1.
- Chiếu tướng!
Ông Thanh đặt con xe xuống ngay cạnh con tướng của ông Hoành rồi nhấc ly nước chè đặc nhấp một ngụm, tủm tỉm cười.
Mấy ông bạn già ngồi xung quanh lẩm bẩm “Cờ hay…”. Ông Hoành nhấc cái điều thuốc lào ở bên châm lửa rít một hơi dài rồi bảo:
- Tôi chịu ông rồi, ông đánh hay quá. Mình làm ván khác nhé!
Những quân cờ tướng bằng gỗ đang được lạch cạch xếp ra thì bất chợt có tiếng hô hoán thất thanh:
- Cướp…cướp…bà con ơi cướp…
Tiếng xe máy rồ ga ở đâu đó. Nhanh như chớp ông Thanh đổ vội mấy quân cờ trên bàn cờ rồi nhảo chân từ trong quán bước ra đường. Chiếc xe máy chở hai thanh niên đang dáo dác phi thẳng đến chỗ ông Thanh. Theo bản năng ông Thanh xoay người né tránh rồi vung cái bàn cờ bằng gỗ mít vào người ngồi đằng sau, chiếc xe loạng choạng mất lái đâm sầm vào bờ rào ven đường.
Chưa kịp định thần thì một chiếc xe nữa ở đâu vụt đến xẹt qua bên ông Thanh, chiếc gậy sắt vụt thẳng vào ông làm ông ngã sấp mặt xuống đường. Chiếc xe rồ ga phụt khói chạy khỏi đường làng vắng vẻ.
2.
“Đoàng…đoàng…”.
Tiếng súng trong phòng tập vừa dứt thì tiếng chuông điện thoại trong túi quần Quân cũng reo lên điệu nhạc quen thuộc mà Quân cài riêng cho số máy của mẹ, không cần nhìn vào màn hình anh bật nghe ngay:
- Vâng, mẹ à, con đây. Sao? Bố bị sao? Vâng, con sẽ về ngay…
Thay vội bộ quân phục, báo cáo cấp trên rồi Quân nóng lòng thuê xe từ thành phố về bệnh viện huyện nơi bố đang nằm. Không biết ông cụ thế nào, có nặng lắm không, mẹ chỉ mới kịp thông báo vài câu ngắn gọn đã cúp máy rồi.
Quân bấm máy điện cho mẹ hỏi lại tình hình. Nghe xong anh thầm nhủ: Thì ra thế. Đã bảo ông cụ bao nhiêu lần rồi, về hưu thì cứ ở nhà an hưởng tuổi già đi thì không nghe, lại toàn cứ lo chuyện bao đồng, đến khổ. Lần này về phải bảo cả mẹ tác động thêm vào nữa chứ không cứ cái kiểu này thì chết. Bao nhiêu năm cống hiến mồ hôi, cả máu của bố và nước mắt của mẹ nữa mà cụ vẫn còn chưa chịu nghỉ là sao không biết.
Minh họa: Đỗ Dũng |
Nhưng mà nghĩ lại Quân cũng thấy phục ông cụ thật. Suốt những năm tháng công tác bố anh bận bịu luôn, đến khi được về nghỉ cũng không chịu ở yên. Tích cóp được ít tiền xây cái nhà trên thành phố, lúc nghỉ hưu tưởng cụ ở lại trên ấy cùng con cháu cho vui, ai dè cụ bảo, để cho thằng Quân nó ở, mai này lấy vợ có chỗ chui ra chui vào, tao về quê với mẹ chúng mày cho vui.
Kể cũng phải, bố Quân đi công tác suốt, những năm tháng tuổi trẻ mẹ anh đã làm hậu phương vững chắc cho ông hoàn thành nhiệm vụ, ở nhà chăm nuôi hai chị em Quân nên người. Giờ con cái đã phương trưởng chả nhẽ ông bỏ mình bà ở quê để ở thành phố sao đành. Mà mẹ Quân thì bà có ra thành phố cũng được mấy ngày rồi bảo không quen lại đòi về với mảnh vườn, với đồng ruộng, dù rằng giờ có chút tuổi rồi cũng chẳng làm gì mấy nhưng bà vẫn chẳng chịu ra thành phố ở.
Quân thấy, có lẽ những ngày làm Phó giám đốc Công an tỉnh, cái tố chất lãnh đạo đã ngấm sâu vào bố mình. Về hưu ông không thể hiện vai trò lãnh đạo với những người ở quê nhưng tư duy lãnh đạo làm cho ông có những sáng kiến mới góp phần làm đổi thay bộ mặt của làng quê bấy lâu nay.
Có lần bố bảo với Quân “Những ngày còn công tác bố về nhà chỉ là đoảng qua nên không để ý, nay về rồi mới nó có nhiều cái khó khăn, thiếu thốn quá mà bà con mình không chịu thay đổi lối suy nghĩ thành ra nó cứ “tăm tối” mãi”. Cái “tăm tối” bố Quân nói ở đây là thiếu cái ánh sáng của điện…
Làng anh chưa có điện, mọi người ở mãi cũng thấy quen, nhưng bố anh về thì thấy không ổn. Ông tính “khai sáng” làng mình từ điện. Nghe ông tuyên truyền, vận động ai cũng thấy nói thì hay nhưng làm không phải là dễ. Vậy thì ông làm trước.
Ông bỏ tiền lương hưu cùng số tiền tiết kiệm, ông vận động hai đứa con đóng góp hỗ trợ đi mua xà, sứ, dây điện, nhờ mấy người đào hố, chôn cột tre kéo điện từ trục chính cách gần bốn cây số về làng. Làm được rồi ông mới vận động mọi người đóng góp công sức để đưa điện về từng nhà. Có điện, đời sống người dân thay đổi hẳn.
Hết điện lại đến nước. Nước sinh hoạt trong làng trước nay toàn sử dụng ở những nơi ao tù nước đọng, vài nhà có giếng, còn lại tận dụng nước mưa… Bố Quân lại vận động mọi người làm đường nước từ nguồn khe núi đá cách đó ba cây số về làng.
Ban đầu có người cho ông là dở hơi, bao đời nay vẫn dùng nước như thế, đau bụng, đau mắt thì có đấy, nhưng đã chết ai đâu. Nhưng thấy ông quyết tâm và có cái điện làm bằng chứng cho cái quyết tâm ấy, thế là mọi người cùng nhau làm đường ống dẫn nước sạch về làng.
Rồi ông hướng dẫn mọi người đào ao nuôi cá, khai phá đất hoang trồng hoa màu. Quân cũng không biết bố mình học được ở đâu những kiến thức ấy mà hướng dẫn mọi người cứ như chuyên gia vậy. Hỏi thì ông chỉ thủng thẳng bảo, học ở nhân dân, ở ti vi nó hướng dẫn chứ đâu, tao con nhà nông cơ mà…
Khi địa phương tiến hành thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, Quân thấy bố họp gia đình bàn là sẽ tổ chức hiến đất của nhà để xây dựng Nhà văn hóa và làm đường giao thông nông thôn. Được sự ủng hộ của vợ con, ông đã đi đầu trong phong trào hiến đất cho xã. Để bây giờ làng có cái Nhà văn hóa khang trang để hội họp, các cháu thiếu nhi có chỗ văn hóa văn nghệ mỗi tối…và có con đường đổ bê tông phẳng phiu cho xe chạy bon bon…
Cho đến bây giờ mỗi lần về làng, Quân thấy ai cũng có vẻ kính nể ông. Vợ chồng đánh nhau cùng gọi ông hòa giải. Hàng xóm tranh nhau chút đất cũng mời ông giải quyết. Mất con gà cũng ới ông tìm hộ, ai chấp hành không nghiêm việc phòng chống dịch COVID-19 cũng kêu ông… Chỉ vì bởi hồi trước ông là Đại tá Công an, ông nói mọi người nghe.
Bữa trước Quân thấy bố bảo xã mời ông làm Chủ tịch Mặt trận, ông nhận lời. Đợt mưa lũ ở miền Trung ông đã vận động bà con đóng góp được khá nhiều đồ đạc ủng hộ, rồi chính tay ông đã lựa chọn những món đồ có chất lượng tốt nhất để gửi đi.
Cứ miên man nghĩ về bố mà Quân về đến bệnh viện lúc nào không hay.
3.
- Mẹ, bố sao rồi?
Vừa ào vào phòng bệnh Quân đã sốt sắng hỏi mẹ. Nhìn mẹ phờ phạc anh đoán chắc mấy hôm mẹ mất ngủ và lo cho bố nhiều.
- Bác sĩ bảo không sao nhưng chắc cũng phải lâu lâu mới ra viện được. Ông ấy bị chúng nó đánh vào đầu, vai, rồi ngã xuống trầy xước hết mặt.
Nhìn bố nằm trên giường bệnh băng bó trắng toát, bao điều Quân nghĩ ra muốn khuyên bố khi đi đường lại không thể thốt ra lời.
- Mẹ, sau đợt này mẹ khuyên bố ở nhà nghỉ ngơi đi. Già rồi đâu còn dẻo dai như hồi xưa đâu mà còn tham gia bắt cướp. Cứ thế này khéo năm nay mất Tết. Mà cái bọn này con sẽ chỉ đạo anh em bắt chúng nó lại, Tết nhất đến nơi rồi, toàn bọn đói ăn vụng, túng làm càn đây mà.
- Khuyên thế nào được ông ấy. Mỗi lần khuyên ông ấy lại bảo việc có lợi cho dân cho xóm thì cứ phải làm thôi, có việc mà làm nó mới khỏe, ngồi không nó cứ ì người ra. Mà tính ông ấy thì con biết rồi còn gì, việc nào ngứa mắt mà bỏ qua là ông ấy thấy khó chịu lắm. Mà mày tính cưới vợ đi con, có đứa cháu mang về đây cho ông ấy trông khéo lại giữ được ông ấy ở nhà.
- Thôi, mẹ để con thư thư tính chuyện vợ con. Cứ nghĩ đến cảnh vợ con lại như mẹ hồi trước con cứ thấy sao sao ấy, không nỡ cưới mẹ ạ!
Bà Thương nghe con nói chợt thừ người ra. Ừ nhỉ, chúng nó bây giờ đâu như thế hệ của ông bà nữa. Cưới nhau xong chồng cứ đi công tác biền biệt thì có đứa con gái nào nó chịu nổi không. Nghĩ lại cái cảnh mình vò võ nuôi hai đứa con, ốm đau, bệnh tật, các công việc đối nội, đối ngoại đến tay bà tất, ông thi thoảng mới đáo về nhà một chút rồi đi.
Lính hình sự như ông ấy cứ lăn lộn đi suốt, mà cái nguy hiểm nó cứ rình rập từng phút giây. Mãi sau này ông ấy về làm lãnh đạo ở Công an tỉnh mới đỡ đi hơn, chứ không lúc nào bà cũng lo ngay ngáy, chỉ sợ ông lặn lội nơi rừng thiêng nước độc, rồi gặp bọn tội phạm hung hãn lại nguy hiểm đến tính mạng của ông.
Những lần nằm bên ông, bà lại đếm những vết sẹo trên người ông, thấy không có vết nào mới bà mới an tâm phần nào. Bà hay thích sờ lên vết sẹo bên ngực trái của ông, chính vì nó mà hai ông bà mới đến với nhau, ở với nhau đến tận bây giờ.
Ngày ấy trong một chuyên án ông đã bị bọn tội phạm chém vào ngực trái rồi bị đẩy ngã xuống suối. Gặp đúng lúc bố bà đang đi hái lá thuốc, ông được bố bà sơ cứu rồi đưa về nhà trị thương. Ông đã hồi tỉnh nhờ những bát cháo nóng hổi bà bón, nhờ những bát thuốc bà sắc, nhờ những lá thuốc bà đắp cho ông.
Cảm động trước ơn cứu tử của gia đình bà, ông đã nhận bố bà làm bố nuôi. Những tháng ngày qua lại bà đã yêu ông lúc nào không hay và ông cũng vậy. Ông lấy bà không những vì cái tình mà còn vì cái nghĩa. Nhà bà có hai bố con nên cưới xong ông coi nhà bà như nhà mình mà không đòi hỏi bà phải về bên nhà ông như thường lệ.
Đến khi bố bà mất đi thì đó cũng chính là ngôi nhà của vợ chồng bà an hưởng tuổi già. Chính vì thế cho đến khi ông công thành danh toại về hưu ông không ở lại thành phố mà về bên bà để hai ông bà sớm tối bên nhau. Trong thâm tâm bà hiểu ông muốn bù đắp cho bà những tháng ngày ông xa nhà vì công việc. Vì thế nên có việc gì ông cũng đều hỏi ý kiến bà.
Những quyết định của ông, bà luôn là người ủng hộ đầu tiên, cho dù hai đứa con có thể chúng còn phản đối bố. Giờ thấy thằng Quân theo nghiệp của bố, nghĩ lại chuyện vợ con của nó bà lại thấy thương nó. Bà mong nó tìm được người thương yêu nó thật lòng và thông cảm được với công việc của nó.
4.
Nhiều ngày mưa phùn kèm gió lạnh hun hút ở đâu tràn về, hôm nay trời lại hưng hửng nắng hồng.
Sau những ngày điều trị, ông Thanh đã thấy khỏe hơn, thấy trời nắng ấm ông bảo bà Thương đưa ông ra sân bệnh viện dạo một chút. Ngồi trên chiếc ghế đá, ông hỏi bà về chuyện con cháu, chuyện xóm làng, chuyện nhà cửa. Bà thủ thỉ kể cho ông nghe đủ các chuyện, kể cả chuyện mấy đứa đánh ông cũng đã bị bắt, đang bị tạm giam để điều tra, rồi bà bảo:
- Ông khỏi đi còn về nhà ăn Tết cho vui, chứ cứ nằm viện mãi chán chết.
Ông Thanh vén tay áo rồi lên gân bảo bà Thương:
- Bà xem, tôi còn khỏe chán, Tết này sẽ về chứ ai lại ăn Tết ở bệnh viện.
Hai ông bà còn đang trêu nhau thì ở đâu có một người phụ nữ bụng chửa vượt mặt dắt theo đứa bé gái tầm bốn năm tuổi phong phanh trong manh áo mỏng đi lại, rồi chợt quỳ sụp xuống trước hai ông bà mếu máo:
- Ông ơi, bà ơi, ông bà cứu giúp chồng con với. Con đội ơn ông bà!
- Có chuyện gì sao cháu lại làm thế, đứng lên đi, có gì rồi nói. Ông Thanh đưa tay đỡ người phụ nữ dậy.
- Cháu đội ơn ông bà. Ông bà cứu giúp chồng cháu với. Chồng cháu cũng chả qua trót dại theo lời rủ rê mới làm chuyện xấu làm hại đến ông. Cháu là vợ anh Quản, người mà đã đánh ông ra nông nỗi này. Anh ấy bị bắt rồi. Những ngày qua cháu tìm và biết ông nằm ở đây nhưng cháu không dám vào cầu xin ông. Nay thấy ông đỡ nên mẹ con cháu mới dám vào xin ông tha thứ cho anh ấy. Anh ấy vì thất nghiệp, nhà lại nghèo mà cháu thì sắp đến ngày sinh nở nên túng quẫn quá đi làm liều. Cháu xin ông mở rộng lòng có lời xin giảm nhẹ tội cho anh ấy giúp cháu, chứ không Tết này mẹ con cháu biết bấu víu vào ai. À, nhà cháu chả có gì, có chục trứng gà đẻ cháu biếu ông bồi dưỡng cho lại sức…
Người phụ nữ vừa van nài vừa nức nở khóc run run đặt mấy quả trứng được gói cẩn thận lên ghế đá. Đứa bé gái đứng bên thi thoảng lại run lên vì lạnh, môi thâm tím tái.
Ông Thanh trầm ngâm nhìn người phụ nữ đáng tuổi con mình rồi bảo:
- Cháu cầm trứng về mà bồi dưỡng. Chuyện của chồng cháu để bác có lời với bên công an tỉnh xem thế nào. Rồi ông rút ít tiền trong túi đưa cho người phụ nữ. Cháu cầm lấy chút tiền này về mua quần áo cho con và bồi dưỡng vào, sắp sinh đẻ đến nơi rồi. Mọi chuyện để bác tính.
Người phụ nữ giật mình vội trả lại tiền:
- Cháu không dám nhận đâu. Nhà cháu còn không bồi thường cho ông làm sao mẹ con cháu dám nhận tiền của ông.
- Thôi được rồi, mẹ con cháu cứ về đi, để số điện thoại lại có gì bác sẽ thông báo.
Người phụ nữ lại quỳ sụp xuống nói lời cảm ơn rồi dắt con đi ra cổng. Đứa bé co ro trong cơn gió lạnh khép nép bên mẹ dáng liêu xiêu.
Ông Thanh đánh mắt sang vợ, bà Thương chạy theo khoác lên người đứa bé tấm áo khoác rộng thùng thình của mình và không quên khéo léo nhét chút tiền vào chiếc túi.
- Ông bà cho cháu nó tấm áo khoác tạm cho ấm.
Người phụ nữ lại lí nhí cảm ơn rồi bước vội sang bên kia đường.
Bà Thương quay lại, ông Thanh bảo:
- Bà gọi điện cho thằng Quân để tôi bảo nó xem thế nào. Bao năm trong nghề tôi nhận ra rằng, cho dù có là tội phạm hung hãn thế nào cũng vẫn có chút tâm của người tốt, miễn là ta đừng đẩy họ vào đường cùng. Chỉ cần ta mở lòng cho họ một con đường biết đâu ta lại cứu giúp được một con người không sa vào con đường tội lỗi. Tôi tin là họ biết sửa chữa lỗi lầm nếu được làm lại cuộc đời, phải không bà?
Bà Thương khẽ ghé đầu lên vai ông Thanh thì thầm:
- Tôi tin ông! Để tôi gọi điện cho con.
Bà Thương thấy trời dường như đang ấm dần lên. Mấy cành đào trước cổng bệnh viện đang rung rinh trong gió, đâu đó lấp ló mấy bông hoa nở sớm đang cố khoe ra sắc hồng bên cạnh mấy chiếc lá non mơn mởn. Vậy là Tết cũng sắp đến rồi.
Truyện ngắn của Nguyễn Công ĐứcXem thêm: /618526-uuh-ev-at-iaD/neyurT/nv.moc.dnac.acnv