Sáng nay (4/1), đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã di chuyển thực nghiệm trên toàn tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận từ nút giao cuối tuyến (huyện Cái Bè, Tiền Giang) về đến nút giao đầu tuyến (nút giao Thân Cửu Nghĩa, điểm kết nối vào cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương) và dự lễ “cắt băng thông tuyến kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận”.
Tham gia đoàn có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.
Đây là lần thứ 4 người đứng đầu Chính phủ trực tiếp đến công trường dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để kiểm tra, thúc đẩy tiến độ và động viên cán bộ, kỹ sư, công nhân đang trực tiếp thi công tại công trường.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công tháng 11/2009, sau gần 10 năm đình trệ, tiến độ chỉ đạt 10% khối lượng, đến tháng 3/2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành dự án.
Theo lãnh đạo Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, sau hơn một năm rưỡi tái khởi động (vào tháng 4/2019), với sự nỗ lực vượt khó của hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, công nhân ngày đêm bám sát và miệt mài thi công công trình bằng tinh thần "ba xuyên": "Xuyên đêm"; "xuyên lễ, tết"; "xuyên dịch". Đến nay, Tập đoàn Đèo Cả đã hoàn thành lời cam kết theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phải thông tuyến dự án trước 31/12/2020.
Với phương châm "Muốn thông đường thực địa, phải thông đường trách nhiệm", "Dự án chậm một ngày, thêm một ngày mắc nợ với nhân dân", doanh nghiệp dự án đã lập tiến độ gắn trách nhiệm cho chính mình và các bên liên quan đến dự án là Bộ Giao thông vận tải (GTVT), UBND tỉnh Tiền Giang, các ngân hàng tài trợ vốn và Tập đoàn Đèo Cả để cùng xác định trách nhiệm trước Chính phủ, nhân dân để thực hiện làm việc "ba xuyên".
Nhà đầu tư, nhà thầu, các đơn vị tư vấn giám sát thay nhau ngày đêm bám sát công trường, cùng vượt khó, tìm cơ hội trong thách thức, biến sự hoài nghi thành động lực, lấy lại lòng tin với nhân dân trước một công trình đã nhiều lần lỗi hẹn; lập đồng hồ đếm ngược thời gian hoàn thành công khai để nhân dân biết và kiểm tra tiến độ thực hiện.
Nhân dịp này, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận kiến nghị Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang sớm giải quyết các vướng mắc kéo dài về việc thu phí của tuyến TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đồng thời sử dụng các trạm thu phí sẵn có trên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (Trạm Chợ Đệm) để tổ chức quản lý thu phí đồng bộ liên thông trên toàn tuyến cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đến Mỹ Thuận - Cần Thơ. Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì, phối hợp Bộ GTVT, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, cùng nhà đầu tư lập kế hoạch hoàn thành các công việc tiếp theo, xác định rủi ro tiềm ẩn về kỹ thuật do tác động của biến đổi khí hậu, địa chất phức tạp tại khu vực; những rủi ro về pháp lý và tài chính do nhiều lần thay đổi chủ đầu tư, nhà đầu tư, nhà thầu, để báo cáo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân khi hoàn thành đưa dự án vào khai thác trong năm 2021.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, hạ tầng kết nối là một điểm nghẽn lớn của ĐBSCL, vùng có 13 tỉnh, thành phố và chiếm 12,3% diện tích toàn quốc, hiện là vùng sản xuất nông nghiệp và thủy sản lớn nhất cả nước.
Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chậm tiến độ nhiều năm, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân ĐBSCL. Vì vậy, tháng 4/2019, trước bức xúc của nhân dân vùng ĐBSCL, Thủ tướng cùng các đồng chí lãnh đạo Chính phủ đã có lời hứa với hơn 20 triệu người dân ĐBSCL là trước Tết Nguyên đán năm nay, sẽ thông tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận.
Trong quá trình triển khai dự án, Thủ tướng cho biết, có một số khó khăn lớn: Có sự thay đổi chính sách pháp luật về đầu tư, thời tiết mưa lũ kéo dài, diễn ra dịch COVID-19, khu vực có nền đất yếu, vật liệu khan hiếm. Đặc biệt, phải thi công xây dựng tới 39 chiếc cầu lớn, nhỏ trên tuyến cao tốc 51 km này. Trước tình hình đó, Thủ tướng đã quyết định chuyển đổi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang; nhấn mạnh đề cao trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện lời hứa trước nhân dân, chọn đúng đơn vị có năng lực thi công, tổ chức thực hiện. Thủ tướng đã 4 lần trực tiếp vào kiểm tra thi công dự án, còn các Phó Thủ tướng đã 3 lần vào kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Qua công trình này rút ra vấn đề gì, Thủ tướng cho rằng, không có khó khăn nào chúng ta không vượt qua nếu có ý chí, sự quan tâm chung, đoàn kết phấn đấu từ Trung ương tới địa phương; khả năng tổ chức thực hiện của tỉnh, các đơn vị có liên quan, sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật cần thiết.
Nhân dịp này, Thủ tướng đánh giá cao 4.000 hộ dân đã di dời, nhường đất cho dự án, đặc biệt không xảy ra khiếu kiện trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng; yêu cầu tỉnh Tiền Giang tiếp tục quan tâm công tác tái định cư, ổn định đời sống, tạo sinh kế cho người dân.
Thủ tướng nêu rõ, khối lượng công việc của giai đoạn 2 còn rất lớn, phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để năm 2021, khánh thành tuyến cao tốc mẫu mực này với tiêu chuẩn quốc tế.
Nhấn mạnh Việt Nam cần có các đơn vị thi công tầm cỡ quốc tế, Thủ tướng bày tỏ ủng hộ và sẽ trực tiếp xử lý kiến nghị của Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu hồi vốn.
Đến thời điểm này, Dự án đã thi công đạt hơn 75% khối lượng, tuyến chính dài hơn 51 km đã được thông, một số đoạn trên tuyến chính đã trải cấp phối đá dăm, thảm bê tông nhựa mặt đường, các cầu trên tuyến đã hoàn thành bản mặt cầu, các đường dẫn đầu cầu đã đắp xong vật liệu dạng hạt và thực hiện vuốt nối. Dự án đang tiếp tục thi công các hạng mục còn lại như kết cấu mặt đường, hệ thống an toàn giao thông, chiếu sáng, hệ thống kiểm soát giao thông thông minh (ITS), trạm thu phí…
Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu tới, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tổ chức lưu thông tạm thời khi xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe trên Quốc lộ 1A.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!