Các khoản vỡ nợ trái phiếu đã tăng lên mức cao kỷ lục là 30 tỷ USD vào năm 2020, trong đó bao gồm cả những doanh nghiệp có tiếng – vốn nhận được sự hậu thuẫn nhiệt tình của nhà nước. Động thái giám sát và trừng phạt từ các cơ quan xếp hạng tín nhiệm ngày càng gia tăng, trong khi các sàn giao dịch trong nước cũng hủy niêm yết ít nhất 16 cổ phiếu vào năm ngoái – con số lớn nhất kể từ năm 1999.
Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng lên vào năm 2021, khi ngân hàng trung ương Trung Quốc thắt chặt các quy định tài chính, khiến cả các công ty nhà nước và tư nhân không có dòng tiền đủ mạnh sẽ khó có thể tồn tại. Nền kinh tế đang hồi phục, cùng đồng nội tệ mạnh lên đang tạo cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh tập trung vào việc giảm lượng nợ trong hệ thống tài chính – vốn đang ở mức kỷ lục 277% GDP.
Các khoản vỡ nợ của Trung Quốc trong 3 năm vừa qua và đạt mức kỷ lục vào năm 2020.
Larry Hu – trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Group Ltd., nhận định: "Tin tốt ở đây là Trung Quốc sẽ kiểm soát rủi ro tài chính, nhưng điều tồi tệ là họ sẽ không ‘cứu’ các công ty trừ khi họ rơi vào tình thế ‘nước sôi lửa bỏng’. Chính phủ Trung Quốc muốn tận dụng tối đa đà tăng trưởng vững chắc để thắt chặt chính sách tiền tệ. Chúng tôi có thể thấy nhiều công ty phải đối mặt với những thách thức trong việc huy động nguồn tiền mặt."
Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã triển khai thêm nhiều biện pháp nhằm tăng hiệu quả thị trường vốn trong nước, cũng như chất lượng của các công ty. Chỉ riêng trong tháng 12, Trung Quốc đã nâng khung phạt tối đa đối với án tù cho tội gian lận chứng khoán lên đến 15 năm, đề xuất rút ngắn quy trình hủy niêm yết đối với các cổ phiếu không sinh lời và cam kết cải thiện hoạt động giám sát xếp hạng tín nhiệm. Ngoài ra, giới chức nước này cũng áp đặt giới hạn cho vay của ngân hàng đối với các nhà phát triển bất động sản – lĩnh vực đang "ôm" những khoản nợ chồng chất.
Vào tháng 11, cơ quan quản lý chứng khoán hàng đầu nước này đã cam kết tăng cường giám sát những thương vụ niêm yết lần đầu. Trong khi đó, họ cũng có những động thái xử lý mạnh tay đối với thị trường trái phiếu chuyển đổi cũng được đưa ra, khi đưa ra 37 quy định mới chỉ trong 1 ngày.
Trong bối cảnh Trung Quốc đưa ra những quy định gắt gao hơn đối với các doanh nghiệp, việc mở cửa thị trường tài chính sẽ cho phép nhà đầu "trừng phạt" các công ty hoạt động kém hiệu quả. Mối lo ngại về việc các doanh nghiệp Trung Quốc phụ thuộc vào thị trường Mỹ để huy động vốn đã phần nào thúc đẩy động thái đó, cũng như chiến lược kinh tế của chính phủ là "Chiến lược vòng tuần hoàn kép" (Dual Circulation) – ưu tiên tăng cường nhu cầu trong nước.
Dù PBOC có thể sẽ không nâng lãi suất trong những tháng tới, nhưng các nhà lãnh đạo đã nhiều lần đưa ra dấu hiệu sẽ tiết chế nguồn cung tín dụng rẻ. Quan điểm này được đưa ra đúng thời điểm – khi tăng trưởng xuất khẩu bùng nổ, tạo điều kiện cho NHTW thu hẹp các biện pháp được triển khai trong giai đoạn đại dịch bùng phát.
Tuy nhiên, hậu quả đối với những công ty yếu kém nhất có thể là cực kỳ tàn khốc. Cam kết bình thường hóa chính sách của Bắc Kinh là 1 nhân tố đằng sau làn sóng vỡ nợ xảy ra bất ngờ vào cuối năm 2020, khiến hoạt động cho vay trên thị trường liên ngân hàng bị đóng băng. Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cảnh báo rằng việc thắt chặt chính sách quá gay gắt sẽ gây tổn hại cho sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu.
Việc thúc đẩy động cơ tăng trường mà không làm mất ổn định trong 1 hệ thống tài chính có đòn bẩy cao của Trung Quốc đòi hỏi phải có sự tái cân bằng được điều chỉnh cẩn thận. Theo Carlos Casnova – kinh tế gia của Union Bancaire Privee, đối với Trung Quốc và các công ty trong nước, sự thay đổi lớn như vậy chỉ có thể thành công nếu những doanh nghiệp có điều kiện tài chính và lợi nhuận kém được phép phá sản.
Casanova viết trong 1 lưu ý hồi tháng 11: "Giới chức Trung Quốc sẽ tiếp tục ‘buộc’ một sợi dây vững chắc giữa ổn định tăng trưởng và loại bỏ các yếu tố kinh tế yếu kém. Để ‘canh bạc’ tái cấu trúc nợ diễn ra như thuận lợi, thì tốc độ cải cách tài chính phải tăng tốc nhanh chóng."
Tham khảo Bloomberg