Theo công ty công nghệ xây dựng Othalo, kể từ năm 1950, hơn 9 tỷ tấn nhựa đã được sản xuất trên toàn cầu, trong đó chỉ 9% được tái chế. Trong khi đó, gần 1 tỷ người sống trong các khu ổ chuột.
Công ty này đã hợp tác với UN-Habitat, chương trình của Liên hợp quốc về định cư cho con người và phát triển đô thị bền vững, để tạo ra các hợp phần nhằm xây dựng ba ngôi nhà thử nghiệm, nhằm giúp giải quyết tình trạng thiếu nhà ở của châu Phi.
Công ty Othalo cho biết: “Chỉ riêng ở vùng cận Sahara châu Phi, nhu cầu về nhà ở giá rẻ là 160 triệu căn.”
Con số này dự kiến sẽ tăng lên 360 triệu căn vào năm 2050 do quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Nhưng với chất thải nhựa ngày nay, Othalo tin rằng hơn một tỷ ngôi nhà có thể được xây dựng từ vật liệu này.
Vào năm 2021, nhà máy đầu tiên sản xuất các thành phần như vách ngăn cho tường, trần và sàn từ nhựa tái chế sẽ được xây dựng tại Kenya.
Những ngôi nhà bền vững
UN-Habitat cho biết ước tính khoảng 60% người sống ở các khu vực đô thị của châu Phi đang ở trong các khu định cư không chính thức. Đồng thời, từ năm 1990 đến năm 2017, các quốc gia châu Phi đã nhập khẩu khoảng 230 tấn nhựa. Cơ quan này cho biết thêm: “Hầu hết được đưa vào các bãi rác, tạo ra một thách thức lớn về môi trường”.
Phó giám đốc điều hành UN-Habitat, Victor Kisob, cho biết mục đích của mối quan hệ hợp tác với Othalo là “thúc đẩy nhà ở đầy đủ, bền vững và giá cả phải chăng cho tất cả mọi người”.
Quy trình của Othalo bao gồm việc cắt nhỏ chất thải nhựa và trộn chúng với các yếu tố khác, bao gồm cả vật liệu không cháy. Các thành phần được sử dụng có thể xây dựng nhà cao đến đến bốn tầng, và một ngôi nhà rộng 60 m2 sử dụng 8 tấn nhựa tái chế. Một nhà máy với một dây chuyền sản xuất có thể sản xuất 2.800 đơn vị nhà/năm.
Sau các thử nghiệm thành công trong phòng thí nghiệm, nhà máy của Othalo ở Estonia đã bắt đầu sản xuất các bộ phận để xây dựng ba nhà thử nghiệm cho thủ đô Nairobi của Kenya, Yaoundé, thủ đô của Cameroon và Dakar, thủ đô của Senegal.
Nhà sáng lập Frank Cato Lahti
Người sáng lập Othalo, Frank Cato Lahti, đã phát triển và thử nghiệm công nghệ này từ năm 2016 với sự hợp tác của SINTEF, một tổ chức nghiên cứu độc lập 70 năm tuổi ở Trondheim, Na Uy và các chuyên gia tại Đại học Tromsø của Na Uy.
Cứ 10 người trên thế giới thì gần 7 người sẽ sống ở các khu vực thành thị vào năm 2050. Hơn 90% sự gia tăng này sẽ diễn ra ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latinh và Caribe.
UN-Habitat cảnh báo: “Nếu không có quy hoạch đô thị hiệu quả, hậu quả của quá trình đô thị hóa nhanh chóng này sẽ rất lớn.
Thiếu nhà ở thích hợp và sự phát triển của các khu ổ chuột, cơ sở hạ tầng thiếu thốn và lạc hậu, nghèo đói và thất nghiệp leo thang, ô nhiễm và các vấn đề sức khỏe chỉ là một số trong những hậu quả đó.
UN-Habitat cho biết tư duy, chính sách và cách tiếp cận đối với đô thị hóa cần phải thay đổi để sự phát triển của các thành phố và khu vực đô thị trở thành những cơ hội không bỏ ai lại phía sau.
Nguồn: WEF
K Nguyễn
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị