Thông tin với báo chí mới đây, ông Đặng Ngọc Minh Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Năm 2019 và 2020, số tiền thuế thu được từ các cá nhân có thu nhập từ hoạt động kinh doanh qua Google , Facebook đạt trên dưới 1.000 tỷ đồng mỗi năm.
Trong số trên, có các trường hợp tự kê khai thuế, cơ quan thuế hỗ trợ họ kê khai thuế, có trường hợp cơ quan thuế áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để truy vết, xác minh và truy thu thuế.
Đồng thời, ông Minh cũng khẳng định: "Chắc chắn thu từ lĩnh vực này sẽ là nguồn thu phát triển mạnh trong thời gian tới".
Trước đó, theo báo cáo của Tổng cục Thuế, năm 2019, các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo, sử dụng dịch vụ trên mạng với tổ chức nước ngoài và đã khấu trừ nộp thay cho các tổ chức nước ngoài với tổng số thuế gần 1.168 tỷ đồng (trong đó thuế giá trị gia tăng là là hơn 539 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp là hơn 628,7 tỷ đồng).
Còn năm 2018 các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo, sử dụng dịch vụ trên mạng với tổ chức nước ngoài và đã khấu trừ nộp thay cho các tổ chức nước ngoài với tổng số thuế hơn 770,6 tỷ đồng (trong đó thuế giá trị gia tăng là hơn 353,4 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp là hơn 417,1 tỷ đồng).
NỀN KINH TẾ SỐ TRỊ GIÁ 14 TỶ USD CỦA VIỆT NAM VÀ CÂU CHUYỆN "SIẾT" THUẾ
Như BizLIVE đã từng đề cập, Báo cáo Kinh Tế số Đông Nam Á (SEA) 2020 cách đây ít lâu được Google, Temasek và Bain & Company công bố cho biết ngành thương mại điện tử ở Việt Nam đã tăng trưởng 46% trong năm 2020 và Việt Nam là nước có tỷ lệ người dùng Internet mới cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Theo báo cáo này, đại dịch Covid-19 đã trở thành chất xúc tác đưa nền kinh tế số Việt Nam tăng trưởng 16% năm qua, đạt giá trị 14 tỷ USD và dự kiến đạt 52 tỷ USD năm 2025.
Hiện tại, theo quy định, các doanh nghiệp thương mại điện tử, cá nhân bán hàng trên Facebook, Zalo, Viber… nếu doanh thu bán hàng trên ngưỡng doanh thu chịu thuế (ngưỡng doanh thu quy định hiện hành là từ 100 triệu đồng/năm trở lên) có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.
Riêng tại Hà Nội, từ năm 2017 đến cuối năm 2020, cơ quan thuế đã rà soát và gửi tin nhắn thông báo, hướng dẫn tới hơn 13.400 chủ tài khoản Facebook có các hoạt động kinh doanh bán hàng qua mạng. Và đã có trên 2.000 cá nhân đã đăng ký và được cấp mã số thuế để kê khai, nộp thuế.
Theo dữ liệu của các ngân hàng thương mại cung cấp, riêng Hà Nội đã có 18.304 cá nhân, tổ chức cá nhân đã nhận được số tiền từ Google và Facebook, Youtube là 1.462 tỷ đồng.
Ngoài ra, cơ quan thuế cũng đã chủ động đề nghị 45 ngân hàng thương mại cung cấp dữ liệu thông tin để xây dựng dữ liệu quản lý thuế.
Lãnh đạo ngành thuế trong nhiều cuộc trao đổi với báo chí đều khẳng định sẽ siết chặt các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới đồng thời tăng cường quản lý thuế với cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook, YouTube... Thậm chí, với những cá nhân cố tình chây ỳ, không nộp thuế sẽ bị phạt nặng, thậm chí bị xử lý hình sự.
Tại Hà Nội và TP.HCM, hai địa phương có hoạt động kinh tế số, thương mại điện tử phát triển hàng đầu cả nước, cơ quan thuế đã nhiều lần rà soát và phát hiện ra không ít các cá nhân có thu nhập triệu USD từ Facebook, Google.
Cụ thể, trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ vào tháng 8/2020, một lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội cho biết cơ quan này đã rà soát và xác định được 1.194 cá nhân kinh doanh với tổng doanh thu 3.614 tỷ đồng từ Google, Facebook, YouTube... Trong đó có một cá nhân thu 140 tỷ đồng từ hoạt động bán phần mềm cho mạng xã hội nước ngoài.
Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng đặt vấn đề bốn công ty lớn như Google, Amazon, Facebook và Apple phát sinh doanh thu tại Việt Nam hàng tỷ USD, nhưng chưa đóng thuế. Quy định pháp luật liên quan hiện mới xử phạt mang tính răn đe, chưa xử phạt dựa trên doanh thu. Theo đó, nếu phạt 100 triệu đồng (khoảng 5.000 USD) với cá nhân, doanh nghiệp nhỏ là số tiền lớn, nhưng với doanh nghiệp hàng chục tỷ USD thì lại là số tiền quá nhỏ.
Theo phân loại thông thường, hiện hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có thể phân làm 3 nhóm lớn, gồm: Bán hàng thông qua trang mạng xã hội (bán hàng online); Thu nhập phát sinh thông qua hoạt động viết các ứng dụng, trò chơi và hưởng thu nhập từ quảng cáo qua các trang mạng xã hội (Facebook, Youtube...); Các tổ chức, gia đình có hoạt động cho thuê nhà thông qua các trang mạng điện tử (Agoda, Booking...).
Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 cũng đã bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Cụ thể, Luật Quản lý thuế đã quy định rõ, đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Đây là nội dung hoàn toàn mới và lần đầu tiên được quy định trong pháp luật quản lý thuế.
Tuấn Việt
Nhịp sống doanh nghiệp
Xem thêm: nhc.78594658050101202-eb-ob-ioum-uhn-iom-elgoog-koobecaf-ut-man-iom-yt-nihgn-euht-uht/nv.zibefac