Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đã tăng 1,9% khi kết thúc phiên giao dịch ngày 5/1, đưa nó vượt qua đỉnh 5.353,75 điểm được xác lập ngày 8/6/2015. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2008. Chỉ số này đã tăng hơn 50% kể từ mức đáy vào tháng 3/2020, thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và lan mạnh ra toàn cầu.
Cú tăng đều của CSI 300 được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố, trong đó có việc mua cổ phiếu bằng tiền vay một cách dễ dàng hơn. Bước tiến đó cũng đã đẩy giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Trung Quốc cán mốc 11.000 tỷ USD.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cũng đang mang đến những tác động tích cực với thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có Trung Quốc. Lãi suất thấp, vốn được đưa ra để giảm thiểu tác động của đại dịch, khiến nhiều người rút tiền tiết kiệm đổ vào chứng khoán. Ngoài ra, sự tăng giá của thị trường còn được hỗ trở bởi một đồng tiền mạnh cũng như các dữ liệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh hơn các nền kinh tế khác sau cú sốc đại dịch.
Sau khi chứng khoán Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2015, nó phải hứng chịu cú sập kéo dài 3 tháng liên tiếp, xóa sổ hơn 5,2 nghìn tỷ USD khỏi vốn hóa thị trường. Suốt một thời gian dài, chứng khoán Trung Quốc không thu hút được sự chú ý và cũng không có gì khởi sắc.
So với đỉnh năm 2015, các chuyên gia đều tin rằng chứng khoán Trung Quốc hiện nay đang bền vững hơn rất nhiều. Các nhà phân tích của Citigroup Inc. bao gồm Pierre Lau, đã nâng mục tiêu của họ với CSI 300 lên 5.525 điểm. Trong khi đó, nhà phân tích Laura Wang của Morgan Stanley tin rằng chỉ số này sẽ đạt 5.570 điểm vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, giá trị dư nợ ký quỹ trên các sàn giao dịch chứng khoán ở Trung Quốc cũng đã tăng 23,9 tỷ tệ (3,7 tỷ USD), mức tăng lớn nhất kể từ ngày 13/7. Lần đầu tiên trong 5 năm, tổng số tiền đã vượt qua 1,5 nghìn tỷ tệ.
Một điểm thu hút các nhà đầu tư hiện nay là các cổ phiếu ở Trung Quốc trông rẻ hơn so với thời kỳ đỉnh cao của bong bóng năm 2015. CSI 300 đang có mức P/E chỉ là 16 lần, thấp hơn so với con số 19 lần của gần 5 năm trước.
Bất chấp những tác động của đại dịch Covid-19, năm 2020 được xem là một năm tốt với thị trường chứng khoán toàn cầu. Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là ổ dịch lớn nhất, liên tiếp chứng kiến các chỉ số chính xác lập các đỉnh lịch sử mới. Việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cam kết duy trì mức lãi suất gần bằng 0 cùng với hàng loạt các gói kích thích kinh tế, bao gồm phát tiền cho người dân, tạo điều kiện để thị trường bùng nổ.
Triển vọng thị trường năm 2021 vẫn tiếp tục được nhiều người đánh giá là lạc quan, nhất là khi vắc xin chống Covid-19 đã được hàng loạt các quốc gia phê duyệt và đưa vào tiêm chủng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng cần thời gian để người dân trên khắp thế giới có cơ hội tiếp cận vắc xin. Điều này làm dấy lên những lo ngại về việc các nước giàu sẽ phổ cập vắc xin trước trong khi các nước nghèo tiếp tục loay hoay chờ thuốc.