Bảo hiểm xe máy không đơn thuần dùng để trình diện cho lực lượng chức năng khi kiểm tra, mà có tác dụng chính là hỗ trợ khách hàng và bên thứ ba khi gặp rủi ro trong quá trình tham gia giao thông - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo sửa đổi Nghị định về Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới, nhằm mang đến thuận lợi, giảm gánh nặng thủ tục, hồ sơ cho người dân.
Tai nạn nhiều, người tham gia bảo hiểm xe máy chưa bao nhiêu
Bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới đã được áp dụng tại Việt Nam hơn 10 năm nhằm hỗ trợ người bị tai nạn do xe cơ giới gây ra có ngay một khoản tài chính do các công ty bảo hiểm thay mặt chủ xe chi trả, giúp nạn nhân cũng như gia đình khắc phục hậu quả và ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, tỉ lệ tham gia bảo hiểm của xe máy vẫn còn thấp khi chỉ chiếm khoảng 30%, tỉ lệ này ở xe ô tô cao hơn khi đạt 90%.
Một vấn đề được đặt ra là giữa lúc bảo hiểm xe máy vẫn bị nhiều người xem nhẹ, thì theo báo cáo mới đây của ông Khuất Việt Hùng (phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia), trong vòng 5 năm qua, cả nước xảy ra 94.024 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 39.917 người, bị thương 77.477 người. Tức mỗi năm nước ta có gần 8.000 người mất và hơn 15.000 người bị thương.
Theo thống kê từ cơ quan chức năng, trong vòng 10 năm qua, số lượt xe cơ giới tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới là gần 124 triệu, đã giải quyết bồi thường bảo hiểm cho trên 638.000 vụ TNGT, trung bình 13,4 triệu đồng/vụ.
Trong giai đoạn 2008-2019, Quỹ Bảo hiểm Xe cơ giới (do các doanh nghiệp bảo hiểm đóng góp từ doanh thu bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới) đã chi 21,6 tỉ đồng cho công tác tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông và chính sách bảo hiểm bắt buộc của Nhà nước.
Hỗ trợ trên 90 tỉ đồng xây dựng 75 công trình đề phòng, hạn chế tổn thất tại 42 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thực hiện chi hỗ trợ nhân đạo cho các trường hợp tử vong do TNGT nhưng không có bảo hiểm hoặc không thuộc phạm vi bồi thường bảo hiểm.
Bảo hiểm bắt buộc xe máy là loại hình bảo hiểm do Chính phủ quy định nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng và đảm bảo an sinh xã hội. - Ảnh: CHÂU TẤN
Chính phủ lắng nghe ý kiến người dân và thay đổi
Thực tế, không ít người dân mua bảo hiểm xe máy chỉ để đối phó. Chính thủ tục phức tạp trong quá trình làm hồ sơ bồi thường khiến nhiều người nản lòng khi đòi quyền lợi bảo hiểm.
Nhiều ý kiến đã được nêu lên sau các đợt ra quân tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ giữa năm 2020 để kiểm soát các loại giấy tờ theo quy định như giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới...
Do vậy, dự thảo Nghị định lần này có nhiều điểm mới, tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm.
Trong đó có một số điểm đáng lưu ý như: cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, tăng mức trách nhiệm bồi thường lên 150 triệu đồng/trường hợp tử vong, doanh nghiệp đồng chịu trách nhiệm thu thập hồ sơ bồi thường, chi trả quyền lợi bảo hiểm mà không cần đợi đến khi hoàn thành hồ sơ, áp dụng mức phí mềm cho người lái xe an toàn, tăng mức chi hỗ trợ nhân đạo và tăng giám sát của Nhà nước.
Dự kiến tháng 3-2021, Nghị định về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới được sửa đổi sẽ bắt đầu có hiệu lực.
8 điểm nổi bật của dự thảo Nghị định về hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới
1. Sẽ có giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử
Doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) được chủ động thiết kế Giấy chứng nhận bảo hiểm đảm bảo đầy đủ thông tin theo quy định, được phép cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử.
2. Bảo hiểm xe máy có thể mua đến 3 năm
Mở rộng thời hạn bảo hiểm, tối thiểu 1 năm và tối đa là 3 năm đối với xe máy, tối thiểu là 1 năm và tối đa tương ứng thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ôtô.
3. Tăng mức trách nhiệm bảo hiểm thêm 50%
Nâng mức trách nhiệm bảo hiểm 50% từ 100 triệu đồng hiện nay lên 150 triệu đồng cho mỗi trường hợp tử vong do xe cơ giới gây ra.
4. Doanh nghiệp đồng chịu trách nhiệm thu thập hồ sơ bồi thường
Trường hợp vụ tai nạn không xảy ra tử vong, DNBH được chủ động phối hợp bên mua bảo hiểm và các bên liên quan thiết lập hồ sơ bồi thường mà không phải thu thập tài liệu từ phía cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, đầy đủ, hợp lệ.
Trong vụ tai nạn gây tử vong đối với bên thứ ba và hành khách, DNBH chịu trách nhiệm thu thập bản sao tài liệu liên quan của cơ quan Công an.
DNBH cũng chịu trách nhiệm lập Biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất trên cơ sở thống nhất giữa DNBH và bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm.
5. Chi trả quyền lợi bảo hiểm không đợi đến khi hoàn thành hồ sơ
Trong vòng 3 ngày kể từ ngày nhận được thông báo vụ tai nạn, DNBH có trách nhiệm tạm ứng ngay cho người tham gia bảo hiểm. Đối với trường hợp đã xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại thì tạm ứng 70% mức trách nhiệm bảo hiểm đối với trường hợp tử vong, 50% mức bồi thường bảo hiểm đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu. Trường hợp vụ tai nạn chưa xác định thì tạm ứng tương ứng 30% và 10%.
6. Mức phí mềm cho khách hàng lái xe an toàn
Căn cứ vào lịch sử tai nạn giao thông và năng lực chấp hành rủi ro, DNBH được chủ động xem xét tăng phí bảo hiểm, mức tăng tối đa là 15% tính trên phí bảo hiểm do Bộ Tài chính quy định.
7. Tăng mức chi hỗ trợ nhân đạo
Mở rộng phạm vi, tăng mức chi hỗ trợ nhân đạo cho trường hợp thiệt hại về sức khỏe, tính mạng mà không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm và các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.
Mức chi là 45 triệu đồng/người/vụ cho các nạn nhân tử vong, 15 triệu đồng/người/vụ cho các nạn nhân thiệt hại về sức khỏe, tính mạng được điều trị tại phòng cấp cứu theo quy định pháp luật về y tế.
8. Tăng giám sát của Nhà nước
Hàng năm, Bộ Tài chính tổ chức thanh tra, kiểm tra các DNBH trong đó có nội dung về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới, nhằm chấn chỉnh, xử lý vi phạm kịp thời, ghi nhận các kiến nghị, phản ánh để hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Xem thêm: mth.49404501150101202-iol-neyuq-gnat-cut-uht-maig-coud-pas-yam-ex-coub-tab-meih-oab/nv.ertiout