Những ngày cuối cùng của năm, khi thông tin nhà làm phim Hàn Quốc Kim Ki-duk đột ngột qua đời vì COVID-19 được xác nhận, người ta không biết nên cảm thấy thế nào. Tiếc thương ư? Nhưng ông ta là một kẻ biến thái từng phạm tội tấn công tình dục. Hả hê ư? Nhưng ông ấy là tác giả của nhiều bộ phim thuộc loại hay nhất thế kỷ 21, là một trong những nhà làm phim hiếm hoi kiến tạo được một thế giới riêng mà dù say mê, dù ghê tởm, bạn không thể phủ nhận rằng chúng độc đáo. Trong khi những tờ báo nước ngoài tưởng nhớ một biểu tượng, điểm lại những thước phim quan trọng trong sự nghiệp của Kim, thì cư dân mạng Hàn Quốc chửi rủa ông, cho rằng ông chết là đáng đời, và không đời nào có chuyện một kẻ suy đồi với những thước phim suy đồi như thế là người đại diện cho nền điện ảnh đất nước họ.
Dù phim đầu tay là “Crocodile” (Cá sấu) ra mắt vào năm 1996, nhưng huyền thoại "ác nhân" về Kim Ki-duk có lẽ chỉ thực sự bắt đầu từ năm 2000 với “The Isle” (Tiểu đảo). Các nhân vật của Kim luôn có những nghề nghiệp kỳ quái: bán xác người tự sát, đột nhập nhà người lạ và thay họ chăm lo nhà cửa, mở nhà trọ bán dâm, xem bói bằng cách bắn tên,… Trong “Tiểu đảo” cũng vậy, nhân vật chính là một cô gái cho thuê những ngôi nhà nổi lênh đênh giữa vùng sông nước kiêm nghề đưa đò dẫn mối mại dâm cho những người thuê. Cô yêu một tay tội phạm đến ẩn náu tại đây, và ghen tuông khi thấy y quan hệ với những cô gái buôn phấn bán hương. Có hai phân cảnh cao trào đã ngay lập tức đưa tên tuổi Kim Ki-duk trở thành giai thoại, cả hai phân cảnh cùng gắn liền với chiếc móc câu - biểu tượng trung tâm về sự kết nối giữa con người trong tác phẩm: một cảnh, nhân vật tay tội phạm nuốt những chiếc móc câu kim loại nhằm tự sát, và cảnh thứ hai, sau một vụ ghen tuông, nhân vật cô gái nhét những chiếc móc câu kim loại vào chỗ kín của mình. Cách mà Kim quay cận đôi mắt long lên sòng sọc, đỏ hoe vì đau đớn của những nhân vật khiến cho cảnh phim trở nên chân thực đến rùng rợn.
Nếu như điện ảnh phương Tây đương đại có Lars von Trier có khả năng khiến khán giả ói mửa ngay tại rạp chiếu phim, thì phương Đông có Kim Ki-duk. “Tiểu đảo” chỉ là khúc dạo đầu của một sự nghiệp không ngừng gây sốc. Ở “Pietà” (Đức Mẹ sầu bi) - bộ phim từng giành giải thưởng cao nhất tại Liên hoan phim Venice, một tay đòi nợ thuê máu lạnh bỗng một ngày gặp một người phụ nữ nhận là mẹ mình. Y không tin, bà ta thì liên tục khăng khăng đó là sự thật. Và trong một phân cảnh loạn luân khiến khán giả lặng người, y thọc tay vào trong váy của người phụ nữ đó và đưa ra một yêu cầu vô đạo, rằng nếu bà ta đích thực là mẹ y, thì hãy để y quay trở lại nơi y đã chui ra!
Poster phim “Pietà”. |
Câu hỏi đặt ra là: điều gì đã làm nên hiện tượng Kim Ki-duk? Mặc dù Kim Ki-duk có thể rất khác với Bong Joon-ho, người vừa giành giải Oscar với “Kí sinh trùng” - Kim làm phim kinh phí thấp, gu nghệ thuật cực đoan, không hướng tới khán giả đại chúng, ngược lại thì Bong làm phim thriller bom tấn, tỷ lệ nghệ thuật và thương mại được điều chỉnh cân bằng, nhưng điểm chung của họ là đều thăm dò những vùng bóng tối tội ác, những động cơ gây nên tội ác và bản chất của chúng. Và quan sát kỹ hơn, vào năm 2003, điện ảnh Hàn cũng rực sáng khi “Oldboy” của Park Chan-wook giành giải Grand Prix tại Cannes, và Park cũng là một tay "đại ác" trong điện ảnh.
Vậy thì, hẳn đây không phải một sự trùng hợp khi những đạo diễn nổi bật nhất định hình điện ảnh Hàn đương đại lại cùng quan tâm đến một vấn đề: tội ác.
Trái ngược với hình ảnh lãng mạn, giàu có, cổ tích, mọi thứ từ lỗ chân lông đều hoàn hảo trong những bộ phim truyền hình ăn khách, xã hội Hàn Quốc thực thụ giống như một trái táo bóng bẩy nhưng có rất nhiều những loài sâu đục khoét: khoảng cách giàu nghèo quá lớn, sự thao túng của những siêu tập đoàn, định kiến với nữ giới sâu đậm, sự khắc nghiệt của dư luận, tỷ lệ tự sát thuộc loại cao nhất thế giới. Nhà độc tài quân sự Park Chung-hee không chỉ tạo ra kỳ tích sông Hàn, mà còn góp phần tạo ra giới chaebol (tài phiệt) với di sản là những bất công xã hội không thể hàn gắn.
Trong một trong những bộ phim cuối cùng của mình, “Human, Space, Time and Human” (Con người, Không gian, Thời gian và Con người), Kim Ki-duk kể câu chuyện về một nhóm người mắc kẹt trên một chiếc thuyền với số thực phẩm có hạn, từ đó tạo nên một hình ảnh xã hội thu nhỏ với tay thượng nghị sĩ giàu có thông đồng cùng đám tội phạm để đàn áp đám đông lôi thôi và ngu ngốc. Còn trong 3-Iron, bộ phim tiết chế nhất của Kim, ông để một chàng trai đột nhập vào tư gia một người đàn ông giàu có và trót yêu người vợ câm lặng của người đàn ông đó. Những trường đoạn hai người đàn ông dùng cây gậy đánh golf - biểu tượng cho sự xa xỉ - tấn công lẫn nhau rõ ràng ngụ ý về những mâu thuẫn ngầm giữa các tầng lớp trong xã hội.
Nhiều khán giả lên án Kim Ki-duk căm ghét phụ nữ, bởi trong phim ông, phụ nữ giống như những món vật bày trên đường mà chỉ cần muốn, đàn ông có thể quơ tay ra lấy bất cứ lúc nào. Đến cả Lars von Trier, người đã làm ra “Dogville” xoay quanh một người phụ nữ bị cả thị trấn cưỡng hiếp, cũng không hứng thú với những cảnh cưỡng hiếp một cách bền bỉ như Kim Ki-duk. Nhưng đó không phải là Kim căm ghét phụ nữ, mà chính xã hội Hàn Quốc căm ghét phụ nữ.
Vừa mới tháng 3 vừa qua, Hàn Quốc công bố danh tính kẻ cầm đầu "Phòng chat thứ N" - nơi quy tụ hơn 260 ngàn tài khoản cùng phát tán, chia sẻ và mua bán những hình ảnh và video tra tấn tình dục phụ nữ. Và chỉ trước đó không lâu, cư dân mạng Hàn Quốc còn chưa hết sững sờ với vụ việc hàng loạt thần tượng nam nổi tiếng của Hàn Quốc tham gia một nhóm chat tình dục, chia sẻ video quay lén và hiếp dâm. So với một thực tại như thế, phim ảnh của Kim Ki-duk có gì độc ác hay ghê tởm?
Cảnh khắc Kinh Bát Nhã trong bộ phim nổi bật nhất trong sự nghiệp của Kim Ki-duk, “Xuân hạ thu đông… rồi lại Xuân”. |
"Ở Ấn Độ có một cô gái mại dâm tên Vasumitra, nghe nói bất cứ người đàn ông nào ngủ với cô ta, sau đó đều trở thành tín đồ Phật giáo", đó là câu thoại vừa triết lí, vừa bao biện một cách giễu nhại trong “Samaritan Girl”, bộ phim giúp Kim Ki-duk giành giải Gấu Bạc tại LHP Berlin.
Điện ảnh của Kim thực chất là sự phóng chiếu huyễn tưởng tình dục của rất nhiều nam giới Hàn Quốc, ông thích xây dựng những hình tượng đàn bà quan hệ với tất cả những người đàn ông muốn cô ta. Trong “Birdcage Inn” (Nhà trọ lồng chim), một hộ gia đình nghèo mưu sinh bằng cách nuôi một cô điếm trẻ, và cô ta quan hệ với khách hàng, với ông bố của gia đình, với cậu con trai, với cả người bạn trai của cô con gái lớn trong nhà. Hay Kim cũng thích thú với hội chứng Stockholm, khi nạn nhân chuyển từ cảm giác căm hận sang cảm giác đồng cảm với kẻ làm hại mình, như ở thước phim đầu tay “Cá sấu”, một kẻ buôn xác vớt được một phụ nữ nhảy sông tự sát, y cưỡng hiếp cô, và giữa họ nảy sinh một mối tình kỳ quái.
Vì những nguyên do đó, tựa đề bài viết này cũng được lái theo một bài diễn từ nhận giải Nobel của Yasunari Kawabata mang tên "Sinh ra từ vẻ đẹp Nhật Bản" để lý giải cho gốc rễ văn chương rất truyền thống của mình. Kim Ki-duk thực chất là một hiện tượng rất Hàn Quốc, chỉ có thể sinh ra ở một nước Hàn đương đại. Và rốt cuộc, dường như người ta căm ghét Kim Ki-duk chỉ vì ông nhìn thực tại quá rõ so với họ.
Lần nhìn thực tại rõ nhất của ông cũng là lần đã đưa ông lên đỉnh cao nghề nghiệp, với bộ phim “Xuân, hạ, thu, đông… rồi lại Xuân”, một bộ phim thoạt nhiên có cảm giác không thực chút nào. Câu chuyện đặt ở một bối cảnh gần như "khép kín", chỉ có một ngôi chùa giữa hoang vu, bốn mùa đổi thay, một vị sư thầy và một tiểu hòa thượng. Thời thơ ấu, chú tiểu hành hạ con ếch, con cá và con rắn bằng cách buộc đá vào chúng, rồi vô tình làm chúng chết. Đến khi thanh niên, một nữ thí chủ đến tịnh dưỡng trong chùa và chú bị cuốn vào vòng tục lụy. Sau này khi trở lại chùa thì chú đã trở thành kẻ giết vợ. Cuối cùng khi mãn hạn tù, chú trở lại chốn xưa, nay sư thầy đã viên tịch, nơi áo tràng gấp gọn chỉ có một con rắn cuộn mình nằm đó đã bấy nhiêu năm, chú tự buộc một phiến đá lớn lên cổ rồi nhọc nhằn đưa tượng Phật lên đỉnh núi.
Có một cảnh phim, khi sư thầy buộc chú phải khắc toàn bộ Bát Nhã Tâm Kinh lên mặt sàn bằng con dao mà chú đã dùng để sát hại vợ mình. Đúng thế, không phải là viết lên giấy, không phải đọc to, mà là khắc bằng một con dao tội lỗi. Trong một tác phẩm dường như tách mình khỏi xã hội đương đại, mang tính ngụ ngôn dân gian và mượn rất nhiều biểu tượng từ Phật giáo về nghiệp chướng và con đường thoát khổ, Kim Ki-duk vẫn nhìn thấy thực tại rõ hơn chúng ta. Ông đã thấy ngay cả hành trình đạt đến cái chân thiện cũng đầy cay nghiệt và đôi khi trước khi đến đích, người ta phải nếm trải hết con đường cái ác, phải trả giá bằng cả linh hồn mình.
"Tôi luôn tự hỏi mình câu hỏi này: con người là gì? Làm người nghĩa là sao? Hẳn là người ta cho rằng những bộ phim mới của tôi lại tàn bạo rồi. Nhưng sự bạo lực này chỉ là sự phản chiếu về cái mà con người thực sự là, về cái mà ở mức độ nào đó đều nằm trong mỗi chúng ta", Kim Ki-duk nói. Ai biết được, có thể ông đã đúng.Hiền Trang
Xem thêm: /853526-naH-ux-ca-iac-ut-ar-hniS-kud-iK-miK/hniM-naV-coh-aohK/nv.moc.dnac.tcgtna