lang pháp lý về bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, an ninh thông tin...
Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ chú trọng triển khai chuyển đổi số ở bốn vấn đề cơ bản bao gồm: phát triển hệ thống dữ liệu toàn quốc về GD-ĐT; phát triển, khai thác hệ thống học liệu và môi trường học tập số; xây dựng và triển khai khung năng lực số cho học sinh phổ thông; phát triển nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Kế hoạch "Hổ nhảy" của Estonia
Học sinh trong giờ học với các thiết bị điện tử ở Estonia - Ảnh: The Guardian
Từ năm 1991, các nhà lãnh đạo Estonia đặt ra tham vọng kiến tạo một quốc gia số. Giáo dục được xác định là trọng tâm trong kế hoạch này. Năm 1997, một dự án mang tên "Tiigrihüpe" (Hổ nhảy) được xúc tiến, định hướng đưa công nghệ thông tin vào giáo dục để tạo sức bật cho đất nước.
Chương trình khởi động bằng việc trang bị máy tính và Internet cho trường học. Giáo viên được đào tạo các kỹ năng quan trọng để thành thạo kỹ thuật số. Các trường ứng dụng những hệ thống tiên tiến như nền tảng sách giáo khoa online Opiq và hệ thống quản lý điện tử eKool.
TS Jaak Aaviksoo - bộ trưởng giáo dục Estonia khi đó - là người sẵn sàng đương đầu rủi ro và chấp nhận áp lực dư luận. Ông đề xuất chính phủ tài trợ phân nửa tiền mua máy tính cho các địa phương. Nhờ vậy, 3 năm sau, tất cả trường học ở Estonia đều có phòng máy vi tính được nối mạng.
Không chỉ vậy, đội ngũ chuyên gia công nghệ giáo dục ở Estonia được đào tạo bài bản. Nhiệm vụ của họ là hướng dẫn giáo viên chuyển đổi số, cung cấp các phương pháp dạy học số, tận dụng nguồn tài liệu kỹ thuật số.
Tới nay, tất cả giáo viên dù dạy môn gì đều là chuyên gia trong việc dạy học trực tuyến nói riêng và áp dụng công nghệ nói chung. Thầy cô dễ dàng kết nối với học sinh qua hình thức trực tuyến. Khi COVID-19 bùng phát khiến nhiều trường tạm đóng cửa, các trường ở Estonia vẫn hoạt động như bình thường qua các nền tảng số.
TTO - Trong cùng một ngày, tại Việt Nam đã diễn ra hai sự kiện lớn về chuyển đổi số: Bộ Y tế công bố 3 nền tảng ứng dụng chuyển đổi số quan trọng và Văn phòng Chính phủ công bố 4 dịch vụ công trực tuyến mới nhất.
Xem thêm: mth.76575840230101202-os-iod-neyuhc-gnort-gnohp-neit-cud-oaig/nv.ertiout