Bộ Tài nguyên và Môi trường muốn Hà Nội, TPHCM siết vụ thu hồi xe cũ nát
Chánh Trung
(TBKTSG Online) - Bộ Tài Nguyên và Môi trường vừa có văn bản gởi các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí trong đó có việc thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường trong thành phố.
Một chiếc xe máy cũ nát trên đường phố Hà Nội. Ảnh: VOV |
Theo công văn 7442/BTNMT-TCMT ngày 30-12-2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các phương tiện cơ giới cũ nát như xe máy, xe ba gác máy… ở hai thành phố Hà Nội và TPHCM sẽ phải bị thu hồi để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên nhiều ý kiến lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến những người lao động nghèo.
Trong thời gian gần đây, mức độ ô nhiễm không khí tại một số đô thị lớn đặc biệt là tại Hà Nội và TPHCM có xu hướng gia tăng đã gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Tài Nguyên và Môi trường giải thích đó là do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả kết hợp với yếu tố thời tiết bất lợi (nghịch nhiệt) trong giai đoạn giao mùa.
Bộ đề nghị UBND Thành phố Hà Nội và UBND TPHCM đẩy nhanh việc ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải. Thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường trong Thành phố. Phát triển giao thông phi cơ giới. Khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân. Đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó cần thực hiện điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm môi trường. Tổ chức và duy trì thường xuyên hoạt động phun nước rửa đường tại các trục, tuyến đường giao thông chính của các đô thị, thành phố để hạn chế bụi phát tán, đặc biệt trong điều kiện thời tiết hanh khô, lặng gió…
Ngoài ra, các thành phố cần đôn đốc, kiểm tra các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thực hiện các biện pháp kiểm soát, xử lý khí thải, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn. Đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định…
Như vậy theo yêu cầu của văn bản trên thì các phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu như xe máy, xe ba gác máy…. đang lưu thông nhưng không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành, gây ô nhiễm môi trường sẽ có nguy cơ bị thu hồi, loại bỏ trong thời gian tới đây.
Được biết, hiện Hà Nội đang triển khai chương trình “Nghiên cứu thí điểm do kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn TP Hà Nội” do Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đề xuất. VAMM đề xuất phối hợp thực hiện tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM.
Theo chương trình này Hà Nội sẽ thực hiện lập 8 trạm đo khí thải và 30 đại lý hỗ trợ đổi xe máy cũ trên địa bàn 6 quận là: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông để triển khai chương trình. Khi người dân mang xe máy cũ (có tuổi đời trên 18 năm) đến các địa điểm này để đo kiểm về khí thải, nếu xe không bảo đảm điều kiện, sẽ được VAMM hỗ trợ kinh phí đổi xe máy mới với mức hỗ trợ 2 - 4 triệu đồng/trường hợp. Các xe máy cũ, nát, không đảm bảo sau khi đổi xe máy sẽ được thu hồi và 100% không tái sử dụng theo quy định.
Như vậy người dân muốn được hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe mới phải có đủ ít nhất hai điều kiện, một là chiếc xe của mình đăng ký trước năm 2002 và không đạt yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải. Những chiếc mô tô, xe máy cũ của người dân sau khi đổi sẽ được chính các nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm thu hồi và xử lý theo quy định chứ không được tái sử dụng.
Một giảng viên Cơ khí ô tô tại một trường ĐH ở TPHCM cho biết việc dần loại bỏ các xe máy cũ nát, không đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ môi trường là cần thiết, nhưng cần phải có chính sách hợp lý, có nghiên cứu và đánh giá cụ thể trước khi triển khai. Hiện nay đa phần những người sử dụng xe cũ, nát là người thu nhập thấp. Mức hỗ trợ từ 2-4 triệu đồng/xe cũng chưa đủ khuyến khích người dân đổi xe máy mới, vì giá một chiếc xe máy mới hiện không rẻ (rẻ nhất là gần 20 triệu đồng cho 1 chiếc xe máy mới). Còn những chiếc xe cũ sau khi thu đổi mà không tái sử dụng hay xử lý triệt để thì cũng có nguy cơ trở thành rác thải công nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Hiếu, một tài xế xe ôm công nghệ tại TPHCM cho biết: “tôi có chiếc xe máy mua đã trên 10 năm hiện vẫn sử dụng tốt. Cách đây 1 năm xe ra nhiều khói tuy nhiên tôi đã đi làm lại động cơ nên sau đó xe đã chạy êm và không còn ra nhiều khói nữa. Đúng là xe chạy lâu năm thì ra nhiều khói có nguy cơ ô nhiễm nhưng nếu đi sửa lại thì vẫn còn sử dụng rất tốt. Nếu thu hồi những chiếc xe cũ này thì những tài xế như tôi sẽ gặp khó khăn vì nó là phương tiện đi lại, kiếm sống chính”.
Ghi nhận ý kiến nhiều người dân khác tại TPHCM cũng cho biết việc thu hồi xe máy cũ cần phải xem xét vì đây là phương tiện kinh tế của rất nhiều người nghèo. Việc thu hồi cần phải có sự hỗ trợ để người dân có phương tiện mới đi lại, kiếm sống. Trên các diễn đàn mạng trong ngày 4-1-2021 cũng đã có nhiều bài thảo luận về vụ việc này. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải xem xét kỹ kế hoạch này vì nó ảnh hưởng đến kinh tế của một bộ phận không nhỏ người dân.
Hà Nội từng xây dựng kế hoạch thu hồi xe máy cũ nát vào đầu năm 2018 để trình Văn phòng Chính phủ và Hội đồng Nhân dân Thành phố. Tuy nhiên sau đó đã gặp phải nhiều dư luận trái chiều khiến kế hoạch này không thực hiện được. Bộ Tài chính cũng từng cho rằng đây là một vấn đề xã hội phức tạp nên cần có nghiên cứu tổng thể, đánh giá tác động của chính sách đến các hoạt động và đời sống xã hội của người dân.