Giáo sư y khoa John Bell của trường ĐH Oxford (Anh) chia sẻ ông có "linh cảm" các loại vắc-xin đang được sử dụng hiện nay có thể hiệu quả đối với biến thể virus ở Anh. Tuy nhiên, ông nói thêm: "Tôi không chắc về chủng ở Nam Phi. Tôi nghĩ đây là một dấu hỏi lớn".
Tuần trước, Nam Phi đã bị phong tỏa sau khi Tổng thống Cyril Ramaphosa nói chủng virus mới 501.V2 dường như "dễ lây lan" hơn so với loại virus bùng phát trong đợt đầu tiên. Trước đó, vào ngày 23-12, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Matt Hancock nói chủng virus ở nước này đã được phát hiện trong 2 trường hợp tại Anh. Hai bệnh nhân này và những người có tiếp xúc đã được cách ly. Chính phủ Anh đang áp dụng quy định hạn chế nghiêm ngặt đối với những người đến từ Nam Phi.
Trả lời phỏng vấn đài Times Radio, ông Bell nói ông cảm thấy lo ngại về chủng virus ở Nam Phi hơn so với chủng ở Anh "ở 1 số khía cạnh". “Các đột biến liên quan đến chủng ở Nam Phi thực sự là những thay đổi khá lớn trong cấu trúc của protein, cho phép các kháng thể bám vào virus" - trích lời giáo sư.
Biến thể virus SARS-CoV-2 ở Nam Phi có thể kháng vắc-xin. Ảnh: EPA
Theo lời ông, mặc dù chưa có thông tin về việc liệu đột biến này có làm tăng mức độ nghiêm trọng không, nó lại "gia tăng sự lây lan, có thể là do tăng khả năng liên kết với tế bào người".
Khi được hỏi liệu các loại vắc-xin Covid-19 hiện nay có khả năng đối phó với biến thể virus mới ở Anh và Nam Phi hay không, ông Bell nói nhóm nghiên cứu của trường ĐH Oxford đang đánh giá việc này và vẫn còn "cơ hội để hành động" vì vắc-xin có hiệu quả "tốt hơn nhiều so với dự đoán".
"Theo tôi, chưa chắc những đột biến này sẽ làm mất tác dụng của vắc-xin hoàn toàn. Tôi nghĩ chúng sẽ vẫn hiệu quả" - ông Bell nói và bổ sung rằng việc tạo ra vắc-xin mới trong vài tuần nếu cần thiết là điều "hoàn toàn có thể". "Có thể mất 1 tháng, hoặc 6 tuần, để điều chế vắc-xin mới nên mọi người nên bình tĩnh. Mọi chuyện sẽ ổn thôi. Tuy nhiên, đây không phải là những biến thế duy nhất mà chúng ta thấy mà sẽ còn nhiều biến thể khác" - giáo sư cảnh báo.
Bảo Hạnh
NLĐ