Đất nước phát triển rất cần thế hệ trẻ - Ảnh: DUYÊN PHAN
Kế hoạch lập gia đình muộn sau 30 tuổi khá phổ biến ở các bạn sinh viên trường này. Các bạn cho rằng thời gian học ở trường y dài hơn các trường khác, chưa kể sau khi ra trường vẫn phải học tiếp như bác sĩ (BS) nội trú, BS CKI, BS CKII…
Chỉ muốn phát triển sự nghiệp
Bạn P.T.T.M., sinh viên năm 3 của trường, cho biết kế hoạch của M. là sẽ kết hôn sau 30 tuổi vì M. muốn ổn định công việc trước khi lập gia đình. M. cũng muốn có một cuộc sống khá đầy đủ mới đón chào đứa con đầu tiên. Khi nhận được câu hỏi "Em có tính sinh bé thứ hai?", M. trả lời sẽ chỉ sinh một bé, khi nào có điều kiện mới nghĩ đến việc sinh thêm bé thứ hai.
P.H.H., sinh viên năm 1, cũng muốn kết hôn sau 30 tuổi bởi cô muốn có thời gian thư thả sống cho riêng mình, thực hiện ước muốn được đi vòng quanh thế giới. Còn bạn T.T.Y.N., sinh viên năm 1, dự định sẽ kết hôn trong khoảng thời gian từ 28-30 tuổi. Dù đã được nghe nhiều kiến thức về dân số nhưng N. khẳng định mình sẽ sinh một con duy nhất khi ở tuổi 30-35.
Đa số các bạn muốn lập gia đình, sinh hai con nhưng vẫn có không ít sinh viên Trường đại học Y dược TP.HCM kiên quyết bảo vệ ý kiến muốn sống độc thân, không muốn kết hôn. Dù đang học trường y, ra trường sẽ là những bác sĩ, nhân viên y tế trong tương lai, có điều kiện sẽ tư vấn cho nhiều người nhưng nhiều bạn cũng thừa nhận mình chưa quan tâm, chưa hiểu rõ lợi ích của khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Trách nhiệm công dân
Theo TS Bùi Chí Thương - giảng viên bộ môn phụ sản, Trường đại học Y dược TP.HCM, sinh viên y khoa sẽ là những nhân viên y tế chất lượng trong tương lai nhưng trước hết cũng phải là một công dân bình thường tại TP.HCM hoặc ở các tỉnh sau này. Do vậy các bạn phải có trách nhiệm là một công dân để xây dựng đất nước.
TS Thương cho rằng khám sức khỏe tiền hôn nhân là một cách có trách nhiệm với bản thân, với người vợ hoặc người chồng tương lai. Đây cũng là trách nhiệm với gia đình, với xã hội. Khám sức khỏe tiền hôn nhân để biết có tiềm ẩn những bệnh di truyền cho con hay không.
TS Thương khuyên các cặp đôi nên đi khám sức khỏe tiền hôn nhân khoảng 3-6 tháng trước kết hôn.
Ngày nay do quá nhiều áp lực của cuộc sống và công việc nên các cặp đôi thường kết hôn trễ, có con muộn, sinh ít con. Việc sinh ít con có thể làm dân số già, mất đi tính cạnh tranh do thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, để phát triển TP và đất nước, mỗi cặp vợ chồng hãy khám tiền hôn nhân để sàng lọc nhằm giúp cho đời sống vợ chồng viên mãn, tạo ra những đứa con khỏe mạnh, những công dân chất lượng, duy trì nòi giống sau này.
TS Thương khuyên phụ nữ nên sinh con lần đầu trước 30 tuổi, sinh con thứ hai trước 35 tuổi, mỗi gia đình sinh đủ hai con. TS Thương nhấn mạnh tuổi có thai tốt nhất ở phụ nữ là từ 20-30 tuổi. Sau 35 tuổi thì khả năng có thai ở phụ nữ giảm nhiều do buồng trứng giảm cả số lượng và chất lượng. Mang thai ở phụ nữ sau 35 tuổi còn có nhiều nguy cơ thai kỳ như sẩy thai, thai dị tật, tiền sản giật hay đái tháo đường thai kỳ.
Ông Phạm Chánh Trung, chi cục phó Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, chia sẻ ngành y tế - dân số TP đang phải đối mặt với thử thách rất lớn trong việc góp phần duy trì, đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng để phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội.
31% sinh viên y khoa chỉ muốn sinh 1 hoặc không sinh con
Mới đây, Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình TP.HCM đã tổ chức Hội thi tìm hiểu kiến thức dân số, sức khỏe sinh sản, sức khỏe trước khi kết hôn cho hàng trăm sinh viên Trường đại học Y dược TP.HCM. Tại hội thi, ban tổ chức khảo sát nhanh với 172 sinh viên của trường. Kết quả cho thấy có 62% sinh viên mong muốn có 2 con khi lập gia đình, 18% sinh 1 con, 7% sinh trên 3 con và 13% không sinh con.
TTO - Hiện nay có 21 tỉnh thành phố có mức sinh thấp, thậm chí rất thấp, thấp nhất là TP.HCM với 1,35 con/bà mẹ độ tuổi sinh sản, nhưng cũng có đến 33 tỉnh thành có mức sinh cao, trong đó Hà Tĩnh cao nhất nước, mỗi bà mẹ sinh trên 2,9 con.
Xem thêm: mth.34424219050101202-gnoul-tahc-cul-nahn-nougn-ueiht-ol-mch-pt-hnis-iagn-ert-nab/nv.ertiout